Ngày 21/6, do bố mẹ vắng nhà nên 3 cháu gồm: H’Nguyệt Dung (9 tuổi), H’Uynh Dung (6 tuổi) và H’Lệ Hòa Dung (3 tuổi, cùng ngụ buôn Ya, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) rủ nhau tự luộc sắn để ăn.
Đến khoảng 14h, chiều cùng ngày, vợ chồng anh Y Kơn Du (30 tuổi, bố cháu H’Lệ Hòa) đi làm về thì phát hiện cả 3 cháu nhỏ đều có dấu hiệu bị ngộ độc, nôn ói, đau đầu, chóng mặt nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk cấp cứu.
Tại bệnh viện, cháu H’Nguyệt bị ngộ độc nhẹ nên cho điều trị tại bệnh viện huyện; riêng cháu H’Lệ Hòa và H’Uynh bị ngộ độc nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây nguyên để cấp cứu.

Bé gái bị ngộ độc sắn đang được điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên
Tuy nhiên tình trạng ngộ độc nặng nên cháu H’Uynh đã tử vong trên đường đến bệnh viện và đã được đưa về nhà lo mai táng. Còn bé H’Lệ Hòa đang được điều trị, sức khỏe tiến triển tốt và đang được bệnh viện theo dõi sát sao.
Theo chị H’Nhung Dung (29 tuổi, mẹ cháu H’Lệ Hòa), bình thường các cháu không ăn củ sắn nhưng hôm qua đã tự luộc ăn và bị ngộ độc. Được biết, các cháu bé đều là người dân tộc M’Nông có hoàn cảnh rất khó khăn. Phía chính quyền địa phương đã kêu gọi hỗ trợ chi phí để lo hậu sự cho gia đình nạn nhân.
Nguyên nhân gây ngộ độc sắn
Trong một công trình nghiên cứu của bác sĩ Bạch Văn Cam - Trưởng khối Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM và bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa đã chỉ ra, ngộ độc sắn cấp là một tai nạn chiếm 10% trong số các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Ngộ độc sắn chiếm 10% trong số ngộ độc thức ăn, với tỷ lệ tử vong là 16,7%.

Theo bác sĩ Cam, trong sắn chứa độc tố cyanhydric - cơ chế gây ngộ độc của chất này là ngăn các mô và cơ quan trong cơ thể không hấp thụ được oxy dẫn tới suy hô hấp, hôn mê, trụy tim mạch.
Độc tố của sắn chứa nhiều nhất trong vỏ, ruột và lá sắn. Độc tố đi vào máu và các cơ quan nội tạng gây ngạt tế bào khiến bệnh nhân khó thở, rồi tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Triệu chứng ngộ độc sắn
Biểu hiện ngộ độc sắn thường xuất hiện sau vài giờ kể từ khi ăn. Giai đoạn đầu, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, sôi bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy). Sau đó, các triệu chứng rối loạn thần kinh xuất hiện muộn như (váng đầu, nóng bừng mặt, ù tai, chóng mặt, ngứa ngáy, chân tay nặng, người vật vã, run, co giật, có khi tử vong); có trường hợp bị sốt, ho...
Trong đó triệu chứng thường gặp nhất là nôn, xuất hiện đột ngột 4-6 giờ sau ăn, nôn ra thức ăn, nôn từ 4 - 10 lần.

Sắn cần được gọt vỏ, ngâm nước để loại bỏ bớt chất độc
Ngộ độc sắn dùng gì để giải độc: Khi phát hiện bệnh nhân ngộ độc sắn cần gây nôn, sau đó cho nạn nhân uống nước đường hoặc nước mía rồi chuyển ngay đi cấp cứu. Nên sơ cứu cho nạn nhân để tránh suy hô hấp tử vong trên đường tới bệnh viện.
Luộc sắn đúng cách
- Sắn sau khi dỡ về phải chế biến ngay càng để lâu bên ngoài càng nhiều độc tố phát sinh. Nếu chế biến không kịp thì phải vùi xuống đất.
- Sơ chế sắn bằng cách lột vỏ, ngâm vào nước hoặc nước pha muối loãng (nước vo gạo càng tốt)
- Khi luộc sắn nên cho nhiều nước, mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt, nếu thấy có vị đắng thì không nên ăn.
- Tốt nhất là ăn sắn luộc với các loại đường, mật để trung hòa axit độc trong sắn.
Tác dụng của nước mía đối với sức khỏe
Xem thêm: Nước mía giải khát mùa hè nhưng cứ uống kiểu này bảo sao đau bụng, đi ngoài, còn tăng đường huyết
Theo Hà Ly/SKCĐ