Ngay sau khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Sản bắt đầu tiến hành mở ổ bụng, xử trí cầm máu, lấy khối thai ra ngoài cơ thể.
Sau 45 phút, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, diễn tiến hậu phẫu ổn.

Theo thông tin từ các bác sĩ, chị H. bị vỡ phôi thai ngoài tử cung 7 tuần tuổi, phôi nằm ở vị trí ống dẫn trứng bên trái. Vỡ phôi thai khiến bệnh nhân mất gần 2.000 ml máu, sốc mất máu gây nguy hiểm đến tính mạng.
"Nếu chậm trễ khoảng 10 phút nữa, chảy máu sẽ không kiểm soát được, người bệnh có thể rơi vào tình trạng rối loạn đông máu nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong hoặc đời sống thực vật”, ThS. BS Lê Thị Hải Yến – Trưởng khoa Sản Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 cho biết.
Được biết, thai ngoài tử cung là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các ca tai biến sản khoa ở 3 tháng đầu thai kỳ.
Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động, Bộ NN và PTNT, cho biết, hiện nay tình trạng mang thai ngoài tử cung có xu hướng tăng lên.
“Bình thường, trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển theo ống dẫn trứng để vào trong tử cung và 'làm tổ' tại đó. Sau 1 - 2 tuần chậm kinh, đi siêu âm đã có thể thấy túi thai trong tử cung. Nhưng có những người, phôi thai đang di chuyển qua ống dẫn trứng thì bị tắc lại đó. Nguyên nhân có thể là do nạo hút thai nhiều, hoặc viêm nhiễm vòi trứng khiến lối đi lại của ống dẫn trứng không còn thông thoáng nữa, hoặc khiến phôi thai tắc ngay tại điểm hẹp. Trong khi đó, phôi thai thì lớn dần lên, đến một mức nào đó sẽ phá vỡ các mạch máu nơi nó đậu lại trên vòi trứng, gây chảy máu dữ dội trong ổ bụng, có thể làm sản phụ tử vong nhanh chóng”, bác sĩ Dung cho biết.
Để phòng ngừa thai ngoài tử cung, chị em phụ nữ cần giữ vệ sinh tốt, phòng ngừa viêm nhiễm sinh dục, hạn chế nạo phá thai. Nếu có các triệu chứng như chậm kinh, rong huyết, đau âm ỉ vùng dưới rốn rồi cơn đau tăng dần, “mót” đại tiện nhưng không thể đi được… chị em phụ nữ cần đến bác sĩ để được khám chữa kịp thời.
Kiều Đỗ (t/h)