Những cái kết thương tâm
Vào khoảng khoảng 8h30 ngày 7/9, ông Hoàng Văn Líu trú tại xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, Bắc Giang bất ngờ cầm dao sang nhà tấn công cháu họ. Ông chém tới tấp vào đầu và nhiều bộ phận khác trên cơ thể nạn nhân. Cháu bé đã phải hứng chịu những nhát dao oan nghiệt từ người bác họ dẫn đến đứt lìa bàn tay trái, bị thương ở tay phải và góc mắt trái. May mắn là gia đình đã kịp thời phát hiện can ngăn giúp cháu bé may mắn thoát chết và phần bàn tay bị đứt lìa được bảo quản sau đó đưa đến Bệnh viện Việt Đức Hà Nội để nối lại. Tuy nhiên, cháu sẽ phải mang thương tích cả đời và nỗi ám ảnh tinh thần không phải ngày một ngày hai mà thoát ra được. Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra nhưng Chủ tịch UBND xã Giáo Liêm tiết lộ, Líu thần kinh không bình thường và có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, thường xuyên sử dụng bia rượu và say xỉn.


Cũng tại Hà Nội, vào tháng 6/2017, dư luận từng rúng động trước vụ việc chị P.T.T đã đặt con ruột mới 33 ngày tuổi vào chậu nước cho đến khi cháu bé tử vong. Cơ quan điều tra đã xác định nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do P.T.T mắc bệnh trầm cảm nặng nên có những suy nghĩ tiêu cực. Hay gần đây nhất vào ngày 15/6/2019, thiếu úy Tạ Quang Đạt là Đội trưởng tham mưu tổng hợp Đồn biên phòng Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường, Long An) bị trầm cảm trong thời gian dài, vừa đi điều trị về đã dùng súng bắn ba cán bộ khác bị thương sau đó tự sát.
Vì sao người trầm cảm có thể gây ra hành vi nguy hiểm?
Trên thực tế, dù đã có rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do trầm cảm nhưng lâu nay dường như chúng ta bỏ quên, coi thường dẫn đến những hậu quả đáng tiếc liên tiếp xảy ra. Như Tiến sĩ Tô Thanh Phương – Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I khi trao đổi với báo chí đã thừa nhận một thực tế: “Hiện nay không ít người đang xem nhẹ và coi căn bệnh trầm cảm là “không đáng quan tâm”, thậm chí khi nói rằng trầm cảm còn nguy hiểm hơn cả những căn bệnh mãn tính và đau đớn hơn tất cả những căn bệnh nào khác, mọi người đều cho rằng đó là đang làm quan trọng thêm vấn đề”. Tiến sĩ Tô Thanh Phương cho rằng “Không gì đau đớn bằng bệnh trầm cảm” và đưa ra một số liệu thống kê cho thấy 80% bệnh nhân trầm cảm nặng bị ảo thanh định tự sát, 15% trong đó đã tự sát thành công.
Những phân tích trên cho thấy, đã đến lúc xã hội phải dành sự quan tâm đặc biệt cho căn bệnh trầm cảm để tránh những vụ việc thương tâm xảy ra với người thân và xã hội. Trầm cảm không chỉ dừng lại ở một căn bệnh, một cá nhân mà còn là vấn đề xã hội cần quan tâm và có nhận thức đúng đắn, không kỳ thị để giúp đỡ những người bị bệnh sớm chữa khỏi. Bên cạnh đó cũng cần phải hạn chế tối đa những nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp gây ra căn bệnh trầm cảm cho bản thân và người khác.