Bệnh gút đứng thứ 4 trong số 15 bệnh viêm khớp phổ biến nhất. Bệnh không đe dọa tính mạng nhưng gây đau đớn kéo dài ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, bệnh kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến dạng khớp, nhiễm khuẩn huyết, suy thận, thậm chí tàn phế.
Bàn tay biến dạng vì tự ý dùng thuốc
Ông Đ.V.Đ (1951, Lạng Sơn) đã chung sống với bệnh gút suốt 14 năm nay và thường xuyên phải dùng thuốc cầm cự. Trước đó ông sử dụng thuốc bảo hiểm tại bệnh viện gần nhà nhưng mong muốn sớm được giải thoát khỏi những cơn đau nên ai mách thuốc gì là ông lập tức mua về dùng thử.

Dùng lẫn lộn các loại thuốc một thời gian, bệnh tình trở nặng ông phải vào Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn cấp cứu. Bàn tay và ngón tay của ông bị hạt tophi gây biến dạng, sưng nề tấy đỏ, đau chảy mủ, sốt cao. Không chỉ vậy bàn chân sưng to, phù nề toàn thân. Qua thăm khám, bác sĩ xác định ông bị nhiễm khuẩn hạt tophi/gút mạn tính.
Lúc này, bệnh nhân mới thú nhận vì chán cảnh hàng tháng phải vào viện lấy thuốc bảo hiểm nên mỗi khi tái phát cơn đau ông lại tự ý mua thuốc bên ngoài về uống. Dùng lẫn lộn thuốc Đông, Tây y nhưng bệnh chẳng đỡ, nào ngờ chân tay biến chứng nặng vẫn phải cầu cứu bác sĩ.
Thuốc điều trị cơn gút cấp tính
Thuốc Colchicin: Được dùng để giảm các cơn đau do đợt gút cấp. Nên dùng thuốc càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 12 giờ đầu khởi phát cơn gút. Lưu ý thuốc có thể gây tác dụng phụ hiếm gặp như: nổi mề đay, ban đỏ dạng sởi, suy giảm tủy xương, viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc.

Người có có tiền sử bệnh dạ dày, ruột, thận, gan, tim ở mức độ nặng không nên dùng thuốc. Khi có hiện tượng nôn mửa, tiêu chảy, cần phải giảm liều hay tạm ngưng dùng thuốc đồng thời báo cho bác sĩ để được tư vấn dùng thuốc thay thế.
Trong trường hợp bệnh nhân không sử dụng được bằng cochicine có thể dự phòng bằng các thuốc kháng viêm không steroid bằng liều thấp.
Các thuốc kháng viêm không steroid như: Indometacin, naproxen, ibuprofen, ketoprofen, piroxicam, diclofena… các nhóm thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (meloxicam, celecoxib, etoricoxib...).
Vì thuốc có tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa, do đó chống chỉ định với người viêm loét dạ dày tá tràng, suy thận… Một số trường hợp bác sĩ có thể cân nhắc phối hợp các loại thuốc kháng viêm không steroid với colchicin để tăng hiệu quả điều trị.
Thuốc Corticoid: Chỉ khi dùng 2 loại thuốc trên không có hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc Corticoid. Lưu ý thuốc này gây ra nhiều tác dụng phụ nên chỉ được chỉ định dùng ngắn ngày và có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
Ngoài ra, người bệnh gút cần kiểm soát axit uric trong máu bằng cách điều chỉ chế độ ăn uống. Nên tránh các thực phẩm giàu đạm như: các loại thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật. Kiêng rượu bia, các loại đồ uống có cồn. Thay vào đó tăng cường rau xanh, trái cây và uống nhiều nước.