Căng với Mỹ, Trung Quốc kết thân Nhật, Hàn

Admin
Trong lúc căng thẳng với Mỹ và Úc gia tăng vì tranh cãi liên quan đến COVID-19, Trung Quốc có những cử chỉ rõ ràng thể hiện ý muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khi quan hệ với Washington được dự báo sẽ tồi tệ hơn ít nhất đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay, Bắc Kinh đang có những cử chỉ thân thiện với Tokyo và Seoul với tầm nhìn hướng về sự hồi phục kinh tế sau khi đại dịch đi qua, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết.
 
Nhiều chuyên gia về đối ngoại đang theo dõi xem Trung Quốc đưa ra chính sách đối ngoại như thế nào tại cuộc họp thường niên của quốc hội vào thứ 6 tới.
 
Căng với Mỹ, Trung Quốc kết thân Nhật, Hàn
Thủ tướng Abe Shinzo đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng 6/2019 ảnh: Reuters

Gần đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh thất bại trong ngăn chặn dịch bệnh lây lan và không chia sẻ đầy đủ thông tin. Ông Trump nói Mỹ có thể “cắt đứt toàn bộ quan hệ” với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, “Trung Quốc sẵn lòng tăng cường hợp tác với Nhật Bản để khôi phục kinh tế, sau khi chịu những hậu quả nặng nề của dịch bệnh”, một nguồn tin ngoại giao tiết lộ. “Với Nhật Bản, Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng. Nhật Bản cũng nghĩ nền kinh tế không thể phục hồi nếu không có sự hợp tác với Trung Quốc”, quan chức ngoại giao của Nhật Bản nói.
 
Tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo tạm cấm người nước ngoài nhập cảnh, áp dụng với cả những người có visa còn hiệu lực hoặc giấy phép cư trú. Nhưng Bắc Kinh đã đánh tiếng với Tokyo rằng sẽ nới lỏng hạn chế để các doanh nhân âm tính với virus có thể đi lại giữa hai nước, các nguồn tin từ chính phủ Nhật cho biết. Trung Quốc cũng đã bắt đầu cho phép các doanh nhân Hàn Quốc đáp ứng được những điều kiện nhất định được nhập cảnh, nhằm bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng sau khi bị gián đoạn nghiêm trọng trong thời gian phong toả.
 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc điện đàm ngày 13/5 rằng Bắc Kinh và Seoul “là những nước nhanh nhất trong việc lập ra cơ chế phản ứng chung và bảo đảm không có ca mắc nào qua biên giới”. “Hai bên cũng mở “làn đường tầm soát nhanh” cho việc đi lại khẩn cấp mà không phải từ bỏ những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động không bị cản trở của các chuỗi công nghiệp, cung ứng và hậu cần ở khu vực”, ông Tập nói với ông Moon.
 
Một nguồn tin nắm rõ tình hình ở Đông Á nhận định: “Hiện tại, ngoại giao của Trung Quốc có thể được định hình dựa trên mức độ các quốc gia có thể giúp họ phục hồi kinh tế. Tôi sẽ chú ý đến điều Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu trước quốc hội”.
 
Tokyo cũng có quan điểm mềm dẻo với Trung Quốc hơn nhiều nước khác. Theo thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada, Đại sứ Nhật Bản tại Canada Yasuhisa Kawamura nói với Đại sứ Trung Quốc Tùng Bồi Vũ hôm 8/5 rằng Tokyo phản đối chính trị hoá đại dịch và sẽ làm việc với Bắc Kinh để ngăn chặn dịch bệnh.
 
Đầu tháng này, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiếp cận và truy đuổi một tàu cá Nhật Bản trong vùng biển gần quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Quan hệ hai nước thỉnh thoảng căng lên vì tranh chấp lãnh thổ, nhưng lần này không leo thang.
 

Nhiều sức ép

 

Trung Quốc đang đối mặt với áp lực từ nhiều nước liên quan đến COVID-19, trong đó có việc Úc kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập để làm rõ nguồn gốc dịch bệnh. Để trả đũa, Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà cung cấp lớn của Úc, dẫn lý do về nhãn mác và giấy chứng nhận.
 
Ngày 28/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra ra thông cáo “kêu gọi Úc đặt sang một bên những thiên kiến về ý thức hệ, dừng trò đổi lỗi chính trị và làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy quan hệ song phương”. Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng sau 18 tháng điều tra, họ sẽ áp thuế chống phá giá đối với lúa mạch Úc.
 
Trung Quốc cũng bất đồng với châu Âu, New Zealand và nhiều nước khác về chuyện để Đài Loan tham gia WHO với tư cách quan sát viên, vì Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một tỉnh của mình.
 
 

THEO BÌNH GIANG (TIỀN PHONG)

https://baosuckhoecongdong.vn/tags/tong-thong-my-4387.tag