Chiều tối ngày 9-8, ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk xác nhận, buổi diễn tập PCCCR diễn ra trên địa bàn huyện từ 7 giờ 30 đến 11 giờ ngày 8-8. Đợt diễn tập PCCCR do Ban chỉ đạo diễn tập PCCCR tỉnh Đắk Lắk chủ trì với sự tham gia của hàng trăm người gồm các đơn vị phòng cháy của chủ rừng cấp xã, thị trấn, kiểm lâm, dân quân tự vệ, công an phòng cháy chữa cháy.

Trước ý kiến cho rằng, một số nơi ở tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề của lũ, tại sao không hoãn, ông Khiêm cho biết, việc diễn tập không phải “thích là làm” mà thực hiện theo kế hoạch phòng chống cháy rừng, tăng cường biện pháp bảo vệ rừng đã ban hành năm 2019. Diễn tập liên quan đến việc sắp xếp kế hoạch và huy động lực lượng của các cơ quan, đơn vị, nếu xáo trộn kế hoạch sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc. Ngoài ra, thời điểm diễn tập, trên địa bàn không bị ảnh hưởng của mưa lũ mà đang bị ảnh hưởng của nắng hạn.
Tính đến chiều tối ngày 8/8, theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, mưa lũ kèm sạt lở đất tại các tỉnh Tây Nguyên đã làm chết tổng cộng 8 người (tỉnh Đắk Nông: 3 người, Kon Tum: 2 người, Gia Lai: 1 người, Đắk Lắk: 1 người, Lâm Đồng: 1 người). Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên Tây Nguyên và Nam Bộ ngày 9-8 tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai mưa rất to, có nơi trên 150 mm/24 giờ.

Tại Đắk Lắk nói riêng, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục công tác cứu hộ ở một số địa bàn ngập lớn như tại huyện Ea Súp, huyện Buôn Đôn, TP Buôn Ma Thuột. Ngoài thiệt hại lớn về tài sản,ông Hoàng Trung Tùng (SN 1959; ngụ thôn Hiệp Kết, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) đã bị nước lũ cuốn tử vong.
Đến hết ngày 8-8, trên địa bàn huyện Ea Súp vẫn còn khoảng 30.000 hộ dân bị cô lập, hơn 6.000 ha cây trồng, hơn 600 nhà bị ngập. Ước tính thiệt hơn 700 tỉ đồng.

Ông Đặng Văn Chiền, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, cho rằng ngoài nguyên nhân mưa lớn thì việc rừng bị tàn phá, quá trình đô thị hóa đã dẫn đến thiệt hại lớn như vậy tại Đắk Lắk. Ông Chiền dẫn chứng suối Ea Tam vốn có vai trò rất lớn trong việc thoát lũ cho TP Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, lòng suối hiện nay đã bị người dân xâm chiếm để xây dựng nhà cửa, đào ao hồ. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, nhà cửa xây dựng san sát ven các con suối nên khi mưa lớn, nước không kịp thoát ra suối gây ngập nhiều nơi.