Dương Văn Hòa (SN 1983, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội), Hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang (SN 1962, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy (SN 1981, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), cán bộ; và Lê Thị Lương (SN 1996, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), cán bộ.

Kiếm bạc tỉ từ mô hình đào tạo “tiến độ nhanh”
Cục An ninh chính trị nội bộ phối hợp với Cục An ninh điều tra đã xác định được 5 trường hợp sử dụng văn bằng 2 của Đại học Đông Đô để nộp vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Khoa học xã hội nhằm hợp thức hóa đầu ra cho ngành nghiên cứu sinh. 3 trong số 5 trường hợp trên đã tự nguyện viết đơn tố cáo sai phạm trường ĐH Đông Đô.
Ngay sau đó, Cục An ninh chính trị đã có buổi làm việc cụ thể với Bộ Giáo dục và đào tạo cùng các đơn vị hữu trách để thu thập thông tin, tài liệu liên quan nhằm phục vụ công tác điều tra. Các dấu hiệu sai phạm của cán bộ lãnh đạo trường ĐH Đông Đỗ đã được phanh phui.
Trường này có rất nhiều bê bối lùm xùm trong giáo dục và đào tạo. Từ việc buông lỏng công tác quản lý đào tạo, cho phép học viên không cần đi học, không thi đầu vào, đầu ra, rồi hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy tại Đại Học Đông Đô…
Cụ thể, năm 2016, trường này đã tuyển sinh số lượng lớn học viên và tổ chức đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh tại 3 cơ sở tại Hà Nội (gồm số 1 Hoàng Đạo Thúy, 60B Nguyễn Huy Tưởng và 171 Phạm Văn Đồng). Đầu 2018, trường liên kết tuyển sinh với khoảng 200 cơ sở đào tạo ngắn hạn trên toàn quốc... không được cấp phép theo quy định của Bộ GDĐT.
Ngoài 8 trường hợp có bằng ngôn ngữ tiếng Anh mà không phải đi học, ông Quang nhận hồ sơ từ bà Phạm Diệu Thúy - nguyên cán bộ Khoa Thú y, Đại học Đông Đô, kinh phí thu mỗi trường hợp là 45 triệu đồng.
Sau khi nhận hồ sơ và kinh phí, ông Quang nộp về Phòng Tài vụ mỗi trường hợp 30 triệu đồng theo quy định của nhà trường, số tiền còn lại (95 triệu đồng) do ông Quang giữ, sử dụng cá nhân. Đến nay, cả 8 trường hợp trên đều đã nhận bằng.
Một mắt xích khác trong đường dây này là bị can Phạm Thùy Vân. Nữ cán bộ này có nhiệm vụ nhận hồ sơ, tổ chức hoàn thiện, hợp thức các bài thi đầu vào, thi kết thúc các môn, thi tốt nghiệp (27 bài) và cấp bằng cho các học viên không cần học (thời gian hoàn thiện trong khoảng 2 ngày).
Khóa học 2016 – 2018 đã nhận khoảng 400 hồ sơ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh đào tạo theo hình thức trên. Trong đó, Vân được chỉ đạo nhận 200 bộ hồ sơ (20 bộ từ Dương Văn Hòa, 20 bộ khác từ các bộ nhà trường). Ngoài ra, Vân còn nhận 3 bộ hồ sơ khác từ người thân với giá 32 triệu/người và nộp về Phòng Tài vụ của trường số tiền 90 triệu đồng...
Để hợp thức hóa sai phạm trên, ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong 1 – 2 ngày (được phát giấy thi kèm đáp án). Sau đó được cấp bằng trong thời gian từ 3 – 6 tháng kể từ lúc nộp hồ sơ và hoàn toàn không phải đi học.
Để nhận được những "ưu đãi" như vậy, mỗi học viên phải chi từ 50 đến 150 triệu đồng. Bước đầu điều tra xác định, hầu hết người sử dụng văn bằng chứng chỉ giả này đều đang có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành, đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ.
Vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
ĐH Đông Đô – trượt dài trong bê bối suốt nhiều năm liền
Đại học Đông Đô được thành lập ngày 3/10/1994 theo quyết định số 534/TTg của Thủ tướng. ĐH Đông Đô được biết đến là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên được thành lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước ta.
Thế nhưng, chỉ sau vài năm đi vào hoạt động, trường này vướng đủ loại scandal. Đầu tiên, năm 2000, hàng loạt lãnh đạo trường này vướng lao lý vì liên quan đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép.
Cụ thể, các bị can đã làm sai lệch hồ sơ đăng ký thi tuyển sinh đại học, tuyển sinh vượt 2,8 lần số lượng cho phép. Hàng trăm thí sinh không đủ điểm chuẩn, không hồ sơ vẫn đăng ký học tại ĐH Đông Đô. Đây được xem là vụ gian lận thi cử hệ chính quy lớn nhất lịch sử giáo dục ĐH Việt Nam.
Kể từ đó, ĐH Đông Đô rơi vào bế tắc trong con đường phát triển giáo dục.

Theo thông tin từ Zing.vn, năm 2012, Bộ GDĐT công bố kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường ĐH, CĐ của 24 trường. Theo đó, có 3 trường ĐH, CĐ bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 gồm: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và Cao đẳng CNTT TP.HCM.
ĐH Đông Đô bị đình chỉ với lý do tỷ lệ sinh viên/giáo viên quá cao: 4.276 SV/77 GV (55%). Bộ GDĐT yêu cầu đến năm 2013, trường này không khắc phục được các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục.
Mặc dù không được Bộ GĐĐT cho phép đào tạo bằng đại học thứ hai hệ chính quy ngành Ngôn ngữ Anh, hiệu trưởng ĐH Đông Đô vẫn chỉ đạo cán bộ dưới quyền tổ chức tuyển sinh, thu tiền và cấp chứng nhận tốt nghiệp cho hàng trăm trường hợp, hưởng lợi số tiền lên tới cả tỷ đồng trong thời gian từ năm 2016 đến nay.
Thời gian đào tạo thông báo kéo dài từ 18 – 24 tháng nhưng thực tế với hình thức đào tạo cấp tốc nó chỉ diễn ra trong 1 – 2 ngày. Học viên cũng không cần học, chỉ làm bài thi, sau đó được cấp bằng. Và cái giá phải trả, một lần nữa, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của trường lại vướng vào vòng lao lý.