Được biết, hồ Lonar nằm cách thành phố Mumbai 500 km về phía đông, được hình thành sau khi một thiên thạch rơi xuống Trái đất vào khoảng 50.000 năm trước đây. Nhưng từ trước đến nay nó vốn là hồ nước rất yên bình, chưa bao giờ khiến người dân bất ngờ. Vì thế việc nước đổi màu khiến người dân rất bất ngờ.

Ngay sau đó, các chuyên gia vào cuộc nghiên cứu. Một chuyên gia trong nhóm nghiên cứu tin rằng, hiện tượng đổi màu có thể là do độ mặn trong hồ nước tăng lên cùng với sự hiện diện của tảo. Điều này đã từng xảy ra ở một phần của hồ Muối Lớn (bang Utah, Mỹ) hoặc hồ Hillier ở Australia.
Ông Gajanan Kharat nhận định: “Lần này màu sắc trông đậm hơn do năm nay độ mặn của nước tăng lên đáng kể. Thêm nữa, lượng nước trong hồ đã giảm do độ mặn đã tăng lên và gây ra một số thay đổi ở bên trong”.
Cũng theo ông Kharat, nhà nghiên cứu cũng đang điều tra xem liệu do độ mặn của nước hay chính tảo đỏ khiến màu nước biến đổi. Các mẫu vật ở hồ đã được gửi đến một số phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Khi nào có kết quả sẽ giải thích được lý do hồ chuyển hồng.

Trước đó tại Nam Cực cũng xảy ra hiện tượng kỳ lạ, tuyết ở đây bỗng dưng chuyển màu xanh lá. Sau đó các nhà nghiên cứu đã vào cuộc điều tra, làm rõ hiện tượng này.
Theo các nhà nghiên cứu, khi nhiệt độ ấm lên, có thể tạo ra môi trường thuận lợi để tảo sinh sôi, vốn cần tuyết ướt để phát triển. Tảo thường phát triển trong tuyết nhưng khó có thể nhận thấy bằng mắt thường nếu xét từng hạt tuyết riêng lẻ. Nhưng khi các sinh vật này cùng phát triển trên một mảng tuyết lớn thì sẽ hình thành màu xanh lá và hiện tượng này được quan sát từ vệ tinh không gian.
Màu xanh của tuyết có thể được tìm thấy dọc theo bờ biển Nam Cực, thường là ở các khu vực "ấm hơn". Nơi nhiệt độ trung bình cao hơn 0 độ C trong những tháng mùa hè ở Nam cực từ tháng 11 đến 2 thì sẽ nhìn thấy hiện tượng này.