1 triệu đơn vị thuốc, thực phẩm chức năng giả và vấn nạn nhức nhối của xã hội

Công an TP HCM vừa triệt phá 4 cơ sở sản xuất và phân phối nhiều mặt hàng thuốc tân dược, thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn. Đây vẫn là thực trạng nhức nhối của xã hội cần các cơ quan, ban ngành vào cuộc.

Ngày 28/7, Đội 7 phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết vừa triệt phá thành công bốn cơ sở sản xuất và phân phối thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả nằm trên địa bàn quận 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh.
 
triet-pha-co-so-san-xuat-hon-1-trieu-don-vi-thuoc-thuc-pham-chuc-nang-gia-luc-luong-chuc-nang-thu-giu-so-thuoc-gia-tai-hien-truong
Cơ quan chức năng thu giữ số lượng thuốc giả lớn tại hiện trường
 
Trước đó, ngày 25/7, các trinh sát bất ngờ ập vào kiểm tra các cơ sở trên và phát hiện nhiều mặt hàng sản phẩm là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng giả như: Viên uống tăng cường nội tiết nữ, sinh lực nam; mát gan, bổ thận và thực phẩm chức năng cho trẻ em được các đối tượng sản xuất giả với số lượng lớn. Các sản phẩm được pha chế, sản xuất bằng hệ thống máy móc hiện đại.
 
Tại xưởng sản xuất nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh, qua khai thác ban đầu, xưởng này chuyên làm giả các loại thuốc tân dược, thực phẩm chức năng của các đơn vị trong nước và quốc tế theo đơn đặt hàng.Trung bình một tháng, xưởng này sản xuất giả và đưa ra ngoài thị trường hơn 1 triệu đơn vị thuốc tân dược, thực phẩm chức năng các loại.
 
Cơ quan chức năng cũng đã thu giữ một lượng lớn các sản phẩm tương tự đang chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ tại các điểm khác ở quận 8, 10 và 11.
 
Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
 
Thực tế cho thấy, hiện nay thị trường dược phẩm của nước ta đang có rất nhiều loại thuốc giả, dược phẩm lậu. Ai cũng biết sử dụng những loại thuốc này sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tuy nhiên, vấn đề khó nhất hiện nay là người dân không phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả.
 
triet-pha-co-so-san-xuat-hon-1-trieu-don-vi-thuoc-thuc-pham-chuc-nang-gia-nganh-quan-ly-thi-truong-thu-giu-nhieu-san-pham-thuoc-gia
Lực lượng quản lý thị trường liên tục phát hiện nhiều loại sản phẩm thuốc là hàng giả - hàng nhái
 
Mới đây nhất chính là vụ làm giả thuốc ung thư tiếp tục bị cơ quan chức năng "phanh phui" sau một thời gian dài hoạt động. Đây được xem là vụ án lớn thứ hai sau sự vụ Công ty VN Pharma nhập thuốc ung thư giả để bán cho người người tiêu dùng.

Theo đó, báo Người lao động thông tin, vào ngày 8/4, công an quận Kiến An, TP Hải Phòng đã phối hợp các ngành chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm do bà Đào Thị Chúc (trú phường Ngọc Sơn, quận Kiến An) và phát hiện các công nhân tại đây đang đổ bột than tre tán mịn vào các ruột vỏ thuốc con nhộng, đóng gói để phân phối và bán cho bệnh nhân bị ung thư.
 

Nguy hại tới sức khỏe người sử dụng


Theo PGS Phạm Duy Hiển, Nguyên Chủ tịch hội đồng khoa học Bệnh viện K Trung ương, thuốc giả luôn tồn tại song hành với cuộc chiến chống bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư. Và ông nhấn mạnh rằng: “Đã là thuốc giả thì thuốc gì cũng cần lên án chứ không riêng gì thuốc ung thư, cả thuốc tim mạch, kháng sinh cũng vậy”.
 
Đánh giá về mức độ nguy hại của người bệnh khi sử dụng thuốc giả, trên báo Hải quan, bác sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội) cho biết: Sử dụng phải thuốc giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống người bệnh.

“Khi uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người bệnh hay gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc, có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15- 30 phút hoặc một vài ngày. Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ như buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong giới hạn từ 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên tới 1/10”, bác sĩ Đoàn nói.
 
triet-pha-co-so-san-xuat-hon-1-trieu-don-vi-thuoc-thuc-pham-chuc-nang-gia-ban-thuoc-gia-la-toi-ac-kho-dung-thu
 

Tỷ lệ thấp nhưng năm nào cũng phát hiện


Trên thực tế, mặc dù thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm ở nước ta, nhưng ảnh hưởng của nó tới sức khỏe, tính mạng người bệnh thì lại vô cùng nguy hại. Cục Quản lý dược cho biết, do triển khai tập trung các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc nên tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở Việt Nam đã giảm rõ rệt. Tỷ lệ thuốc giả hiện còn dưới 0,1% và thuốc kém chất lượng khoảng 2%.
 
Cụ thể, hàng năm, hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước lấy từ 30.000 - 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng thuốc. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý bằng hình thức thu hồi, đình chỉ lưu hành không ít các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
 
Năm 2014, Cục Quản lý dược đã xử lý, thu hồi 41 lô thuốc không đạt chất lượng và 7 trường hợp thuốc giả. Đến năm 2015 Cục cũng đã ra quyết định xử phạt 9 doanh nghiệp dược có thuốc kém chất lượng bằng hình thức không cấp giấy phép đăng ký thuốc mới trong vòng một năm.
 
Trong 2 năm trở lại đây, Cục Quản lý dược đã có văn bản thu hồi hơn 30 lô thuốc không bảo đảm chất lượng, cũng như phát hiện ra một số loại thuốc giả như: Thuốc Prednisolon 5mg lọ 500 viên nén viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gút cấp, viêm khớp vảy nến, viêm loét đại tràng và viêm da. Tiêu biểu nhất có lẽ vụ thuốc giả chống ung thư của VN Pharma vào tháng 8 năm 2017 và vụ làm giả thuốc chống ung thư bằng bột than tre mới đây.
 
Điều đáng lo ngại là số liệu trên vẫn chưa phản ánh hết tình trạng thuốc kém chất lượng trên thị trường Việt Nam hiện nay. Nhiều chuyên gia dược phẩm cho biết, kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu ngày càng trở nên phổ biến và được làm giả tinh vi, rất khó phát hiện được bằng mắt thường. Thậm chí, có những loại thuốc thật nhưng khi gần hết hạn sử dụng thì được xóa bỏ hạn cũ và đóng bao bì với hạn dùng mới, khiến cơ quan chức năng và người bệnh rất khó phát hiện.
 
Để ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hiện nay, Cục Quản lý dược và các cơ quan chức năng thường xuyên thực hiện việc kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, cũng như đẩy mạnh việc lấy mẫu và hậu kiểm thuốc sau khi đăng ký lưu hành.
 
Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, để tránh việc bị “tiền mất, tật mang”, người tiêu dùng không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nên đến các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng. Khi mua thuốc cần quan sát kỹ bao bì, hạn sử dụng. Khi sử dụng thuốc, nếu có sự nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả nên dừng ngay và nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.
 

CÁCH PHÂN BIỆT THUỐC THẬT, THUỐC GIẢ

 
Cách 1: Xác minh qua tin nhắn: Bạn soạn tin Mã xác minh gửi đến số 8069, tổng đài sẽ trả về 1 tin nhắn thông báo sản phẩm là hàng chính hãng hay không.
 
Cách 2: Xác minh trực tuyến: Truy cập vào website https://h.k16w.com/pfzviet/. Nhập mã xác minh và nhấn phím “validate”, hệ thống sẽ kiểm tra và thông báo kết quả ngay sau đó.

[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/07/28/Bán thuốc giả là một tội ác khó dung thứ_28072019133421.mp4[/presscloud]
Bán thuốc giả là tội ác không thể dung thứ
 
Xem thêm: Thói quen mua thuốc qua mạng tàn phá sức khoẻ
 
Thế Hưng (t/h)

Link nội dung: https://tuoitrexahoi.vn/1-trieu-don-vi-thuoc-thuc-pham-chuc-nang-gia-va-van-nan-nhuc-nhoi-cua-xa-hoi-a129834.html