Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật là [Kỳ 18]: Phất lên nhờ loài vật 'lưỡng tính', con đực mang thai

Kỹ thuật nuôi cá ngựa không quá khó, ít rủi ro, đầu tư cơ sở vật chất cũng không tốn kém, giá bán ổn định nên lợi nhuận khá cao.

Đặc điểm sinh học đặc biệt


Cá ngựa (tên khoa học Hippocampus histrix) còn có tên gọi là hải mã, thủy mã. Chúng có hình dáng cong queo, phần đầu giống như đầu ngựa, thân dẹp, phần bụng phình ra và có nhiều mấu lồi, gai nhọn trên các vòng xương. Đuôi cá ngựa dài, nhỏ và cuộn khúc 4 vòng.
 
Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật là [Kỳ 18] Phất lên nhờ loài vật 'lưỡng tính', con đực mang thai
Cá ngựa có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và thường được "săn lùng" trên thị trường

Trong tự nhiên, cá ngựa có tập tính sống đáy hay gần đáy, chỉ trong trường hợp thiếu thức ăn cá mới di chuyển lên tầng mặt. Cá ngựa trưởng thành hay sống đơn độc và ít di chuyển, chúng thường lôi cuốn cành cây để giữ cho thân thẳng đứng. Đây cũng là loài cá duy nhất mà con đực đóng vai trò làm bố đồng thời làm mẹ. Nếu như cá ngựa cái không có gai, da sáng và nhẵn thì cá ngựa đực có nhiều gai ở đầu và thân. Bụng cá đực có túi sinh dục/túi ấp trứng do hai nếp da hình thành. Miệng túi ở gần hậu môn. Khi sinh sản, trứng từ cá mẹ sẽ chuyển sang cá bố, sau đó cá bố ấp trứng trong túi trước bụng.

Cá ngựa tuy không có giá trị về thực phẩm nhưng lại có giá trị dược liệu cao. Chúng thường được dùng làm thuốc trong y học cổ truyền, có tác dụng kích thích sinh dục phái nam, hỗ trợ chữa bệnh vô sinh hoặc thai khó ở phụ nữ, bệnh hen suyễn, cao huyết áp, ung nhọt, hói đầu… Bên cạnh đó với vẻ đẹp độc đáo cùng với đặc tính chung, cá ngựa được nhiều người yêu thích và nuôi trong nhà để làm cảnh.
 

Phất lên nhờ nuôi cá ngựa


Cá ngựa là vật nuôi tốn ít chi phí, lãi cao và có thị trường tiêu thụ mạnh. Tại một số tỉnh, thành như Đà Nẵng, Phú Yên, Vũng Tàu, Khánh Hòa… nghề nuôi cá ngựa đã bắt đầu phát triển mạnh.
 
Trong đó hộ của anh Lê Văn Hoàng (ở phường Cam Phúc Bắc, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) là một hộ tiêu biểu trong việc nuôi cá ngựa bằng quy trình tự nhiên. Theo báo Dân Việt, gia đình anh Hoàng bắt đầu nuôi cá ngựa từ năm 2013, đem lại nguồn lãi không nhỏ.

Mô hình của anh Hoàng là nuôi cá ngựa ngoài tự nhiên. Nguồn cá giống được anh thu mua lại của một số hộ dân đánh bắt ngoài biển. Những con cá ngựa kích thước từ 7-10 cm được anh Tuấn thả nuôi trên biển, cho ăn thức ăn hoàn toàn sẵn có ngoài tự nhiên (trên biển). Sau 2,5-3 tháng, cá ngựa sẽ đạt trọng lượng, kích thước khoảng 12-13 cm.

Giá cá ngựa có dao động trên thị trương nhưng nhìn chung ở mức cao hơn nhiều so với các con vật khác. Giá bán bình quân 1 kg cá ngựa tươi (tương đương 70 con) là 6 triệu đồng, 1 kg cá ngựa khô (tương đương 270-300 con) khoảng 21 triệu đồng. Trung bình mỗi năm hộ anh Tuấn nuôi 1 đợt với số lượng 3.000 con, sau khi nuôi tỷ lệ sống đạt trên 90%. Anh Hoàng xuất bán bình quân lãi trên 70 triệu đồng/năm.
 
Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật là [Kỳ 18] Phất lên nhờ loài vật 'lưỡng tính', con đực mang thai
 Anh Hoàng nuôi thành công cá ngựa trên biển.
 

Kỹ thuật nuôi cá ngựa


Nuôi cá ngựa cảnh để ngắm chơi không phải khó nhưng nếu muốn nuôi sinh sản hay thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao thì người nuôi cần chịu khó học hỏi, nuôi theo đúng bài bản:

Về bể nuôi cá, tốt nhất nên xây bể xi măng để nuôi. Trước khi bắt đầu thả cá, cần chùi rửa bể sạch sẽ, sau đó phơi khô rồi bơm nước đã qua xử lý và cho sục khí. Lưu ý, nên làm đáy bể màu xanh, khi ấy cá ngựa sẽ có màu vàng rất đẹp.

Về nước nuôi cá ngựa, nước đạt tiêu chuẩn là có độ pH từ 7,5-8,5; lượng oxi hòa tan trong khoảng từ 4-5 ml/l. Mật độ nuôi cá ngựa lý tưởng là 2-3 con/10 lít nước. 5 ngày nên thay nước nuôi một lần để cá được khỏe mạnh.

Thức ăn chính là tôm, tép… và động vật nổi, cá ngựa không ăn những con đã chết. Đặc điểm của loài cá này là ăn rất mạnh, rất khỏe ngay từ khi vừa sinh ra. Cần cho cá ăn 3 lần/ngày, nếu đảm bảo được nguồn thức ăn thì coi như đã thành công hơn một nửa.

Cá ngựa thường mắc các bệnh như nấm, đầy hơi trướng bụng, bệnh phồng bong bóng, viêm ruột, mù mắt do thiếu ánh sáng… Để phòng trừ các bệnh này cần cho cá ngựa dùng thưốc kháng sinh theo chỉ dẫn. Nếu cá ngựa khỏe mạnh không bệnh tật thì nuôi chỉ 3 tháng là có thể xuất bán cá cảnh, nuôi từ 6-8 tháng có thể xuất bán cá ngâm thuốc và cho sinh sản. Cá ngựa cũng là 1 loài rất "mắn đẻ", chỉ sau 20 ngày đến 1 tháng là cá ngựa có thể sinh sản lại và tiếp tục cho ra những lứa cá mới.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/18/Muon-cach-lam-giau-tu-nuoi-con-vat-la-Ky-18]-Phat-len-nho-loai-vat-luong-tinh-con-duc-mang-thai5_18112019141833.mp4[/presscloud]
Quá trình sinh sản của cá ngựa
 
Ngoài mô hình nuôi cá trong bể xi măng, nuôi cá trong môi trường tự nhiên như hộ của anh Hoàng cũng cho hiệu quả rất tốt. Mô hình này vừa giúp cá phát triển nhanh vừa giúp bảo vệ môi trường sinh thái của vùng biển.

Anh Hoàng cho biết, cá ngựa được nuôi tự nhiên ở độ sâu 2-2,5 m và được bảo vệ trong lưới nuôi. Trong lưới nên tạo một lớp rong để cá trú ẩn. Không giống các đối tượng thủy sản khác, nuôi cá ngựa nhất định phải thả đúng lúc cá mới phát triển nhanh. Thời tiết nắng nóng thì tuyệt đối không nên thả nuôi. Người nuôi cũng cần nắm rõ đặc tính của cá ngựa và thường xuyên kiểm tra diễn biến của thời tiết để kịp thời xử lý.

Nhiều năm nay Viện Hải dương học (số 1 Cầu Đá, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã cho sinh sản thành công 4 loài cá ngựa: Cá ngựa đen, cá ngựa vằn (còn gọi là cá ngựa đuôi hổ), cá ngựa gai và cá ngựa thân trắng. Viện Hải dương học luôn sẵn sàng phổ biến công nghệ nuôi cá ngựa cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu, theo Thanh Niên.
 
Cá ngựa có vị ngọt, tính ấm, được biết đến là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, chứa nhiều chất dinh dưỡng và hợp chất như Prostaglandin, Peptide và các protein.

Trong đó hợp chất prostaglandin có tác dụng kích thích hormon sinh dục ở nam và nữ giới hiệu quả, giúp nâng cao đời sống tình dục, kéo dài thời gian quan hệ. Chất này còn giúp điều trị chứng yếu sinh lý, xuất tinh sớm ở nam giới rất tốt. Do đó, cá ngựa được cánh đàn ông săn lùng rất nhiều bởi nó được coi là "thần dược phòng the". Cá ngựa thường được dùng trong những trường hợp: Suy giảm chức năng tình dục, đau nhức khi quan hệ, rối loạn cương dương... Ngâm rượu với một số thành phần khác như long nhãn, cốt toái bổ và bàn long sâm chúng sẽ phát huy công dụng rất tốt.

Hợp chất Peptide có tác dụng kháng khuẩn, bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhiễm của các tế bào ngoại lai. Còn các protein trong cá ngựa có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa trong cơ thể, giúp kéo dài tuổi thọ, giải độc, tái tạo các tế bào hồng cầu và chống khối u. Vì vậy các sản phẩm sữa tắm cá ngựa cũng được chị em rất ưa chuộng. Sữa tắm cá ngựa sẽ giúp tái tạo làn da, mang lại cho bạn làn da trắng hồng, mịn màng. Ngoài ra nó còn có tác dụng làm mềm những vùng da khô ráp nhờ chức năng dưỡng ẩm và cải thiện vùng sẹo lõm trên da.

Xem thêm: Giá nước sông Đuống: Tại sao dân phải gánh phần lãi của doanh nghiệp?
 
Kiều Đỗ (t/h) 

Link nội dung: https://tuoitrexahoi.vn/mo-hinh-lam-giau-tu-nong-nghiep-phat-len-nho-nuoi-ca-ngua-a142112.html