Cho trẻ đeo mũ che giọt bắn khi ngồi học có thể phản tác dụng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng việc cho trẻ đeo mũ che giọt bắn khi ngồi học là không cần thiết, thậm chí là không nên vì có thể phản tác dụng, làm giảm thị lực và gây ra các sự cố ngoài ý muốn.

Từ ngày 4/5, hầu hết học sinh cả nước bắt đầu trở lại trường sau kỳ nghỉ dài từ trước Tết Nguyên đán 2020. Trong những ngày đầu trở lại lớp học, các phụ huynh, học sinh và nhà trường đều thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn, phòng chống dịch COVID-19 như vệ sinh trường lớp, khử khuẩn, đo thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp, giữ khoảng cách... Bên cạnh chiếc khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn, chiếc mũ che chắn giọt bắn cũng trở thành một vật trang bị "thiết yếu" của học sinh khi đến trường.
 
Trên mạng xã hội xuất hiên nhiều hình ảnh học sinh đến trường mang theo mũ che giọt bắn. Nhiều nhà trường, phụ huynh và các mạnh thường quân đã "góp sức" để trang bị cho học sinh những chiếc mũ này với mong muốn có thế giúp các con bảo vệ tối đa khỏi nguy cơ lây nhiễm virus. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM việc học sinh mang nón che giọt bắn liên tục khi đến trường là không cần thiết.
 
Cho trẻ đeo mũ che giọt bắn khi ngồi học có thể phản tác dụng
 
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh mũ che giọt bắn chỉ phát huy hiệu quả và thật sự cần thiết trong các trường hợp mặt đối mặt và giao tiếp trực tiếp. Trong lớp học, học sinh ngồi theo cùng một hướng cố định nên nón che giọt bắn không có tác dụng nhiều.
 
"Nón này chỉ dành cho những người chăm sóc trực tiếp bệnh nhân, đối diện với người bệnh, khi họ ho thì có kiếng chắn ngăn giọt bắn bất ngờ. Trong khi học sinh ngồi học cùng hướng, không ảnh hưởng", báo Tuổi Trẻ dẫn lời bác sĩ Khanh.
 
Theo Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, việc cho học sinh đeo nón tấm chắn giọt bắn là không cần thiết, thậm chí là không nên.
 
Việc mang nón che giọt bắn trong thời gian dài và liên tục sẽ gây khó chịu cho học sinh. Thời tiết lại rất nắng nóng, kết hợp với việc sử dụng không quen nên học sinh sẽ đổ mồ hôi. Do cảm thấy khó chịu nên trẻ dễ dùng tay để chạm vào mặt, mắt, mũi thường xuyên; đặc biệt là đối với các em có đeo kính cận. Trong khi đó, đây là hành động cần tránh để phòng ngừa lây nhiễm virus.
 
Ngoài ra, có thể dễ dàng nhận thấy là những tấm chắn có khoảng cách rất sát mặt, khiến tầm nhìn bị ảnh hưởng. Khi đeo tấm chắc, học sinh có thể nhìn không rõ, mỏi mắt, lâu dài có khả năng ảnh hưởng thị lực.
 
Do đó nón tấm chắn này chỉ phù hợp cho học sinh lúc ra chơi, trong trường hợp các em vui đùa nhiều, khi một em nào đó ho, hắt xì và những em đối diện tránh không kịp. Tuy nhiên, đeo mũ chắn giọt bắn trong giờ ra chơi cũng không loại trừ khả năng dẫn đến các tình huống ngoài ý muốn.
 
"Đó là chưa kể các em nghịch nhau có thể khiến tấm chắn bể gãy, sẽ dẫn đến nhiều câu chuyện ngoài ý muốn khác", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/05/05/Cho-tre-deo-mu-che-giot-ban-khi-ngoi-hoc-co-the-phan-tac-dung_05052020114625.mp4[/presscloud]
Hướng dẫn làm tấm chắn ngăn giọt bắn phòng bệnh COVID-19
 
Chia sẻ trên báo Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng việc mang khẩu trang và rửa tay đúng cách, rèn thói quen không đưa tay lên mắt, mũi, miệng mới là cách phòng ngừa COVID-19 quan trọng và tốt nhất.
 
Trước thực tế nhiều trẻ thường phàn nàn về việc cảm thấy khó chịu khi phải đeo khẩu trang trong lớp, không ít trường hợp các em lén tháo khẩu trang xuống khi không có giáo viên, bác sĩ Khanh cho rằng không có cách nào khác ngoài việc tập cho trẻ quen dần.
 
Chuyên gia phân tích người không quen đeo khẩu trang thì trong khoảng 30 phút sẽ có cảm thấy khó thở. Tuy nhiên, nếu hít sâu, thở chậm để điều hoà nhịp thở thì vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục. Phụ huynh và giáo viên nên dạy cho trẻ biết tầm quan trọng của khẩu trang, hướng dẫn trẻ hít sâu, thở từ từ và không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
 
Nhiều phụ huynh thẳng thắn cho rằng việc cho học sinh đeo mũ chắn giọt bắn là "dở"
 
Anh Thành Nam (quận 10, TP.HCM): "Tôi không hiểu sao phụ huynh và nhà trường lại có thể để các cháu nhỏ phải khổ sở đến vậy khi tới trường. Người lớn lẽ ra nên thử tự đeo khẩu trang, tấm chắn rồi ngồi yên một chỗ với thời gian của một buổi học xem có chịu nổi không rồi hãy áp dụng cho trẻ nhỏ. Cá nhân tôi thì chắc chắn là không thể. Đến trường mà khổ thế thà ở nhà học online, còn được hít thở thoải mái, được đi ra đi vào vận động".
 
Chị Minh Thu (quận Ba Đình, Hà Nội): "Hãy nghĩ mà xem, khi chúng ta kiếm một cái kính không số dùng để chắn bụi cho mắt thôi cũng đã phải tìm mắt kính tốt, nếu không mắt sẽ mỏi rất nhanh và khó chịu. Còn đây chỉ là những tấm nhựa rẻ tiền, lại còn bị bẻ cong theo khuôn đầu, thì chắc chỉ một vài ngày mắt các cháu sẽ có vấn đề hết. Đó là còn chưa tính đến việc đeo cái này lên mặt cúi xuống không dễ, quay trái quay phải cũng vướng, chắc các cháu chỉ có thể nhìn thẳng về phía. Người lớn sao lại nghĩ ra việc hại mắt hại sức khỏe của trẻ đến vậy"...

Mũ chắn giọt bắn chưa được Bộ Y tế khuyến cáo
 
ThS.BS Nguyễn Hoàng Yến – Phó Giám đốc Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ nhận định: "Bản chất của mũ chắn giọt bắn là những miếng mica trong suốt cắt tạo dáng hoặc gắn vào mũ vải. Sau đó dùng thêm một miếng xốp và mút đệm để làm vòng đeo lên đầu, giúp tấm kính không áp sát quá vào mặt, nâng đỡ mũi, hạn chế hơi ẩm do hơi thở (giúp hạn chế làm mờ kính).
 
Thực chất, trong y tế các bác sĩ cũng có sử dụng các sản phẩm mũ với màng chắn nhựa ở phía trước để ngăn dịch tiết từ bệnh nhân bắn lên trong các cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là những chiếc mũ được sản xuất với tiêu chuẩn riêng của ngành y, còn những chiếc mũ được bán tràn lan trên thị trường thì không rõ về tiêu chuẩn sản xuất cũng như nguồn gốc".

Xem thêm: Vụ con trai đánh mẹ ở Yên Bái: Cần xử lý cả người đánh lẫn người quay
 
Kiều Đỗ (t/h)
 
 

Link nội dung: https://tuoitrexahoi.vn/cho-tre-deo-mu-che-giot-ban-khi-ngoi-hoc-co-the-phan-tac-dung-a165431.html