Nhìn lại những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của cố nhạc sĩ Phú Quang

Cố nhạc sĩ Phú Quang ra đi để lại nỗi mất mát lớn cho nền nghệ thuật nước nhà và một gia tài lên đến 600 bài hát cho hậu thế và công chúng yêu âm nhạc.

Sáng nay ngày 8/12, showbiz Việt đau xót, bàng hoàng khi nhận thông tin cố nhạc sĩ Phú Quang đã từ trần tại bệnh viện sau 2 năm chống chọi với bạo bệnh và hưởng thọ 72 tuổi. Nhạc sĩ tài hoa ra đi, để lại một gia tài nghệ thuật đồ sộ với hơn 600 ca khúc.  m nhạc của nhạc sĩ Phú Quang gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt trong và ngoài nước suốt nhiều thập kỷ qua.

cố nhạc sĩ phú quang
Cố nhạc sĩ Phú Quang qua đời sáng nay ngày 8/12 hưởng thọ 72 tuổi

Cố nhạc sĩ Phú Quang tên thật là Nguyễn Phú Quang, sinh năm 1949 tại Cẩm Khê, Phú Thọ. Ông quê gốc ở xã Trạng Bùng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Năm lên 5 tuổi, ông theo gia đình về Hà Nội, 37 tuổi vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và năm 2008 thì trở lại Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn cor vào năm 18 tuổi, từ năm 1967-1978, cố nhạc sĩ Phú Quang công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch. Năm 1978 ông học tại Nhạc viện Hà Nội ngành Chỉ huy dàn nhạc. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. 

Sinh thời, nhiều bài thơ nổi tiếng đã được ông phổ nhạc trở thành ca khúc bất hủ như Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Ngoài ra, ông có series Chuyện bình thường, lấy cảm hứng từ một người yêu cũ được nhiều khán giả vô cùng ấn tượng. 

cố nhạc sĩ Phú Quang
Trước khi qua đời, cố nhạc sĩ Phú Quang từng có thời gian dài chống chọi với bệnh tật

Năm 1985, đánh dấu bước ngoặt cuộc đời của nhạc sĩ khi ông quyết định vào Nam lập nghiệp. Cũng trong giai đoạn này, ông đã tự viết ca khúc, nhạc phim, nhạc cho sân khấu, làm chương trình, lập phòng thu riêng- tại gia và bên ngoài, tên là Tigon Studio. 

Năm 1986, ca khúc Em ơi Hà Nội phố ra đời, đánh dấu tên tuổi của cố nhạc sĩ Phú Quang trong lòng công chúng. Bài thơ Em ơi Hà Nội phố được nhà thơ Phan Vũ viết vào năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm trong mưa bom B52 xối xả. Hồi đó, ông thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái nên hay đi theo. Bùi Xuân Phái vẽ phố, còn ông nghĩ về phố. Cảm xúc, bối cảnh trong thơ đều được ông lọc từ những gì đẹp nhất của người con gái Hà Nội, góc phố rêu phong, mùa đông Hà Nội.

em ơi hà nội phố
Tác phẩm Em ơi Hà Nội phố gắn liền với tên tuổi của ông

Được biết, đây vốn là tác phẩm bắt nguồn từ bài thơ mà nhà thơ Phan Vũ đọc tặng cho ông. Khi ấy, ông đã vô cùng xúc động và nói rằng: “Anh viết cho anh mà nghe anh đọc, em cứ nghĩ anh viết cho em. Anh yên tâm, từ bài thơ này của anh, em sẽ có bài hát rất hay. Em tin nó sẽ nổi tiếng". Chỉ hai ngày sau, bài hát Em ơi, Hà Nội phố ra đời. 

Với Khúc mùa thu (năm 1990), cố nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ đây là một kỷ niệm đẹp của ông với ca sĩ Lê Dung và nhà thơ Hồng Thanh Quang. Nữ ca sĩ gạo cội và nhà thơ khi đó giữ một thiên tình sử đẹp và gợi sự tò mò cho mãi đến tận bây giờ. Được chứng kiến mối tình lãng mạn giữa hai người và vô tình đọc được bài thơ đăng báo của Hồng Thanh Quang, cố nhạc sĩ Phú Quang đã phổ nhạc thành tác phẩm cùng tên.

Được biết, Lê Dung chính là một trong những ca sĩ hát đầu tiên ca khúc này và để lại ấn tượng sâu sắc khó ai vượt qua. “Sau khi nghe Khúc mùa thu qua tiếng hát Lê Dung, Hồng Thanh Quang đã gửi lời cảm ơn” cố nhạc sĩ Phú Quang từng xúc động chia sẻ.

Bên cạnh những tác phẩm đáng nhớ, một số những bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Phú Quang còn có: Nỗi nhớ mùa đông, Trong miền ký ức, Mùa hạ còn đâu, Dạ khúc, Biển nỗi nhớ và em, Khúc mùa thu, Đâu phải bởi mùa thu, Biển của thời đã mất, Nỗi nhớ, Im lặng đêm Hà Nội, Chiều hoang, Tình khúc 24…

Tác phẩm khí nhạc tiêu biểu có: Niềm tin, Khát vọng, Chuyện kể về tình yêu, Câu chuyện truyền thuyết,… Bên cạnh đó, ông còn có các tác phẩm âm nhạc dành cho phim nghệ thuật như: Tình khúc 68, Bao giờ cho đến tháng Mười, Vị đắng tình yêu, Ai xuôi vạn lý, Hải Nguyệt, Có một tình yêu như thế, Băng qua bóng tối, Huyền thoại về người mẹ…

gia đình cố nghệ sĩ Phú Quang
Cố nhạc sĩ Phú Quang và người vợ thứ 3

Về chuyện tình duyên, cố nhạc sĩ Phú Quang có 3 đời vợ và 3 người con: giảng viên piano Trinh Hương, Giáng Hương và cậu con trai Phú Vương sinh năm 1990, tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa ở Singapore. Trong đó, con gái đầu của nhạc sĩ Phú Quang - nghệ sĩ piano Trinh Hương đã kết hôn cùng nghệ sĩ violin nổi tiếng Bùi Công Duy. 

Với cố nghệ sĩ Phú Quang, những người phụ nữ đi qua cuộc đời đều được ông trân trọng, dành những mỹ từ. Người vợ thứ 3, cũng là người đang chung sống cùng Phú Quang và chăm sóc ông những ngày ông chiến đấu với bệnh tật được vị cố nhạc sĩ khen ngợi hết lời.

Hiện tại, sự ra đi của cố nhạc sĩ Phú Quang vẫn đang khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót và là nỗi mất mát lớn của nền nghệ thuật nước nhà. 

Link nội dung: https://tuoitrexahoi.vn/nhin-lai-nhung-dau-moc-dang-nho-trong-cuoc-doi-va-su-nghiep-sang-tac-cua-co-nhac-si-phu-quang--a193262.html