Người đàn ông mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Một tuần trước khi vào viện, người bệnh xuất hiện sốt, đau mỏi người, tự uống thuốc ở nhà nhưng không đỡ.

Vết mò đốt ở vùng bẹn chân bên trái. Ảnh: BSCC.

TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết đơn vị này đang điều trị cho một bệnh nhân suy đa tạng do sốt mò (Rickettsia), nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhân là nam giới, 29 tuổi, làm việc trong trang trại chăn nuôi ở huyện Đà Bắc, Hòa Bình. Một tuần trước khi vào viện, người bệnh xuất hiện sốt, đau mỏi người, tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ.

Ngày 10/4, người đàn ông này vẫn sốt cao liên tục, khó thở, mệt mỏi nhiều, được người nhà đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, rét run, thể trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, thở gắng sức, người mệt lả, tiếp xúc chậm, huyết áp tụt. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện 2 vết thương rất đặc trưng do mò đốt ở bẹn bên trái và mặt ngoài đùi bên phải.

Theo bác sĩ Tình, bệnh nhân sốt mò có 2 vết mò đốt là rất hiếm gặp. Các xét nghiệm cận lâm sàng thể hiện bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng, tổn thương thận, gan cấp, rối loạn đông máu và viêm phổi. Các bác sĩ khoa Truyền nhiễm và khoa Hồi sức tích cực đã hội chẩn, thống nhất chẩn đoán suy đa tạng do sốt mò.

Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, sử dụng biện pháp hỗ trợ các tạng suy. Sau 3 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, hiện bệnh nhân hết sốt, đỡ khó thở, các tạng suy có dấu hiệu hồi phục.

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đặc hiệu. Bệnh có biểu hiện đa dạng, rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác.

Nếu chẩn đoán nhầm và điều trị không đúng kháng sinh đặc hiệu, bệnh thường dẫn đến suy đa tạng phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương và nguy cơ tử vong rất cao.

Thuốc hiệu quả nhất trong điều trị sốt mò là 2 nhóm kháng sinh cổ điển: Tetracyclin và Clorocid. Tuy nhiên, 2 nhóm kháng sinh này hiện nay ít được quan tâm.

Vi khuẩn gây bệnh có tên khoa học là Orientalis, thuộc họ Rickettsia. Ấu trùng mò mang vi khuẩn Orientalis sẽ truyền bệnh sang người qua vết đốt. Như vậy, ấu trùng mò chính là trung gian truyền bệnh.

"Sốt, đau đầu, đau mỏi khắp người, vết loét ngoài da do mò đốt, phát ban, sưng các hạch, tổn thương đa cơ quan (đặc biệt là phổi, tim, gan…) là dấu hiệu chủ yếu của bệnh. Bệnh có thể gặp rải rác trong năm nhưng hay gặp chủ yếu về mùa mưa và nắng nóng", bác sĩ Tình nói.

Để phòng ngừa mò đốt, khi đi vào nương rẫy, đồi núi, mọi người cần mặc quần áo kín, có tẩm hóa chất chống côn trùng, bôi chất xua côn trùng lên các vùng da hở, tránh ngồi, nằm, phơi quần áo trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây.

Link nội dung: https://tuoitrexahoi.vn/nguoi-dan-ong-mac-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem-a205274.html