Sinh sống và làm việc tại Malaysia, trong năm 2022, Bảo Trâm (29 tuổi) về Việt Nam 3 lần để sửa mắt bị lỗi sau tiểu phẫu cắt mí. Mỗi lần về nước, không chỉ phải lo tiền khám, phẫu thuật, cô còn tốn kém bởi chi phí đi lại, ăn ở.
"Đó là giai đoạn ám ảnh nhất cuộc đời tôi. Không những tốn thời gian, tiền bạc, sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến công việc", cô tâm sự với Zing.
Tuy vậy, cô cũng thừa nhận chi phí phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam rất phải chăng, còn ở các nước khác "đắt kinh khủng, chất lượng thì tương đương".
Theo báo cáo năm 2021 của Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Quốc tế, cắt mí là thủ thuật phổ biến thứ 3 trên toàn thế giới sau hút mỡ và nâng ngực. Nhiều người chọn cải thiện bộ phận này vì vấn đề sức khỏe hoặc để khắc phục các dấu hiệu lão hóa và xóa đi vẻ mệt mỏi.
Trong khi đó, số liệu thống kê từ Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam công bố vào năm 2022 cho thấy vào mỗi năm, Việt Nam có tới 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, khoảng 25.000-35.000 ca gặp biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%.
Ngoài ra, có đến 479 phòng khám da liễu (chiếm 56%) trên toàn quốc đã thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dù không được phép.
Chi tiền "làm lại" đôi mắt
Như nhiều người khác, Bảo Trâm mong muốn mình đẹp toàn diện. Cô cho rằng đôi mắt một mí là khuyết điểm, muốn sửa đổi để khuôn mặt nhìn “tây" hơn.
Tháng 5/2022, cô đặt lịch làm mí với một bác sĩ nổi tiếng, nhưng không thành công. Các "bác sĩ VIP" như vậy rất khó đặt lịch, họ chỉ nhận một lượng khách nhất định, thậm chí sẽ phải đợi tới nửa năm.
"Lúc đó, quá nôn nóng, tôi liền tìm đến một trung tâm thẩm mỹ khác", cô kể lại.
Bảo Trâm chi 12 triệu đồng cho lần phẫu thuật đầu tiên. Bác sĩ, người được giới thiệu có 28 năm kinh nghiệm, sử dụng phần mỡ bụng của cô để cấy lên phần mắt. Đường cắt mí quá to, nhìn vô hồn, không tự nhiên khiến Trâm thất vọng.
Lựa chọn bệnh viện thẩm mỹ tên tuổi tại Nhật Bản, Thu Hà vẫn không hài lòng với ca tiểu phẫu mí mắt. |
Tương tự, Thu Hà (26 tuổi, sống tại Tokyo, Nhật Bản) cũng mong muốn được cắt mí để có diện mạo tự tin hơn trước ngày cưới.
"Đôi mắt một mí của tôi cũng khá duyên dáng, nhưng trông thiếu sức sống nên tôi quyết định phẫu thuật", cô lý giải.
Để tránh sự cố ngoài mong muốn, Hà chọn làm đẹp tại một bệnh viện thẩm mỹ tên tuổi tại Nhật Bản. Loạt gói dịch vụ với đa dạng liệu trình, giá tiền mà bác sĩ tư vấn khiến cô "hoa mắt, chóng mặt".
"Ban đầu, bác sĩ gợi ý tôi mua gói cao cấp nhất trị giá 92 triệu đồng. Nhưng kinh phí có hạn, tôi chỉ lựa chọn gói phẫu thuật có giá một nửa", cô cho biết.
Kết quả, đôi mí mắt mới không như cô mong đợi. Nhiều ngày sau đó, mắt cô trở nên thiếu cân đối, mắt trái bị thừa da, mắt phải lại cắt sâu và lệch về hẳn một bên.
Từ khi sửa mắt cho đến nay, Hà không dám chụp một tấm ảnh nào mới. Mỗi lần ra đường, cô đều che chắn, đeo kính râm vì sợ mọi người trêu chọc.
"Cắt mí mắt như một canh bạc", Hà thừa nhận.
Thanh Ngọc (30 tuổi, Hà Nội) cũng là một trường hợp hối hận khi quyết định sửa mí mắt. Cách đây 3 năm, mong muốn có diện mạo mới trong dịp Tết, cô lựa chọn một spa nhỏ ở quê nhà Thái Nguyên để thực hiện cắt mí với giá chỉ 5 triệu đồng.
Sau ca tiểu phẫu, phần mí mắt của cô bị lỗi, phom mí to khiến gương mặt mất cân đối, hài hòa.
"Nhiều năm rồi, đến hiện tại tôi vẫn bị ảnh hưởng thị lực. Gia đình, bạn bè ai cũng chê. Mỗi lần ra đường, tôi còn không dám nhìn thẳng vào mắt ai", Ngọc kể lại.
Hối hận
Sau lần cắt mí đầu tiên, ám ảnh khi nhìn mình trước gương, Thanh Ngọc đến một bệnh viện ở Hà Nội để tìm cách "cứu" mí mắt. Lần sửa thứ 2 của cô, tốn hơn 10 triệu đồng, vẫn không đem lại kết quả khả quan.
"Các bác sĩ nói có sửa nữa cũng khó khắc phục vì phom mí tôi đã bị lỗi khá nặng sau lần đầu tiên. Xấu hổ nên tôi không dám chia sẻ với ai", cô nói.
Mất tiền là một chuyện, Thanh Ngọc đang phải đánh đổi bằng cả thị lực của mình. Từ khi phẫu thuật, mắt cô hay bị nhức, tấy đỏ, không thể nhìn lâu, cũng không thể tiếp xúc với nắng, gió trong thời gian dài.
Dù vậy, khó chấp nhận ngoại hình hiện tại, Ngọc vẫn ấp ủ việc sửa lại mắt ở một thẩm mỹ viện khác. Sau khi tham khảo các bác sĩ uy tín, giá cả, cô đang tiết kiệm 30-40 triệu đồng để làm lại lần 3.
Trong khi đó, Thu Hà cũng vừa đặt vé máy bay quay về Việt Nam để sửa lại mắt. Chi phí phẫu thuật bên Nhật Bản đắt đỏ khiến cô không đủ tài chính để đáp ứng.
Lần này, về nước vào dịp nghỉ lễ, Hà tính toán phải mất khoảng 40 triệu đồng cho vé máy bay và sinh hoạt phí trong 7-10 ngày.
"Thú thực, tôi không dám hy vọng quá nhiều", cô nói.
Đến lần sửa mí thứ 3, Bảo Trâm mới hài lòng về đôi mắt của mình. |
Bảo Trâm lại gặp may mắn hơn bởi sau 3 lần sửa mí, mí mắt cô lại đang trong giai đoạn ổn định. Nhẩm tính, cô cho biết mình tiêu tốn hơn 80 triệu đồng cho chi phí mỗi lần về Việt Nam thăm khám, sửa mí.
"Lần sửa mí thứ hai của tôi vẫn thất bại. Tôi trả 32 triệu đồng cho thẩm mỹ viện, đổi lại kết quả không khác gì lần đầu tiên. Tôi dồn hết quyết tâm để đi sửa lại một lần nữa, tiêu tốn thêm 20 triệu đồng, nhưng may mắn mí mắt của tôi đã dần vào phom dáng. Nhiều lần đi khám, tôi thấy những chị em đã sửa mí tới 4,5 lần vẫn không thể đẹp", cô nói.
Cắt mí khó, sửa mí cắt hỏng còn khó hơn
Trao đổi với Zing, bác sĩ Tú Dung, Tiến sĩ Y khoa chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện JW Hàn Quốc, cho biết trong phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí, tay nghề và mắt thẩm mỹ của bác sĩ phẫu thuật là rất quan trọng.
Theo bác sĩ, cắt mí đã khó, để sửa lại mí còn khó hơn. Bác sĩ cần phải quan sát được đôi mắt trước khi cắt, đôi mắt sau khi cắt, từ đó mới đưa ra những nhận định chuyên môn, đánh giá rủi ro để tìm phương án điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
"Nhiều năm trong nghề, tôi thấy có 4 vấn đề dễ gặp phải khiến những bệnh nhân sửa mí không hài lòng đó là đôi mắt bị vô hồn, mí cắt quá to, mí mắt mở không lên và hốc mắt quá sâu. Do đó, trước khi cắt mí, khách hàng cần sự tư vấn rất kỹ lưỡng từ đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn để đưa ra sự lựa chọn phù hợp.
Bác sĩ Tú Dung cho biết người cắt mí không nên sửa mí quá liên tục. |
Có người do cấu trúc gương mặt, họ rất phù hợp với đôi mắt một mí, nhưng lại không biết điều đó. Bác sĩ thẩm mỹ phải là người giúp họ nhận ra đâu là mắt, mũi, môi phù hợp với mình", bác sĩ nói.
Theo The Straits Times, đôi mắt to, giống như phim hoạt hình vẫn được săn đón rộng rãi ở châu Á dù trên thực tế, “mắt một mí” hay “đôi mắt phương Đông” là dấu hiệu của vẻ đẹp riêng.
Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và những miêu tả tiêu cực về người châu Á, nhất là khi nói về những nhân vật phản diện hư cấu trong tiểu thuyết và phim ảnh, đã làm ảnh hưởng tới suy nghĩ về thế nào là một đôi mắt đẹp.
Phẫu thuật tạo hình mí mắt được cho là do một bác sĩ người Nhật tên là Mikamo tiên phong thực hiện vào cuối những năm 1800.
Quy trình bao gồm các bước loại bỏ da thừa ở mí trên để tạo nếp nhăn vĩnh viễn. Loại “dao kéo” này từng gây tranh cãi khi các nhà phê bình cho rằng nó bắt nguồn từ sự phân biệt chủng tộc nội tại và lý tưởng làm đẹp của người châu Âu.
Giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào khác, tạo hình mí mắt đi kèm với rủi ro, bao gồm nhiễm trùng, thay đổi thị lực, khô mắt và phổ biến nhất là mắt không đối xứng.
Nói với Zing, bác sĩ Tú Dung thông tin sau khi khi phẫu thuật cắt mí, bệnh nhân cần thời gian 3-6 tháng, thậm chí một năm để mí mắt đi vào ổn định, nhưng phần lớn rất nôn nóng sửa tiếp dù mới phẫu thuật xong.
"Đây là hành động rất sai lầm, dẫn đến nhiều hậu quả cho mắt. Tôi luôn khuyên bệnh nhân của mình chỉ nên sửa mí sau một năm để các bác sĩ có thể thăm khám và đánh giá tình trạng của mí khi đã ổn định", bác sĩ nói thêm.
Ngoài ra, ông cho biết hiện nay trên thị trường, các quảng cáo cắt mí mắt bằng nhiều phương pháp hiện đại và tiên tiến với nhiều tên gọi khác nhau đều không đúng sự thật nhằm khiến bệnh nhân chi tiền nhiều hơn, song không đem lại kết quả khác.
"Đối với phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí mắt, chỉ có một phương pháp duy nhất là do bác sĩ trực tiếp sử dụng dao, dụng cụ chuyên ngành để phẫu thuật cắt mắt, tạo mí", bác sĩ nhấn mạnh.
Link nội dung: https://tuoitrexahoi.vn/hao-hung-cat-mi-khon-kho-sua-lai-a205434.html