Khi biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm “mùa cháy rừng” hàng năm, các vụ cháy lớn và nguy hiểm nhất ngày nay thường tấn công khu vực phía Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, một số vụ cháy rừng kinh hoàng nhất lịch sử Bắc Mỹ đã tàn phá cả vùng Trung Tây và Canada.
Vụ cháy Peshtigo và trận đại hỏa hoạn năm 1871
Trong ba ngày tháng 10/1871, toàn bộ vùng Thượng Trung Tây nước Mỹ đã biến thành địa ngục. Bốn trong số những vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, được gọi chung là trận đại hỏa hoạn năm 1871, đã bùng lên đồng thời ở Michigan, Wisconsin và Illinois.
Trong đó, trận đại hỏa hoạn ở Chicago đã khiến khoảng 300 người thiệt mạng, 100.000 người mất nhà cửa và thiêu rụi 17.500 tòa nhà.
Ba vụ cháy rừng còn lại đã cướp đi sinh mạng của trên 500 người ở Michigan. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn lớn nhất vẫn là vụ cháy Peshtigo - trận hoả hoạn xé toạc thị trấn khai thác gỗ Peshtigo ở vùng nông thôn Wisconsin vào đêm ngày 8/10/1871.
Trận cháy rừng lan nhanh đã giết chết 800 cư dân chỉ riêng ở Peshtigo và cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.400 người, khiến đây trở thành trận hỏa hoạn kinh hoàng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Bắc Mỹ.
Đợt hè thu năm 1871 là một trong những mùa khô hạn nhất từng được ghi nhận ở vùng Trung Tây Mỹ. Chỉ riêng hạn hán đã đủ biến Peshtigo thành một đống mồi lửa. Song tình hình còn trở nên tồi tệ hơn do các hoạt động khai thác gỗ liều lĩnh, khiến các khu vực có nhiều cành và gốc cây chết khô.
Ngày 8/10/1871, một trận bão đã tiến vào vùng Thượng Trung Tây với sức gió 161 km/giờ, biến những đám cháy rừng nhỏ lẻ thành lốc xoáy lửa tấn công Peshtigo mà không báo trước. Nhiều người sống sót trong thị trấn đã trải qua một đêm kinh hoàng trên sông Peshtigo với những bức tường lửa cháy ngùn ngụt bao quanh.
Vụ cháy Cloquet năm 1918
Trận hỏa hoạn nguy hiểm thứ 2 ở Bắc Mỹ cũng xảy ra ở vùng Thượng Trung Tây, gần 50 năm sau trận Đại hỏa hoạn năm 1871. Nguyên nhân gây ra hai vụ cháy này cũng gần giống nhau. Trên thực tế, tháng 10 năm 1918 là tháng 10 khô hạn nhất trong 48 năm. Đám cháy bùng lên khi tia lửa từ một đoàn tàu chạy qua lan rộng, thiêu rụi nhiều khu vực bên ngoài thị trấn nhỏ Cloquet, bang Minnesota.
Ngọn lửa âm ỉ trong nhiều ngày cho đến hôm 12/10/1871, khi những cơn gió thổi mạnh tới 122km/giờ đã biến đám cháy nhỏ lẻ thành “sát thủ tàn bạo”. Ngọn lửa Cloquet đã thiêu rụi hoàn toàn các thị trấn Cloquet, hồ Moose và sông Kettle trước khi tàn phá thành phố lớn hơn Duluth.
Trên 1.000 người đã thiệt mạng, 38 cộng đồng dân cư bị phá hủy và 101.000 hecta rừng bị thiêu rụi trong trận cháy rừng kinh hoàng này.
Vụ cháy rừng Maui năm 2023
Ngôi làng lịch sử Lahaina trên đảo Maui là “thiên đường nhiệt đới ở Hawaii”. Nhưng vào ngày 8/8 vừa qua, gió giật từ một cơn bão quét qua đã thổi bùng các đám cháy rừng trở thành “địa ngục lửa” không thể kiểm soát.
Thảm kịch diễn ra vào rạng sáng 8/8, khi giới chức báo cáo một vụ cháy rừng vùng cao Maui, hòn đảo có những ngọn đồi nhấp nhô và ngọn núi lửa gần trung tâm. Ngọn lửa thứ hai bùng lên ở ngoại ô thị trấn Lahaina vào khoảng 6h30 phút sáng cùng ngày, nhưng Cơ quan Cứu hỏa Maui báo cáo rằng đám cháy đã được khống chế hoàn toàn vào lúc 9h sáng.
Sau đó, gió giật từ cơn bão Dora quét qua quần đảo Hawaii hàng trăm km về phía nam đã thổi bùng những đám cháy rừng. Trong sự hỗn loạn, nhiều cư dân Lahaina không hề biết rằng họ đang bị vòng lửa siết chặt. Mọi lối thoát đều bị chặn bởi ngọn lửa thiêu đốt mù mịt khói, một số cư dân tuyệt vọng đã chạy xuống biển và ngâm mình dưới nước hàng giờ.
Đám cháy đã san phẳng toàn thành phố Lahaina, cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân và khách du lịch. Tính đến ngày 21/8, số người chết vì cháy rừng ở Maui là 114 người, khiến đây trở thành vụ cháy rừng nguy hiểm nhất ở Mỹ trong hơn một thế kỷ. Đáng buồn thay, những con số này dự kiến sẽ tăng lên khi ước tính có khoảng 1.000 người vẫn mất tích hoặc chưa được kiểm đếm.
Vụ cháy Big Burn năm 1910
Tháng 8/1910, trận cháy rừng lớn chưa từng có, được gọi là “Big Burn” hay “Big Blow Up” đã thiêu rụi 1,2 triệu hecta rừng nguyên sinh ở Montana, Idaho và Washington chỉ trong vòng 36 giờ. Đây là nỗi đau gây ám ảnh đối với Sở Lâm nghiệp Mỹ, cơ quan vừa được thành lập vào năm 1905. Trong số 87 người thiệt mạng trong vụ cháy, 78 nạn nhân là lính cứu hỏa.
Cũng như những đám cháy chết chóc khác ở Bắc Mỹ, ngọn lửa năm 1910 bùng lên từ những đám cháy lẻ tẻ trong những khu rừng khô hạn. Rồi những cơn gió kéo đến, ập vào khu vực và khiến những đám cháy rừng lan nhanh một cách cuồng bạo.
Những người lính cứu hỏa và những người sống sót sau vụ cháy Big Burn mô tả những đám cây rực lửa bật gốc và bị thổi bay lên không trung với tốc độ 112km/giờ. Theo một người sống sót, sức nóng dữ dội đến mức cây cối nổ tung.
Sức tàn phá kinh hoàng do Big Burn gây ra đã buộc Sở Lâm nghiệp Mỹ phải hành động để ngăn chặn những đám cháy rừng nhỏ nhất, tránh xảy ra một đám cháy lớn khác.
Vụ cháy Camp Fire năm 2018
Tháng 11/2018, thị trấn Paradise ở Bắc California đã biến thành “địa ngục trần gian” sau trận cháy rừng kinh hoàng nhất trong lịch sử California. Cuối “mùa cháy rừng” ở California, cộng đồng Paradise và Concow gần đó chưa kịp chuẩn bị điều gì trước khi đám cháy Camp Fire thiêu rụi tất cả.
Ngày 8/11/2018, đám cháy đã bùng lên khi đường dây truyền tải điện gần 100 năm tuổi ở chân đồi Sierra Nevada phía trên thị trấn Paradise gặp sự cố. Một cơn gió mạnh đã khiến đám cháy nhanh chóng lan rộng xuống khu vực dân cư phía dưới, nhiều người dân ở các cộng đồng lân cận không kịp sơ tán. Cháy rừng lan rộng với tốc độ vô cùng khủng khiếp, “thiêu rụi những vùng đất có diện tích lên đến 80 sân bóng đã mỗi phút”.
Chỉ trong 4 giờ, đám cháy Camp Fire gần như đã xóa sổ thị trấn Paradise, cướp đi sinh mạng của 86 người và khiến trên 30.000 người mất nhà cửa. Trên 5.500 lính cứu hỏa đã được triển khai để dập tắt đám cháy kéo dài dai dẳng suốt 17 ngày.
Hải Vân
Link nội dung: https://tuoitrexahoi.vn/diem-lai-nhung-vu-chay-rung-kinh-hoang-nhat-lich-su-bac-my-a208857.html