Tôi đã đọc và mê tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi từ khi còn là một cậu bé. Cả một thế giới rừng, ruộng, sông, rạch, đìa vô cùng kỳ thú mở ra trước mắt tôi từ những trang sách của ông nhà văn Nam Bộ tập kết này.
Sau đó, năm 1997, tôi xem bản phim truyền hình “Đất phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, và thấy cái sự mê ấy trong mình đã giảm ít nhiều. Có lẽ do tâm hồn mình chai đi chứ không phải do ông Nguyễn Vinh Sơn làm phim kém. Bởi vì, tôi nhớ hồi ấy bộ phim này nhận toàn những lời khen, không thấy ai chê trách gì. Có chăng chỉ là những cái xuýt xoa tiếc nuối: “giá mà, giá mà...”.
Cái “giá mà” ấy chính là điều kiện làm phim lúc ấy: Nó chỉ đến thế thôi, đạo diễn có tài thánh cũng không sao đưa được trọn vẹn cái thế giới vô cùng kỳ thú từ chữ của ông Đoàn Giỏi vào câu chuyện trên màn ảnh được. Còn về mặt kịch bản, bản phim truyền hình “Đất phương Nam” của Nguyễn Vinh Sơn là một chuyển thể khá trung thành với tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, từ không – thời gian, cốt truyện, đến các nhân vật và hành động, tâm lý của họ.
Nhưng đến bản phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của Nguyễn Quang Dũng thì tình hình, như tôi quan sát thấy, đã trở nên khác hẳn. Ngay sau những buổi chiếu đầu (13 – 15/ 10/ 2023), bộ phim đã chịu sự chỉ trích/ công kích từ một tiến sĩ ngữ văn học, giảng viên một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, về sự sai lạc lịch sử khi đưa các nhân vật Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn vào phim – vì ở thời điểm diễn ra câu chuyện của Đoàn Giỏi, năm 1945, hai hội kín này đã ngừng hoạt động từ lâu – và về tính chất văn hóa “đặc Tàu”, chứ không phải văn hóa “Nam Bộ rặt”, mà các nhà làm phim dường như đã cố ý nhấn mạnh. Phải chăng đây là biểu hiện của một tinh thần “ái Trung” nào đó?
Tôi bình luận: Đây đương nhiên không phải một diễn ngôn phê bình điện ảnh nhằm xác định phim hay phim dở, mà là một diễn ngôn phê bình lịch sử - chính trị, một đòi hỏi ở bộ phim tính chính xác của cái khung lịch sử cho các nhân vật và hành động, và đặc biệt là ý thức về bản sắc văn hóa dân tộc/ vùng miền trong thế đối chọi với tất cả những gì mang màu sắc Trung Hoa. (Việc Cục Điện ảnh ra yêu cầu buộc đạo diễn phải sửa những lời thoại có chữ “Thiên Địa hội” và “Nghĩa Hòa đoàn” trong phim thành “Chính Nghĩa hội” và “Nam Hòa đoàn” đã cho thấy rõ điều đó, tuy nhiên việc ấy vô duyên ngang với đẽo cày giữa đường).
Phê bình kiểu này gây nguy hiểm cho bất cứ một đoàn phim, một nhà làm phim nào, vì nó không khác gì quy chụp chính trị. Trong lịch sử của nền văn nghệ Việt Nam suốt 70 năm nay, thử tính xem, biết bao nhiêu kiếp văn nghệ sĩ đã trở nên khốn đốn thảm hại vì những quy chụp chính trị ác ý như vậy rồi?
Anh bạn tôi, một giáo sư văn học ở Hà Nội, không gay gắt như vậy và dù sao cũng chỉ là phê bình miệng bên bàn cafe, lại tiếp cận vấn đề theo một cách khác: Nếu đã lấy tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của ông Đoàn Giỏi làm bản gốc để từ đó anh triển khai tác phẩm phim truyện điện ảnh của mình, ít nhất anh cũng phải tôn trọng cái bối cảnh của nó, sau đó muốn thêm vào bớt ra những gì thì tùy. Bằng không, anh hãy làm một phim mới, muốn Thiên Địa hội cũng được, Nghĩa Hòa đoàn cũng chẳng sao, đặc Tàu hay đặc Miên cũng tốt, tôi không phản đối, nhưng là một phim khác, và đừng lấy cái tên “Đất rừng phương Nam” của ông Đoàn Giỏi. Chỗ này chúng ta phải sòng phẳng.
Đây mới là diễn ngôn phê bình khiến tôi phải suy nghĩ nhiều, vì nó đụng đến những rắc rối của việc chuyển thể nghệ thuật và lý thuyết liên văn bản. Trong trả lời phỏng vấn báo điện tử danviet ngày 17/10/2023, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết đã ký hợp đồng với gia đình nhà văn Đoàn Giỏi để mua quyền sử dụng tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” vào việc làm phim – tức là hợp pháp – nên nhà làm phim có quyền thay đổi, điều chỉnh kịch bản theo ý mình.
Nhưng vị đạo diễn không nói “chuyển thể” – một khái niệm dù sao cũng đã quen thuộc – mà nói phim của ông “lấy cảm hứng từ” – cụm từ mơ hồ hơn gấp bội – tác phẩm của Đoàn Giỏi. Có thể hiểu là phim chỉ tựa/ dựa vào tiểu thuyết “một chút” thôi – “một chút” ở đây là tên tác phẩm, tên của một số nhân vật – còn lại tất cả đã được hoán cải: Thời gian trong phim được kéo lùi về khoảng 20 năm so với thời gian trong tiểu thuyết, và mọi sự kiện xảy ra là xảy ra trong bối cảnh Nam Kỳ vẫn còn là thuộc địa của Pháp, chứ không phải năm 1945 với chính quyền Việt Minh. Mà nếu đã đến thế, thì “màu sắc Trung Hoa” với Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn và không khí giang hồ loạn đả trong phim - tôi nghe kể thế, chưa xem – là chuyện nhỏ, có lẽ chỉ là chiêu để nhà làm phim câu khách mua vé vào rạp mà thôi.
Tôi không chắc đã có một sự “lập pháp hóa” nào đó cho việc một tác phẩm nghệ thuật nảy sinh do “lấy cảm hứng từ” một tác phẩm nghệ thuật khác, có trước? Nhưng tôi chắc chắn rằng ngay ở sự “chuyển thể” chính danh thì tác phẩm ra đời sau (phái sinh) cũng không cần phải trung thành tuyệt đối với tác phẩm mà từ đó nó sinh thành (tác phẩm gốc). (Người ta hoàn toàn có thể, và vẫn, sáng tạo trên một cái nền có sẵn chứ không nhất thiết cứ phải sáng tạo ra một cái chưa ai từng làm bao giờ. Các văn bản luôn “nháy mắt” với nhau là bởi thế).
Đặc biệt là khi sự chuyển thể diễn ra giữa những loại hình nghệ thuật khác nhau, như từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi sang phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Cho nên vấn đề không nằm ở việc ông Nguyễn Quang Dũng làm sống lại (hay làm chết đi) bao nhiêu phần trăm ông Đoàn Giỏi, mà vấn đề ở chỗ bộ phim ấy có hay không, có đáng xem không mà thôi.
Tôi nhất định sẽ đi xem và sẽ có câu trả lời, ít nhất là cho mình.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link nội dung: https://tuoitrexahoi.vn/loi-cua-mot-ke-chua-xem-phim-a210177.html