Theo Bloomberg, Apple đã chính thức hủy bỏ nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm chế tạo một chiếc ôtô điện.
Nguồn tin nội bộ tiết lộ bộ đôi Giám đốc vận hành Jeff Williams và Kevin Lynch đã ra quyết định "khai tử" dự án ôtô điện Titan được tiến hành từ năm 2015. Gần 2.000 nhân viên đang làm việc trong dự án này được cho là đã bị sốc sau khi nhận được thông báo.
Elon Musk ăn mừng trước động thái từ bỏ của Apple. CEO Tesla chia sẻ một bài đăng trên trang mạng xã hội X kèm biểu tượng cảm xúc chào và một điếu thuốc.
Giấc mơ tan vỡ
Quyết định khai tử Titan cũng chấm dứt nỗ lực trị giá hàng tỷ USD của Apple nhằm tiến vào một ngành hoàn toàn mới như ôtô điện.
Gã khổng lồ công nghệ bắt đầu phát triển ôtô vào khoảng năm 2014, với mục tiêu cho ra đời một chiếc xe điện tự động hoàn toàn với nội thất giống xe limousine và có khả năng điều hướng bằng giọng nói.
Ảnh dựng xe tự lái của Apple dựa trên bằng sáng chế. Ảnh: Vanorama. |
Dự án Titan này là một trong những kế hoạch nghiên cứu và phát triển tốn kém nhất của Táo khuyết trong suốt một thập kỷ qua.
Tập đoàn đã chi hàng trăm triệu USD mỗi năm cho tiền lương nhân viên, hệ thống đám mây điều khiển máy tính tự lái, thử nghiệm trên đường kín và kỹ thuật cho bộ phận xe và chip.
Tuy nhiên, hãng đã không ít lần đối mặt với thực tế rằng tầm nhìn về một chiếc ôtô không có vô lăng là phi thực tế.
Sau khi thất bại với kế hoạch ôtô không người lái hoàn toàn, Táo khuyết mới bắt đầu nghiên cứu một chiếc xe điện với nhiều tính năng hạn chế hơn.
Nhiều kỹ sư phần cứng trong lĩnh vực xe hơi và xe tự lái đã được Apple tuyển mộ về dự án, bao gồm CJ Moore, cựu Giám đốc Phần mềm tự lái của Tesla, một chuyên gia về hệ thống khí hậu từ Volvo, giám đốc của Daimler Trucks, kỹ sư hệ thống pin từ Karma Automotive, kỹ sư cảm biến của Cruise và nhiều nhân viên từng làm cho Tesla.
Tuy nhiên, dự án liên tục gặp phải nhiều trở ngại trong những năm qua, khi cựu trưởng nhóm Doug Field rời Apple để đầu quân cho Ford Motor. Hãng sau đó bổ nhiệm Lynch làm lãnh đạo dự án Titan, người không am hiểu nhiều về lĩnh vực xe hơi.
Dự án Titan là một trong những kế hoạch nghiên cứu và phát triển tốn kém nhất của Táo khuyết trong suốt một thập kỷ qua. Ảnh: Apple. |
Đến năm 2022, một báo cáo từ The Information cho biết nhà sản xuất iPhone đã phải vật lộn với tình trạng nhân viên nghỉ việc cao, kế hoạch liên tục thay đổi và sự hoài nghi trong nội bộ về tham vọng làm ôtô điện.
Điều này khiến dự tính về ngày ra mắt của Apple vẫn tiếp tục lùi xuống. Trước khi bị khai tử, Táo khuyết dự kiến giới thiệu mẫu xe này sớm nhất là vào năm 2028, trễ hơn 2 năm so với dự đoán.
Toàn lực cho AI
Có khoảng 2.000 người đang làm việc trong nhóm phát triển dự án Titan. Sau quyết định này, một số nhân viên sẽ được chuyển sang nhóm trí tuệ nhân tạo (AI) của Apple do John Giannandrea lãnh đạo.
Trong khi đó, hàng trăm kỹ sư phần cứng và nhà thiết kế xe nhiều khả năng sẽ nộp đơn xin việc vào các nhóm khác của Apple. Bloomberg khẳng định chắc chắn sẽ có làn sóng sa thải ở Apple sau khi dự án Titan bị hủy, nhưng không tiết lộ con số chính xác.
Việc Apple đưa nhân viên tập trung vào các dự án AI mang tính sáng tạo cho thấy đây sẽ là ưu tiên quan trọng với hãng trong tương lai.
Động thái này cũng mang lại sự nhẹ nhõm cho các nhà đầu tư và giúp giá cổ phiếu Apple tăng khoảng 1% trên sàn chứng khoán Mỹ.
Theo The Verge, Táo khuyết được cho là đang chi hàng triệu USD mỗi ngày để đào tạo một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có tên mã nội bộ Ajax.
Một số chuyên gia cho biết Ajax thậm chí còn được đánh giá cao hơn cả ChatGPT 3.5. Với mục tiêu giúp các thiết bị trong hệ sinh thái giao tiếp với nhau, tài khoản chuyên rò rỉ tin công nghệ yeux1122 của Hàn Quốc tiết lộ Apple còn đang “huấn luyện” cách giao tiếp sao cho tự nhiên nhất có thể chứ không chỉ là những câu ra lệnh cứng nhắc.
Từ bỏ ôtô điện, Apple sẽ dành toàn lực cho AI tạo sinh (Generative AI). Ảnh: Megamac. |
CEO Apple Tim Cook gần đây cũng xác nhận Apple sẽ giới thiệu các tính năng AI “vào cuối năm nay”, sau tin đồn công ty đang thử nghiệm các bản cập nhật cho Spotlight và Xcode.
Apple còn dự tính bổ sung các tính năng như tự động tóm tắt, tự động hoàn thành vào các ứng dụng cốt lõi và phần mềm năng suất như Pages và Keynote. Họ cũng nỗ lực tích hợp AI vào các dịch vụ như Apple Music để tối ưu hóa việc tạo danh sách phát.
Với AI tạo sinh (Generative AI), các công cụ của Apple đã chậm chân gần năm so với ChatGPT - chatbot gây bão trên toàn thế giới. Hãng cũng muộn hơn một năm sau khi Amazon công bố Alexa bản nâng cấp và 1,5 năm sau khi Microsoft và Google ra mắt AI mới.
“Chúng tôi tin rằng quyết định từ bỏ ôtô điện và chuyển nguồn lực sang AI của Apple là một bước đi chiến lược đúng đắn. Tiềm năng sinh lời lâu dài của AI là hơn hẳn so với ôtô”, hai nhà phân tích Anurag Rana và Andrew Girard của Bloomberg Intelligence nhận định.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn
Link nội dung: https://tuoitrexahoi.vn/mot-trong-nhung-du-an-tham-vong-nhat-lich-su-apple-da-chet-a211047.html