Vỡ đập thủy điện tại Lào: Phát hiện vết nứt trước một ngày xảy ra sự cố

Một ngày trước khi con đập phụ của đập Xe-Pian vỡ, Công ty PNPC - đơn vị thi công dự án đã phát hiện có vết nứt và đưa ra cảnh báo nước trong đập Xe-Pian có khả năng tràn vì mưa lớn.

vo dap thuy dien tai lao phat hien vet nut truoc mot ngay xay ra su co
Người dân khu tỉnh Attapeu gặp nhiều khó khăn vì vỡ đập thủy điện. Ảnh: AFP

TTXVN dẫn lời ông Ounla Sayyasith, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu cho biết vụ vỡ đập thủy điện đã làm 13 bản của huyện Sanamxay bị ngập chìm trong nước, trong đó có sáu bản bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 919 hộ và 3.780 dân.

Đến thời điểm hiện nay, đã xác định được 131 người mất tích, trong đó chỉ mới tìm thấy một thi thể.

Đối với công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng, Chủ tịch huyện Sanamxay, ông Bounhom Phommasan, cho biết hiện hơn 5.880 người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã được huyện bố trí sinh sống tại các trường, trụ sở hành chính khu trung tâm huyện.

Các nhu yếu phẩm, nước uống đã được các đơn vị cứu trợ, doanh nghiệp vận chuyển vào tận trung tâm huyện, đảm bảo đủ cho toàn bộ nhân dân đang sơ tán tại đây sử dụng.

Đặc biệt, huyện cũng đã bố trí cán bộ y tế túc trực tại các điểm bố trí người dân sinh sống để thăm, khám cho nhân dân.

Theo ông Phommasan, hiện lực lượng chức năng đang tập trung ổn định cuộc sống cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Những điểm làng bị ngập lụt hiện chưa thể trở về nên việc người dân phải sống tạm tại khu trung tâm huyện trong thời gian tới sẽ kéo dài. Vì vậy, chính quyền đang tập trung huy động mọi nguồn lực, kêu gọi sự viện trợ từ nhiều nơi để cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân đến khi trở về bản.

vo dap thuy dien tai lao phat hien vet nut truoc mot ngay xay ra su co
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đưa hàng cứu trợ đến với người dân nước bạn Lào. Ảnh: Hồng Pha

Trước sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã triển khai công tác hỗ trợ cho bạn Lào ứng phó, khắc phục hậu quả.

Theo đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị đứng chân trên địa bàn đã khẩn trương triển khai gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, Binh đoàn 15, Quân đoàn 3; huy động 26 ô tô, xe cứu thương, xuồng các loại, lực lượng quân y và Đội phẫu viện 211; gần 600 áo phao, nhà bạt, máy đẩy; 9 tấn lương khô sẵn sàng hỗ trợ giúp bạn ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố.

Tính đến chiều ngày 25/7 đã huy động được 9 ô tô, 140 cán bộ, chiến sỹ, y tá, bác sỹ quân y, hỗ trợ 260 triệu VNĐ, 10 triệu kip Lào cùng lượng thuốc đủ cứu chữa cho 500 người, cơ động bằng trực thăng của Bộ Quốc phòng Lào đến địa điểm ngập lụt để phối hợp với Bạn khắc phục hậu quả, cứu chữa người bị nạn.

Thông tin trên Pháp Luật Việt Nam dẫn nguồn từ tờ Vientiane Times (Lào), chính quyền tỉnh Attapeu đã kêu gọi đoàn thể, các tổ chức chính quyền, doanh nghiệp, cảnh sát, quân đội hỗ trợ quần áo, thực phẩm, thuốc men cho các nạn nhân bị ảnh hưởng do vỡ đập. Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric cho biết sẵn sàng hỗ trợ cứu hộ nếu chính phủ Lào đề nghị.

Một ngày trước khi con đập phụ của đập Xe-Pian vỡ, Công ty PNPC - đơn vị thi công dự án đã phát hiện có vết nứt và đưa ra cảnh báo nước trong đập Xe-Pian có khả năng tràn vì mưa lớn.

Trong thông báo, ông Lee Kan Yeol, người đứng đầu phụ trách công tác tái định cư xây dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, nhân sự Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK cảnh báo “đập yên ngựa D” không an toàn và trong tình trạng rất nguy hiểm” và yêu cầu chính quyền địa phương sơ tán 12 ngôi làng phòng trường hợp con đập bị vỡ.

Reuters dẫn lời Công ty SK hôm qua (25/7) cho biết sau khi phát hiện một phần con đập bị vỡ và bị cuốn trôi từ lúc 21 giờ ngày 22/7, các kỹ sư đã mang các thiết bị hạng nặng đến sửa chữa ngay trong đêm và vật lộn suốt nhiều giờ đồng hồ để ngăn chặn thảm họa nhưng không cứu được.

Đến 3 giờ sáng 23/7, các kỹ sư đã mở thêm một van khẩn cấp của đập Xe-Pian Xe-Namnoy để giảm bớt mực nước đổ ra khu vực lân cận. Tuy nhiên, đến sáng 24-7, sáu trong số 12 ngôi làng trong huyện San Sai, tỉnh Attapeu đã bị nhấn chìm.

Sau khi sự cố xảy ra, Công ty SK đã lập một đội quản trị khủng hoảng, triển khai trực thăng, thuyền cứu hộ, nhiều quản lý cấp cao từ Tập đoàn SK từ Hàn Quốc bay qua Lào để hỗ trợ cứu hộ. Cổ phiếu của Tập đoàn SK, tập đoàn mẹ của Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK giảm 3,5% trong phiên giao dịch sáng 25/7.

Công ty SK và Công ty Điện Ratchaburi ngày 24/7 đều nhận định nguyên nhân đập phụ bị vỡ là vì mưa lớn bất thường và liên tục, vượt gấp ba lần lượng mưa thông thường dẫn đến quá tải cho đập phụ trong hệ thống các hồ.

 

Link nội dung: https://tuoitrexahoi.vn/vo-dap-thuy-dien-tai-lao-phat-hien-vet-nut-truoc-mot-ngay-xay-ra-su-co-a55232.html