Sau 26 năm, cô gái "Em phải đến Harvard học kinh tế" đang sống thế nào?

Mới đây, chủ đề "Thần đồng Harvard Lưu Diệc Đình sống lặng lẽ ở Mỹ" bất ngờ trở thành đề tài gây sốt tại Trung Quốc. Sau 26 năm, cô gái "con nhà người ta" năm xưa giờ đang sống thế nào?

 

Sau 26 năm, cô gái "Em phải đến Harvard học kinh tế" đang sống thế nào?

Lưu Diệc Đình từng một thời là nhân vật nổi đình đám tại Trung Quốc. Cô được gắn mác thần đồng, được nhiều phụ huynh xem như hình mẫu "con nhà người ta". Sau 26 năm kể từ thời điểm gây sốt, Lưu Diệc Đình bất ngờ trở thành tâm điểm bàn luận của cộng đồng mạng Trung Quốc.

Năm 1999, cô gái 18 tuổi Lưu Diệc Đình đến từ thành phố Thành Đô khiến công chúng xứ tỷ dân chấn động. Cô trúng tuyển Đại học Harvard và nhận được học bổng toàn phần. Thành tích của cô được đưa tin rộng rãi trên báo chí. Diệc Đình nhanh chóng gây sốt với công chúng.

Ngay sau đó, cha mẹ cô cho xuất bản cuốn sách Cô gái Harvard Lưu Diệc Đình, để chia sẻ bí quyết nuôi dạy con thành công. Tại Việt Nam, cuốn sách này được xuất bản với tên gọi Em phải đến Harvard học kinh tế. Cuốn sách bán được hơn 2,5 triệu bản và từng trở thành "kim chỉ nam" nuôi dạy con của vô số gia đình tại Trung Quốc.

Trong sách, những phương pháp như cầm đá lạnh trong mùa đông để rèn luyện ý chí mạnh mẽ, hay thực đơn ăn uống được cân nhắc từng chút một khiến vô số phụ huynh tâm đắc, xem như "khuôn vàng thước ngọc" để học hỏi.

Sau 26 năm, thông tin về Lưu Diệc Đình bất ngờ thu hút sự quan tâm trở lại. Cô hiện định cư tại Mỹ, đã kết hôn với một luật sư và có cuộc sống kín tiếng. Điều này khiến không ít người từng thần tượng Lưu Diệc Đình và cha mẹ của cô cảm thấy... "vỡ mộng".

Sau 26 năm, cô gái Em phải đến Harvard học kinh tế đang sống thế nào? - 1
Sau 26 năm, cô gái Em phải đến Harvard học kinh tế đang sống thế nào? - 2

Lưu Diệc Đình bên mẹ (Ảnh: The Paper).

Mô hình "thần đồng nhân tạo": Lộ trình được thiết kế từ trong bụng mẹ

Ngay từ khi mang thai, mẹ của Diệc Đình đã áp dụng phương pháp dạy con từ sớm. Khi Diệc Đình chào đời, mọi thứ từ lượng sữa mẹ, hàm lượng dinh dưỡng trong đồ ăn dặm, đến những loại đồ chơi mua cho cô, đều được cha mẹ cô kiểm soát nghiêm ngặt.

Bắt đầu từ năm 10 tuổi, vào mùa đông, Diệc Đình phải cầm đá lạnh trong 15 phút để rèn luyện ý chí. Sau khi chi tiết này xuất hiện trong cuốn sách được cha mẹ Diệc Đình cho ra mắt, bài tập "cầm đá lạnh" đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của nhiều đứa trẻ Trung Quốc thời điểm ấy.

Ở tuổi dậy thì, Diệc Đình không được mặc đồ sặc sỡ, phải cắt tóc gọn gàng, giữ khoảng cách với các bạn nam. Cô cũng bị cấm thần tượng các ngôi sao Giải trí, không được chạy theo "mốt" hay các trào lưu văn hóa đại chúng.

Thay vào đó, cô được cha mẹ khuyến khích ghi lại chi tiết cách sử dụng thời gian và viết nhật ký mỗi ngày. Cuốn lịch trình và nhật ký phải để cho cha mẹ đọc. Năm 1999, Diệc Đình trúng tuyển 4 trường đại học danh tiếng của Mỹ. Sau cùng, cô chọn Đại học Harvard.

Khi trở thành hiện tượng "con nhà người ta" tại xứ tỷ dân, Lưu Diệc Đình từng nói về ước mơ của cô: "Tôi muốn dành cả cuộc đời cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tôi sẽ dùng tri thức khoa học để tạo thêm  việc làmcho cộng đồng, làm giàu cho Xã hội, để mọi trẻ em nghèo đều được đi học, mọi người cần giúp đỡ đều nhận được sự giúp đỡ".

Sau 26 năm, cô gái Em phải đến Harvard học kinh tế đang sống thế nào? - 3
Sau 26 năm, cô gái Em phải đến Harvard học kinh tế đang sống thế nào? - 4

Lưu Diệc Đình khi còn là sinh viên Đại học Harvard (Ảnh: The Paper).

Sự nghiệp trắc trở và cuộc sống kín tiếng nơi đất khách

Tại Đại học Harvard, Lưu Diệc Đình theo học chuyên ngành kinh tế. Ban đầu cô từng khẳng định sẽ về nước cống hiến, nhưng sau khi tốt nghiệp năm 2003, cô quyết định ở lại Mỹ làm việc.

Sự nghiệp của cô tại Mỹ không suôn sẻ. Cô từng làm việc tại công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group, tập đoàn thực phẩm và đồ uống PepsiCo và một quỹ đầu tư. Dù vậy, cô không trụ lại lâu ở bất cứ công ty nào. Sau đó, cô từng thử khởi nghiệp, nhưng công ty này đã phá sản. Lưu Diệc Đình tiếp tục thử hợp tác với bạn bè mở công ty, nhưng thử nghiệm này vẫn thất bại.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, khi hình tượng "cô gái Harvard" vẫn còn được công chúng ngưỡng mộ, cha mẹ cô tiếp tục cho ra mắt cuốn "Cô gái Harvard 2: Phương pháp học tập và chi tiết cách nuôi dạy Lưu Diệc Đình". Cuốn sách này ra mắt năm 2004.

Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, những cuốn sách và bài viết có tính phản biện, tiết lộ những góc khuất đằng sau những bộ hồ sơ gây ấn tượng với các hội đồng tuyển sinh khó tính nhất thế giới. Nhiều phụ huynh bắt đầu nghi ngờ: Phải chăng Lưu Diệc Đình không hoàn toàn tự lực trúng tuyển Harvard?

Lúc này, những bí mật về cách "Làm đẹp" hồ sơ Du học bắt đầu được tiết lộ. Những "thần đồng" như Diệc Đình dù có nỗ lực, nhưng thành tích đạt được không hoàn toàn chỉ nhờ sự cố gắng mà nên.

Sau 26 năm, cô gái Em phải đến Harvard học kinh tế đang sống thế nào? - 5
Sau 26 năm, cô gái Em phải đến Harvard học kinh tế đang sống thế nào? - 6

Lưu Diệc Đình đã trải qua những thăng trầm trong sự nghiệp, hiện tại, cô đã kết hôn và định cư tại Mỹ (Ảnh: The Paper).

Không về nước, sống kín tiếng ở nước ngoài: Có thất bại không?

Hiện tại, Diệc Đình đã kết hôn với một luật sư. Cặp đôi sống tại New York, Mỹ. Cả Diệc Đình và cha mẹ đều trở nên kín tiếng hơn.

Không ít cư dân mạng Trung Quốc cho rằng cuộc sống hiện tại của Diệc Đình không tương xứng với kỳ vọng mà mọi người từng đặt vào cô.

Có lẽ vì Diệc Đình từng được xem là hiện tượng gây sốt, cha mẹ cô lại viết sách chia sẻ cách nuôi dạy con thành công, cô còn từng hứa hẹn hùng hồn nhiều điều, nên cuộc sống hiện tại của Diệc Đình gây thất vọng với nhiều người.

Trước đề tài đang gây sốt trên mạng xã hội, tờ tin tức The Paper (Trung Quốc) nhận định, câu chuyện về Lưu Diệc Đình ở thời điểm hiện tại sẽ giúp công chúng có cái nhìn đúng đắn hơn về việc nuôi dạy con.

Thành công không có một định nghĩa chung đối với tất cả mọi người. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, khái niệm thành công càng trở nên đa dạng.

Theo một cuộc khảo sát về Giáo dục trong gia đình tại Trung Quốc thực hiện hồi năm 2023, 65% phụ huynh cho rằng, đỗ vào đại học top đầu mới là thành công.

Trong khi đó, một khảo sát khác của Đại học Harvard được thực hiện cùng năm lại cho thấy, nhóm cựu sinh viên hạnh phúc nhất không phải là những doanh nhân giàu có nhất, mà là những giáo viên, nghệ sĩ.

Theo The Paper, khi Lưu Diệc Đình lựa chọn một cuộc sống kín tiếng hơn, có lẽ công chúng cũng nên học cách buông bỏ những kỳ vọng "thần thánh hóa" từng đặt vào cô.

Phụ huynh không cần chạy đua trong hành trình nuôi con, không nên áp dụng rập khuôn những công thức nuôi dạy "thiên tài nhân tạo", mà chỉ nên tâm niệm: "Con không cần phải trở thành thần đồng. Cha mẹ chỉ cần con sống vui vẻ và được là chính mình".

Theo The Paper