Bão Mặt Trời xáo trộn từ trường Trái Đất xảy ra vào ngày 30/11 và 1/12

Ngân Hà
Bão địa từ lúc đỉnh điểm có thể gây rối loạn mạng lưới điện trên Trái Đất và ảnh hưởng tới hoạt động của các vệ tinh trên bầu trời.
Bão Mặt Trời xáo trộn từ trường Trái Đất xảy ra vào ngày 30/11 và 1/12 - 1

Ảnh mô phỏng các luồng bức xạ phát ra từ một cơn bão Mặt Trời (Ảnh: NASA).

Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của Cơ quan Khí quyển Đại dương Quốc gia (NOAA), một cơn bão Mặt Trời cường độ cao sẽ tấn công Trái Đất trong các ngày 30/11 và 1/12.

Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ một vụ phun trào plasma, được gọi là phun trào nhật hoa xảy ra ở Mặt Trời ngày 27/11 vừa qua. Vụ phun trào được NOAA xác định là ở cấp độ M9.8, tức chỉ còn vài phần trăm nữa là được xếp vào loại X - cấp độ cao nhất.

Bão Mặt Trời, hay bão địa từ (CME), là sự xáo trộn đối với từ trường của Trái Đất do dòng hạt mang điện phóng ra từ các vụ phun trào trên Mặt Trời. Trên một số hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, nhất là các hành tinh có từ quyển, gồm: Sao Thổ, Sao Thủy, Sao Hải Vương, Sao Mộc, Sao Thiên Vương... cũng có hiện tượng tương tự.

Thông thường, các luồng năng lượng Mặt Trời hoặc đi lệch hướng khỏi Trái Đất hoặc quá yếu để đi qua lớp từ trường Trái Đất nên không gây nhiều thiệt hại. Nhưng cứ sau một thời gian, Mặt Trời lại tạo ra một cơn bão mạnh đến mức có thể xé toạc lớp "khiên" từ trường này.

Và khi một cơn bão Mặt Trời đổ bộ, nó sẽ gây ra sự hỗn loạn cho hệ thống công nghệ thông tin, "làm tê liệt các nền kinh tế và gây nguy hiểm cho sự an toàn cũng như sinh kế của người dân trên toàn thế giới", theo NASA.

Bão Mặt Trời xáo trộn từ trường Trái Đất xảy ra vào ngày 30/11 và 1/12 - 2

Cảnh báo bão Mặt Trời xảy ra vào ngày 30/11 và 1/12 (Ảnh: NOAA).

May mắn thay, những cơn bão năng lượng có cường độ cao như vậy rất hiếm khi xảy ra. Theo NOAA, bão Mặt Trời lần này có thể gây ra sự gia tăng hoạt động cực quang quanh các cực, và những dao động nhỏ trong hệ thống lưới điện tại một số khu vực trong ngày 30/11.

Tuy nhiên, điều đáng nói là cơn bão Mặt Trời này có thể cộng hưởng với ít nhất 2 cơn bão diễn ra trước đó để gây ra những ảnh hưởng mạnh mẽ hơn vào ngày 1/12.

Daniel Verscharen, Phó Giáo sư vật lý không gian và khí hậu tại Đại học London, nhận định, bão địa từ lúc đỉnh điểm có thể gây rối loạn mạng lưới điện trên Trái Đất và ảnh hưởng tới hoạt động của các vệ tinh trên bầu trời.

Sự kiện Carrington năm 1859 được coi là cơn bão Mặt Trời mạnh nhất từng được ghi nhận. Thời điểm đó, những người điều hành điện báo bị giật từ chính thiết bị của họ và hỏa hoạn bùng phát tại các trạm điện báo khi dòng điện do cơn bão tạo ra chạy qua dây dẫn.

Bão Mặt Trời cũng gây ra một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, đó là cực quang. Hiện tượng này được tạo ra bởi các hạt của các cơn bão Mặt Trời, sau khi chúng gia tốc dọc theo từ trường của Trái Đất đến các vĩ độ cao hơn, và đổ xuống tầng trên của bầu khí quyển.

Tại đó, các hạt của bão Mặt Trời tương tác với vật chất trong khí quyển, tạo ra những bức màn ánh sáng lung linh trên bầu trời mà ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Minh Khôi