Tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25), nhiều nước lớn phớt lờ lời kêu gọi đẩy mạnh những nỗ lực chống lại hiện tượng Trái Đất ấm lên.
Theo Reuters, nước chủ trì COP25 là Chile (trước khi rút khỏi việc đăng cai vì bất ổn trong nước) bị chỉ trích là đã soạn thảo tuyên bố chung yếu ớt, có nguy cơ phá hỏng mục tiêu của Hiệp định Paris 2015, và là tuyên bố chung tệ nhất từ các hội nghị về khí hậu - theo các nhà hoạt động.
“Cách tiếp cận của Chile về tuyên bố chung cho thấy nước này lắng nghe những bên phát thải, chứ không phải người dân toàn thế giới”, Reuters dẫn lời Jennifer Morgan, Giám đốc điều hành một tổ chức hòa bình xanh. Trên thực tế, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức rút khỏi Hiệp định vào tháng trước, tạo thêm lý do để các nước phát thải lớn khác chần chừ trong các cam kết.
Bộ trưởng Môi trường Chile, Chủ tịch COP25 Carolina Schmidt thừa nhận: “Đây là Hội nghị khí hậu dài nhất trong lịch sử và tôi muốn cảm ơn các bạn vì đã đặt trái tim và nỗ lực vào việc tìm kiếm thỏa thuận với tất cả các bên. Thật đáng buồn khi chúng ta không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, song tôi cũng xin cảm ơn tất cả các bạn vì những nỗ lực thời gian qua”.
Tuyên bố của hội nghị chỉ dừng ở sự công nhận "nhu cầu cấp thiết" đối với những cam kết cắt giảm khí carbon mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khí thải hiện tại với các mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất dưới 2 độ C.
Các cuộc đàm phán kéo dài thêm 2 ngày qua tại Madrid được xem là cuộc thử nghiệm ý chí tập thể của chính phủ các nước với lời khuyên của các nhà khoa học về việc cắt giảm khí thải nhà kính nhanh hơn để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng lên.
Tuy nhiên, việc nhiều nước lớn như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia chống lại áp lực phải tăng cường các nỗ lực chống lại hiện tượng Trái Đất ấm dần lên, khiến các nước nhỏ hơn và các nhà hoạt động môi trường chỉ trích.
Bởi lẽ, các nước nhỏ mong muốn chính những nước phát thải nhiều nhất thế giới nói trên cam kết mạnh mẽ hơn về vấn đề cắt giảm khí thải.
Mặc dù đã nỗ lực hoàn tất một bộ quy tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới ngưỡng 2 độ C, và nếu có thể là 1,5 độ C, các quốc gia tham dự COP 25 tại Tây Ban Nha vẫn chưa tìm được tiếng nói chung sau hai tuần thảo luận.
Điểm bất đồng mấu chốt là cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý các thị trường carbon.
Bên cạnh đó, các bên chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu.
Việc các nước chưa thể hoàn thành việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại COP 25 lần này đồng nghĩa với việc mọi vấn đề còn dang dở sẽ được tiếp tục thảo luận và giải quyết tại COP 26, dự kiến diễn ra tại Glasgow, Anh vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Mahamed Adow, Giám đốc Power Shift - một tổ chức chống biến đổi khí hậu, hy vọng về sự sống của Hiệp định Paris ngày càng mong manh khi "nhịp đập của trái tim Hiệp định Paris đang yếu dần đi"