Từ Hy Viên nổi tiếng với các tác phẩm "Vườn sao băng", "Xin đừng gác máy". Ảnh: Next Apple. |
Sáng 3/2, truyền thông Đài Loan đưa tin Từ Hy Viên qua đời trong chuyến Du lịch Nhật Bản cùng gia đình. Trưa cùng ngày, người đại diện của cô đã xác nhận thông tin này. Em gái của Từ Hy Viên cho biết nữ diễn viên qua đời do mắc bệnh cúm và viêm phổi. Thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng, với nhiều lời chia buồn cho sự ra đi của một diễn viên tài năng.
Dù là căn bệnh quen thuộc, tuy nhiên, cảm cúm vẫn thường bị xem nhẹ, dẫn đến những hậu quả đau lòng, như trường hợp của Từ Hy Viên. Đặc biệt, Nhật Bản - nơi nữ diễn viên 49 tuổi đã có chuyến đi đầu năm cùng gia đình cũng đang trong bối cảnh dịch cúm diễn biến phức tạp.
Vào nửa đầu tháng 1, các chuyên gia y tế tại Nhật đã thông báo về mức độ nghiêm trọng của dịch cúm, khi số bệnh nhân trung bình hàng tuần tại các cơ sở y tế đã đạt mức kỷ lục. Cụ thể, trong tuần cuối năm 2024 và đầu năm 2025, hơn 300.000 ca nhiễm cúm đã được ghi nhận tại 5.000 cơ sở y tế trên toàn quốc, theo thông tin từ trang NHK.
Hình ảnh virus cúm loại A. Ảnh: Viện truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản. |
Hàng triệu người nhiễm cúm hàng năm
Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp, với các triệu chứng phổ biến như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho, trong đó ho thường nặng và kéo dài. Bệnh cũng có thể kèm theo các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ em.
Virus cúm có 4 chủng chính: A, B, C và D. Cúm A và B thường gặp ở người, trong khi cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng. Cúm D ảnh hưởng chủ yếu đến gia súc và không gây bệnh ở người.
Cúm Nhật Bản là một nhánh của cúm B, chỉ ảnh hưởng đến người. Triệu chứng của bệnh tương tự các loại cúm khác, bao gồm sốt cao, ho, hắt hơi, sổ mũi, và đôi khi kèm theo đau nhức cơ thể, mệt mỏi và kiệt sức. Cúm Nhật Bản dễ lây lan ở trẻ em do hệ miễn dịch của trẻ tiết ra nhiều virus hơn. Bên cạnh đó, trẻ em cũng thường có thói quen rửa tay và giữ vệ sinh cá nhân chưa kỹ lưỡng.
Tỷ lệ tấn công của bệnh cúm dao động từ 5-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em. Trong các đợt dịch cúm hàng năm, khoảng 5-15% dân số có thể bị nhiễm virus gây bệnh đường hô hấp trên. Mặc dù hầu hết ca bệnh diễn ra nhẹ, những trường hợp nặng và tử vong thường xảy ra chủ yếu ở các nhóm người có nguy cơ cao như người cao tuổi và những người mắc bệnh mạn tính.
Các đợt dịch cúm toàn cầu hàng năm thường làm 3-5 triệu người mắc bệnh nặng, và khoảng 250.000-600.000 người chết do cúm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ năm 2022, bệnh cúm đã gây ra 5.944 ca tử vong, với tỷ lệ tử vong là 1,8 trên 100.000 dân. Mặc dù con số này không cao so với nhiều nguyên nhân tử vong khác, cúm vẫn đứng ở vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ, với tổng số 47.052 ca.
Vì sao cúm có thể dẫn đến tử vong?
Hầu hết người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn sau khi hết sốt và các triệu chứng cúm trong vòng một tuần mà không cần phải điều trị y tế. Tuy nhiên, cúm mùa có thể dẫn đến bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt là đối với các nhóm người có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và những người mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Điều này là do cảm cúm có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm cơ và mô mềm, suy hô hấp... Trong đó, viêm phổi (do virus cúm hoặc vi khuẩn thứ phát) là một trong những biến chứng thường gặp.
Viêm phổi là biến chứng thường gặp của bệnh cảm cúm. Ảnh: Freepik. |
Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH) Mỹ, khi bị cúm, virus tấn công niêm mạc đường hô hấp, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào phổi. Viêm phổi có thể xuất hiện dưới dạng viêm phổi cúm nguyên phát (do virus cúm gây ra), viêm phổi hỗn hợp (do cả virus và vi khuẩn), hoặc viêm phổi do vi khuẩn thứ phát, có thể phát triển từ vài ngày đến một tuần sau khi bệnh cúm khởi phát.
Viêm phổi thứ phát do vi khuẩn thường xảy ra sau khi hệ miễn dịch bị suy yếu do cúm, tạo điều kiện cho vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae hoặc Staphylococcus aureus tấn công phổi. Dù có các dạng khác nhau, các loại viêm phổi này có triệu chứng lâm sàng tương tự nhau và đều có thể gây tử vong, góp phần vào tỷ lệ tử vong cao do cúm.
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) khuyến cáo để phòng ngừa và kiểm soát viêm phổi, người dân, nhất là với trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch nên tiêm phòng cúm hàng năm, vaccine phế cầu một lần trong đời để giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng.
Vị chuyên gia nhấn mạnh những người có bệnh nền cần tuân thủ điều trị định kỳ, tránh tự ý dùng thuốc, đặc biệt là corticoid vì có thể làm suy giảm miễn dịch.
Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm như giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang nơi đông người, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Khi có dấu hiệu như sốt cao, ho kéo dài hoặc khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Trong cuốn sách Khoa học tâm thức, Carl Jung mổ xẻ một số lĩnh vực quan trọng và gây tranh cãi nhất trong tâm lý học phân tích: Phân tích giấc mơ, vô thức nguyên thủy và mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo. Ông cũng xem xét những khác biệt giữa lý thuyết của mình và của Freud, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của phân tâm học.