Cha mẹ làm gì khi trẻ nôn và đau bụng

Lê Văn Đảm
Trong một số trường hợp, đau bụng và nôn ói là các dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh nguy hiểm cần phải được can thiệp khẩn cấp.

Đau bụng và nôn ói có thể là biểu hiện của việc trẻ bị nhiễm khuẩn hoặc virus gây bệnh đường tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock.

Trẻ bị đau bụng có thể do nhiễm khuẩn hoặc virus gây bệnh đường tiêu hóa như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus... Một số nguyên nhân khác có thể gây đau bụng ở trẻ là ăn uống quá độ, ngộ độc thức ăn hoặc gặp các vấn đề cấp cứu như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột…

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu phát hiện con nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, phụ huynh cần giữ bình tĩnh, không nên vội vàng cho con uống thuốc giảm đau, cầm nôn hay tiêu chảy.

Những việc này có thể sẽ làm mất triệu chứng bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị cũng như kéo dài thời gian mắc bệnh của trẻ.

Thay vào đó, PGS Việt Hà gợi ý phụ huynh nên làm theo những lưu ý sau:

- Khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho con nằm nghỉ. Trẻ cần được theo dõi sát để phát hiện ra những dấu hiệu bất thường.

- Cha mẹ tuyệt đối không cho bé sử dụng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.

- Trẻ nên được cho uống nước đủ, tốt nhất là dung dịch bù bước và điện giải (oresol), để tránh bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều.

Thị trường có nhiều chế phẩm (viên, gói bột) để pha dung dịch Oresol, cha mẹ cần pha đúng theo hướng dẫn, không cho con uống một lúc quá nhiều mà nên kiên nhẫn chi bé uống từ từ từng ngụm nhỏ, khoảng 50-100 ml oresol sau mỗi lần trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy.

Nếu trẻ đã được uống oresol theo nguyên tắc trên nhưng vẫn tình trạng không cải thiện, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch.

Khi thấy con tiêu chảy và nôn nhiều, cha mẹ không tự sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy. Nôn và tiêu chảy là một hoạt động bảo vệ cơ thể để tống các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể.

Sử dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhu động ruột, giảm hấp thu và kéo dài thời gian mắc bệnh của trẻ.

Trong thời gian mắc bệnh, bé nên được cho ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Trẻ có thể trở lại chế độ ăn bình thường và nhiều hơn khi hồi phục. Nếu không có hiện tượng nôn trớ 12-24 giờ, bé có thể được ăn uống lại bình thường nhưng cần uống nhiều nước.

Nếu con có biểu hiện sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ có thể cho bé uống các thuốc hạ sốt thông thường; Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, cha mẹ nên chú ý phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình và người xung quanh bằng cách rửa tay với nước và xà phòng sau khi thay bỉm, quần áo cho con, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ bệnh nghỉ học giúp hạn chế lây lan.

Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Tri thức trực tuyến giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.

Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.