Đề xuất được GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, đưa ra tại Hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, ngày 6/8 tại Hà Nội. Đây là dịp để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng các chính sách về dân số.
Theo GS Nhân, công tác dân số hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức như một số vấn đề thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục giảm.
Nguyên nhân của mức sinh giảm là do Xu hướng kết hôn muộn, nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn. Như tại TP HCM, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4, mức kỷ lục tại Việt Nam, góp phần tạo nên mức sinh thấp và đẩy nhanh già hóa dân số. Lý do kết hôn muộn hoặc không kết hôn là họ bận rộn công việc, gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do. Ngoài ra, người trẻ không mặn mà kết hôn còn do ảnh hưởng từ các câu chuyện gia đình đổ vỡ, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng...
"Nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, Xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu hơn và duy trì lâu dài", GS Nhân nói và đề xuất nhiều chính sách, giải pháp để khuyến sinh.
Ông đề xuất thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư. Thực tế, nhiều người lao động làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày, không có thời gian quan hệ bạn bè, chăm sóc gia đình...
Bộ luật Lao động hiện quy định người làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 tiếng mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp (khu vực tư nhân) thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Hồi tháng 5/2024, Công đoàn cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm giờ làm trong tuần của lao động khu vực tư nhân từ 48 xuống 44, tiến tới 40 giờ.
Trong khi đó, giờ làm khu vực nhà nước 40 tiếng mỗi tuần, 8 tiếng mỗi ngày được điều chỉnh bởi Quyết định 188/1999 của Thủ tướng.