Chiều Giáng sinh tại ga metro Thủ Đức, anh Tùng loay hoay gấp chiếc xe đạp của mình thành ba phần gọn gàng. Trong trạng thái gấp, chiếc xe chỉ to bằng một chiếc vali Du lịch, nặng khoảng 10kg. Xách xe bên hông, anh bước lên cầu thang dẫn vào nhà ga.
Cấm xe đạp gấp lên metro số 1 "vì khách quá đông"
Sau khi tuyến metro số 1 TPHCM chính thức khai trương, anh Tùng cùng nhiều hành khách khác kỳ vọng sự kết hợp giữa xe đạp gấp và tàu điện sẽ tạo ra một giải pháp di chuyển lý tưởng. Tuy nhiên, kỳ vọng của anh nhanh chóng bị dội một gáo nước lạnh: Metro không cho phép mang xe đạp gấp lên tàu.
Trước đó, anh Tùng đã di chuyển từ ga Thảo Điền đến ga Thủ Đức, mang theo chiếc xe đạp gấp của mình. Trong suốt chuyến đi, anh đánh giá việc mang xe đạp qua cửa soát vé, sử dụng thang cuốn và đặt gọn trong khoang tàu hoàn toàn thuận tiện, không gây cản trở hay bất tiện cho hành khách khác.
Tuy nhiên, trên đường quay lại ga Thảo Điền, anh bất ngờ bị từ chối mang xe lên tàu. Nhân viên nhà ga giải thích rằng nội quy cấm mang phương tiện cá nhân, bao gồm cả xe đạp gấp, lên tàu. Điều này khiến anh ngạc nhiên vì rõ ràng trước đó anh đã được phép di chuyển với chiếc xe này mà không gặp vấn đề gì.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM (HURC1) cho biết việc cấm mang xe đạp gấp lên tàu xuất phát từ thực tế lượng hành khách đang quá tải.
"Mỗi chuyến tàu có sức chứa khoảng 900 người, từ hôm khai trương đến nay chuyến nào cũng gần đầy. Ngày đầu chúng tôi phục vụ 150.000 lượt khách, đến hôm Giáng sinh cũng tầm 90.000 lượt. Giờ mà cho hành khách mang xe đạp gấp lên tàu thì phức tạp lắm", vị đại diện HURC1 chia sẻ.
Khi được hỏi về thời gian áp dụng quy định này, đại diện HURC1 chưa đưa ra mốc cụ thể mà chỉ khẳng định sẽ tiếp nhận ý kiến phản hồi từ hành khách để cân nhắc điều chỉnh trong tương lai.
Trước đó, Hà Nội đã triển khai thành công việc cho phép mang xe đạp gấp lên tàu điện trên các tuyến vận hành. Tại nhiều đô thị lớn trên thế giới như New York, Tokyo hay Sydney, hành khách được phép mang xe đạp gấp lên tàu với điều kiện xe phải được gấp gọn và cất trong túi chuyên dụng. Một số tuyến metro thậm chí còn thiết kế riêng khoang tàu dành cho xe đạp.
Dù là một giải pháp được ưa chuộng ở nhiều nơi, tại TP.HCM, sự kết hợp giữa xe đạp gấp và metro vẫn phải chờ thêm thời gian để phù hợp hơn với tình hình vận hành thực tế.
Cần thay đổi linh hoạt trong quy định
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Hồ Anh Cương, giảng viên cao cấp tại Đại học Giao thông Vận tải, nhấn mạnh rằng để đánh giá việc mang xe đạp gấp lên tàu Metro số 1 có phù hợp hay không, cần xem xét kỹ tiêu chuẩn thiết kế và các quy định từ chủ đầu tư công trình.
"Nếu chủ đầu tư nêu rõ không được mang xe đạp gấp lên tàu thì đơn vị vận hành hay người dân đều phải chấp nhận, không bàn cãi nhiều", PGS Hồ Anh Cương chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu vấn đề này không được chủ đầu tư quy định rõ ràng, quyền quyết định sẽ thuộc về HURC1, đơn vị vận hành tuyến metro.
PGS Hồ Anh Cương bày tỏ sự đồng cảm với HURC1, bởi tuyến Metro số 1 là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam, với những tiêu chuẩn khắt khe về phòng chống cháy nổ và thoát hiểm trong đường hầm, khác biệt lớn so với hệ thống đường sắt trên cao như tuyến Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội.
Dù vậy, ông cũng chỉ ra rằng, việc cho phép mang xe đạp gấp lên tàu có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể và rất cần được cân nhắc.
PGS Cương giải thích, không phải mọi nhà dân đều ở gần ga tàu, và việc di chuyển vài trăm mét để đến nhà ga có thể dễ dàng, nhưng khoảng cách từ 1-2km lại phù hợp hơn để sử dụng xe đạp làm phương tiện trung chuyển.
Trở lại với trường hợp của anh Tùng, nhân vật đã được đề cập trước đó. Anh Tùng sống tại phường Thảo Điền, cách ga metro Thảo Điền khoảng 1,2km. “Đi bộ quãng đường này khá xa, còn đi xe buýt thì mất thời gian vì phải vòng vèo,” anh chia sẻ.
Từ kinh nghiệm thực tế trong 2 năm sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông, PGS Cương nhận thấy nhiều hành khách đã chọn xe đạp gấp hoặc scooter làm phương tiện trung chuyển cá nhân. Những phương tiện nhỏ gọn này không chỉ dễ dàng mang theo lên tàu mà còn tiếp tục sử dụng được sau khi xuống ga. Ngược lại, với xe máy hoặc xe đạp thông thường, hành khách phải gửi tại bãi giữ xe, gây thêm bất tiện.
Vì vậy, PGS Hồ Anh Cương cho rằng HURC1 nên xem xét áp dụng các giải pháp linh hoạt, cho phép hành khách mang xe đạp gấp lên tàu trong tương lai, thay vì cấm triệt để. Điều này không chỉ giúp khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho những hành khách cần kết hợp phương tiện cá nhân trong hành trình của họ. Việc cấm xe đạp gấp có thể cần thiết trong giai đoạn đầu vận hành để đảm bảo an toàn và kiểm soát hành khách, nhưng nên sớm được xem xét lại khi hệ thống ổn định hơn.