“Em có lướt Facebook và thấy trang đấy, em vào xem thấy khá hay, khi đến đây từ khâu an ninh đến mời khách rất đầu tư, ấn tượng nhất là thiết bị công nghệ, rất tiện lợi”. “Khi đến nhà tù Hỏa Lò, mỗi người được đóng dấu chữ "đồng song", kỷ niệm là mình đã từng đặt chân đến đây rồi”. “Lần trước em cũng lên đây tham quan với bạn và ấn tượng nên đi lần nữa”.
Để trang chủ "Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic" có số lượng người theo dõi hơn 268.000, đội ngũ truyền thông của di tích đã có nhiều sáng tạo trong hình thức thể hiện như lồng ghép câu đố hóm hỉnh, lời bài hát, hình ảnh minh hoạ… với thông tin gắn liền với lịch sử tưởng chừng "khô khan". Qua nền tảng mạng xã hội, di tích đã thu hút đông đảo các bạn trẻ đến tham quan.
Đặc biệt từ năm 2019, Nhà tù Hoả Lò triển khai hệ thống thuyết minh tự động để phục vụ du khách. Với thiết bị này, du khách có thể tự trải nghiệm 35 câu chuyện lịch sử qua chính lời kể của những người tù chính trị về cuộc sống khó khăn trong tù...
Bạn Hoàng Hương Giang, sinh viên trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho biết: “Ưu điểm ở đây là có tai nghe riêng, mỗi người có thể có khoảng không gian riêng để tự mình nghiền ngẫm lịch sử và những sự kiện xảy ra ở đây. Ngoài ra, em còn thấy không gian khá chân thực, tạo cảm giác mình đã từng sống ở đây, trải qua rất nhiều những khó khăn ở đây”.
Bạn Lại Thị Thanh Xuyến, Hải Phòng bày tỏ: "Tôi thấy sử dụng tai nghe tự động rất hữu ích. Khách du lịch muốn tìm hiểu về địa điểm, số nào đấy thì mình ấn xong mình nghe rất tường tận, mình chưa nghe rõ thì có thể ấn lại hoặc đi xem lại, có thể tìm hiểu từng chi tiết một trong nhà tù hỏa lò này".
Du khách cũng có thể tham quan di tích nhà tù Hỏa Lò trên hai nền tảng Spotify và Apple Podcasts. Tại đây, 3 chương trình trưng bày trực tuyến mang tên "Thắp lửa yêu thương", "Sắt – Son", "Lời thề quyết tử" được truyền tải qua giọng đọc cảm xúc khiến khán, thính giả dễ dàng tiếp cận câu chuyện lịch sử hơn.
Song song với các cách thức sáng tạo trên nền tảng số, di tích Nhà tù Hoả Lò còn giới thiệu các trưng bày theo chủ đề nhằm giúp công chúng có góc nhìn chi tiết trong từng giai đoạn đấu tranh của tổ quốc. Vào tháng 7 vừa qua, di tích đã trưng bày chuyên đề “Mầm xanh trên đá” giới thiệu phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên và Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt chống thực dân Pháp. Bên cạnh những hoạt cảnh tái hiện không khí đấu tranh quyết liệt của học sinh, sinh viên thời ấy, trưng bày còn mang đến những câu chuyện chân thức qua lời kể của các nhân chứng sống.
Ông Đỗ Quang Trung, Đội viên đội quân báo Thiếu niên Bát Sắt và ông Trần Huy Tuấn, cựu chiến binh bày tỏ: “Tôi đi học, tham gia kháng chiến rồi đi in tài liệu, in báo, in tờ đơn in truyền đơn. Cái nhà này, chân gác có cái tần trần, giấu máy in trong đó, nhà hai mặt phố, 54 Triệu Việt Vương”.
"Cuộc chiến tranh thời kỳ chống pháp đến thời kỳ chống Mỹ, đến ngày hôm nay bao nhiêu con người đã hy sinh, bao nhiêu đồng đội của chúng tôi vẫn còn mất tích, chưa tìm thấy và chúng tôi là những người còn sống, là những con người vẫn thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước để phát huy truyền thống, như bác Nguyễn Văn Lịch nói "Sống trong tù kiên trung bất khuất, sống ngoài đời tình nghĩa thuỷ chung".
Hoạt động tham quan hiện vật lịch sử, xem hoạt cảnh tái hiện khung cảnh đấu tranh quyết liệt của các chiến sỹ cách mạng và lắng nghe câu chuyện của những nhân chứng sống đã mang đến nhiều dấu ấn khó phai trong lòng du khách trong và ngoài nước: “Di tích nhà tù Hoả Lò là địa điểm có sức hút rất lớn, tôi đi cùng con gái và lần tham quan này giúp chúng tôi hiểu về quá khứ và rút ra bài học trong tương lai".
Anh Trần Việt Dũng, hướng dẫn viên du lịch công ty EXO Travel cho biết: “Hỏa Lò phản ánh chân thực về lịch sử, cho cả góc nhìn của người dân, góc nhìn của những người đã đi qua cuộc chiến và góc nhìn của cả những người ở mặt đối lập với chúng ta trong thời kỳ cuộc chiến và góc nhìn cho cả những người sau này nhìn về cuộc chiến”.
Anh Lê Ngọc Hà, Hoài Đức, Hà Nội bày tỏ: “Mình nghĩ đây là hình thức rất mới, sáng tạo, du khách dễ hiểu, dễ nhận biết, hồi tưởng lại những khó khăn khổ cực của các cụ ngày xưa nay. Hôm nay có cơ hội cho con trải nghiệm và đồng thời kể lại sự hiểu biết của mình về lịch sử về thời cuộc cha ông ta ngày xưa trong chiến tranh, khổ đau như thế nào để các cháu hiểu biết, nắm bắt, các cháu xem rất bất ngờ và xúc động về sự khổ cực của các cụ ngày xưa".
Không chỉ tạo nên điểm nhấn từ các tour “Đêm thiêng liêng” tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt trong Nhà tù Hỏa Lò, di tích còn thành công khi sáng tạo các hình thức thể hiện trên môi trường số và ngay tại không gian trưng bày hiện vật. Theo đại diện Ban quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò, số lượng du khách đăng ký tham quan các tour đêm lúc nào cũng kín chỗ. Mỗi ngày di tích đón trung bình hơn 2000 lượt khách trong nước và quốc tế. Cho thấy, di tích Nhà tù Hỏa Lò đã thành công trong việc 'kéo' lịch sử gần hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Thủy Tiên