Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) làm Chủ tịch hội đồng. Uỷ viên hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông Vận tải; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Công thương... Ngoài ra còn có đại diện Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo 20 tỉnh, thành nơi tuyến đường sắt đi qua.
Theo đó, kết luận thẩm định dự án quan trọng quốc gia của hội đồng trước khi trình Chính phủ phải được ít nhất 2/3 thành viên thông qua.
Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong và ngoài nước để bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án; được sử dụng con dấu và tài khoản của Bộ Kế hoạch Đầu tư và giải thể sau khi hoàn thành công việc.
Theo quy trình, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải trình Hội đồng thẩm định Nhà nước và các cấp có thẩm quyền xem xét trước khi Chính phủ báo cáo dự án với Quốc hội. Từ năm 2010, dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình đã không được Quốc hội thông qua.
Liên quan đến dự án đường sát tốc độ cao Bắc Nam, Báo cáo của Bộ KH-ĐT đã cho rằng, qua nghiên cứu và kinh nghiệm trên thế giới, thì chi phí đầu tư xây dựng đường sắt có tốc độ 200 km/h thấp hơn khoảng 10% chi phí đầu tư đường sắt có tốc độ 350 km/h. Chi phí đầu tư phương tiện thiết bị chênh lệch từ 9% - 26%.
"Các chuyên gia cho rằng, việc đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải đầu tư tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h với tổng mức đầu tư 58,71 tỷ USD, sẽ có nhiều rủi ro, tác động xấu đến nguồn vốn đầu tư phát triển", báo cáo gửi Thủ tướng của Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.
Cụ thể, có nguy cơ phải đình hoãn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông khác để tạo mọi nguồn lực cho đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong thời gian 30 năm hoặc còn lâu hơn nữa. Ngoài ra, do Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để triển khai một tuyến đường sắt tốc độ cao nên sẽ mất chủ động, bị lệ thuộc công nghệ nước khác, không bảo vệ được quyền lợi và khả năng tự chủ của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, đề xuất của Bộ GTVT xây dựng con đường sắt cao tốc 58,71 tỷ USD chủ yếu là chở khách hàng, không chở hàng, nếu vậy thì giảm đi 2/3 hiệu quả kinh tế.
Cũng theo tiến sĩ Lan, nếu làm đường sắt cao tốc như kiểu Shinkasen của Nhật, giá vé sẽ cao ngất ngưởng, giá vé sẽ đắt hơn máy bay giá rẻ nhiều, sự cạnh tranh của máy bay giá rẻ khiến giá vé rẻ, tốc độ di chuyển nhanh có thể khiến chúng ta bỏ một đống tiền vào đường sắt nhưng mang nợ.
Trao đổi với báo chí, GS Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đồng tình với quan điểm của Bộ KH-ĐT.
Các bộ ngành nên tuân thủ quyết định trước đây của Thủ tướng là đầu tư đường sắt tốc độ cao ở dải khai thác 160-200 km/h để chở hàng và chở khách. Nếu làm đường sắt cao tốc (350 km/h) thì chi phí sẽ rất lớn, gây gánh nặng cho nền kinh tế. Hiện Nhà nước đầu tư cho ngành giao thông hơn một tỷ USD mỗi năm, nếu tổng mức đầu tư của dự án là 58 tỷ USD, dự kiến tiến hành trong 30 năm, thì mỗi năm Việt Nam cần gần 2 tỷ USD đầu tư dành cho dự án đường sắt cao tốc. Không lẽ Việt Nam phải đình hoãn nhiều dự án giao thông khác để nhường lại nguồn lực cho đường sắt cao tốc, GS Lã Ngọc Khuê chia sẻ.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 320km/h: 'Quá dư thừa và lãng phí'?Theo Bộ KH-ĐT, đề xuất đầu tư tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h với tổng mức đầu tư 58,71 tỷ USD của Bộ GTVT sẽ có nhiều rủi ro, tác động xấu đến nguồn vốn đầu tư phát triển |