Sáng ngày 15/5, Hội Bảo Vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thịt lợn – Bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng”. Tại hội thảo PGS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, giá heo hơi tăng không chỉ người tiêu dùng mà chính người chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi cũng chịu tác động tiêu cực.
Hai nguy cơ lớn với người chăn nuôi
PGS.TS Hoàng Văn Cường phân tích, thịt lợn là sản phẩm được coi là hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân, vì thế nó trở thành ngành sản xuất phổ biến, truyền thống từ lâu, chiểm tỷ trọng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.
“Giá heo hơi do quan hệ cung – cầu, thời gian vừa qua giá heo hơi tăng rõ ràng do nguồn cung, còn nhu cầu không có biến động. Đặc biệt trong thời gian vừa qua dịch bệnh Covid-19 nên thị trường xuất khẩu không có.
Vấn đề đầu tiên cần quan tâm đến, việc giá thịt lợn tăng như hiện nay tác động thế nào đến nguồn cung? Liệu rằng chúng ta để giá lợn hơi cao như hiện nay có tốt cho ngành chăn nuôi?”, PGS.TS Hoàng Văn Cường đặt vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, trong bối cảnh giá heo hơi tăng có thể một bộ phận nào đó người chăn nuôi được hưởng lợi trước mắt. Tuy nhiên điều này tạo ra nguy cơ rất lớn với người chăn nuôi trong tương lai.
Nguy cơ nhìn thấy ngay là giá thành chăn nuôi hiện nay chắc chắn sẽ cao hơn ở thời điểm giá lợn hơi được bình ổn.
Điển hình đầu vào giá lợn giống tăng lên từ 2,5 đến 3 triệu đồng, trong khi giá thông thường 800 nghìn đến 1 triệu đồng/con, cùng với đó các dịch vụ theo kèm trong chăn nuôi như dịch vụ thú y, thức ăn sẽ tăng. Đương nhiên người chăn nuôi sẽ phải chịu chi phí đầu vào tăng. Người chăn nuôi thông tin giai đoạn giá lợn bình ổn giá thành sản xuất vào khoảng 35.000 – 40.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên đến 40.000 – 50.000 con.
“Khi chi phí đầu vào tăng, trong chu kỳ chăn nuôi 4-6 tháng nữa thì những người chăn nuôi tái đàn hôm nay phải chịu giá thành đầu vào cao, nhưng chúng ta kỳ vọng giá heo hơi 5-6 tháng nữa vẫn duy trì như hiện nay hay là giảm? Rõ ràng chúng ta không mong muốn giá lợn duy trì như hiện nay mà muốn kéo giảm xuống.
Như vây, vô hình chung nếu không cẩn trọng một số người chăn nuôi hiện nay đang lao vào việc tái đàn có thể sẽ gặp rủi ro. Những rủi ro này sẽ thuộc về hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, họ không nắm được thông tin, chạy đua tái đàn trong điều kiện đầu vào tăng. Chính vì vậy tác động đầu tiên giá heo hơi tăng chính từ người sản xuất. Thực tế này đặt ra vai trò thông tin, định hướng của Cục Chăn nuôi”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường chỉ rõ nguy cơ.
Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Luật Chăn nuôi 2019 có hiệu lực từ tháng 1/2020 có quy định người chăn nuôi lợn từ 5 con trở lên phải kê khai thông tin. Nếu như chúng ta nắm được thông tin đó sẽ biết được tổng đàn lợn chính xác đang có bao nhiêu con. Làm rõ công bố thông tin này được sẽ nắm được việc có hay không hiện tượng găm hàng đẩy giá lên hay không?
Hiện nay theo công bố Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay tổng đàn lợn khoảng 25 triệu con, so với nhu cầu cần đáp ứng trong nước từ 28 – 30 triệu con.
Rõ ràng nhìn vào đàn lợn gần như chúng ta cân bằng được nhu cầu trong nước, như vậy nếu các hộ ồ ạt tái đàn thêm khoảng 5-6 triệu con nữa giá heo hơi sẽ giảm, trong khi đầu vào hiện nay tăng, người chăn nuôi nguy cơ thua lỗ.
Thứ hai, trong bối cảnh giá heo hơi tăng, để giảm giá bán phải tăng nhập khẩu thịt heo từ các nước. Đây chính là nguy cơ với ngành chăn nuôi.
Khi thói quen tiêu dùng thay đổi, người tiêu dùng thích sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đồng nghĩa ngành chăn nuôi có nguy cơ “thua” ngay sân nhà.
Cần kiểm soát khâu trung gian
Cũng theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, sự bất ổn giá heo hơi trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù giá heo hơi giảm sâu hay tăng mạnh người tiêu dùng luôn chịu thiệt. Người tiêu dùng hầu như không được hưởng, người sản xuất trực tiếp cũng không phải được hưởng. Vậy ở đây khâu nào hưởng lợi, rõ ràng là khâu trung gian.
Khâu trung gian ở đây chính là người sản xuất chăn nuôi lớn, người sản xuất gom lại cho các đại lý. Cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ bán cho cơ sở chăn nuôi lởn, cơ sở chăn nuôi lớn bán cho đại lý cấp 1, đại lý cấp 1 bán cho cấp 2, cấp 3, sau đó bán cho lò mổ, lò mổ bán cho nhà phân phối cấp 1 sau đó mới đến cấp 2 và các kênh phân phối lẻ...Chính nhiều khâu trung gian đó khiến giá heo hơi tăng. Chính vì khâu trung gian này dẫn đến khi giá heo hơi giảm nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao. Do đó cần kiểm soát ngay khâu trung gian.
Theo số liệu do Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT công bố, 2 tháng đầu năm xuất khẩu thịt heo đạt 7,4 triệu USD. Hết tháng 2 Việt Nam nhập 13,8 nghìn tấn thịt heo. Ngày 6/4 Cục Thú y công bố lượng thịt heo nhập khẩu lên 46,4 nghìn tấn.