Trong thời đại kỹ thuật số, khi thông tin tràn ngập chỉ với một cú chạm, bạn có bao giờ cảm thấy khả năng tập trung hay suy nghĩ sâu sắc của mình đang dần mai một? Thuật ngữ “thối não” (brain rot) vừa được Từ điển Oxford vinh danh là Từ của năm 2024, đánh dấu một hồi chuông cảnh tỉnh về tác động tiêu cực của việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trực tuyến. Đây không chỉ là một trào lưu ngôn ngữ, mà còn phản ánh một vấn đề nghiêm trọng mà Xã hội hiện đại đang phải đối mặt. Vậy, “brain rot - thối não” thực sự là gì? Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn qua bài viết dưới đây.
"Brain rot - Thối não" là gì?
Trang thông tin của Đại học Oxford định nghĩa "brain rot" là “sự suy giảm trạng thái tinh thần hoặc trí tuệ của một người, đặc biệt được xem là kết quả của việc tiêu thụ quá mức các nội dung (hiện nay chủ yếu là nội dung trực tuyến) tầm thường hoặc không mang tính thử thách".
Các chuyên gia nhận định rằng, "brain rot - thối não" dùng để chỉ mối quan ngại về tác động của việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trực tuyến chất lượng thấp, đặc biệt là trên phương tiện truyền thông xã hội.
Nguồn gốc thuật ngữ "brain rot - thối não"
"Brain rot" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1854 trong cuốn sách Walden (Tạm dịch: Một mình sống trong rừng) của Henry David Thoreau. Trong đó, ông đã kể lại những trải nghiệm của bản thân khi sống giản dị giữa thế giới tự nhiên. Từ "brain rot" được nhà văn sử dụng để chỉ trích sự đơn giản hóa tư duy và sự suy giảm trí tuệ mà ông nhận thấy trong xã hội.
Qua tìm hiểu, thuật ngữ này đã được sử dụng trên mạng từ năm 2004, và bắt đầu phổ biến vào năm 2023 khi được chế thành nhiều meme khác nhau.
Thống kê cho thấy, tần suất sử dụng "brain rot" trong năm 2024 đã tăng vọt 230% so với năm trước.
Tại sao "brain rot - thối não" trở thành từ của năm 2024?
Hằng năm, Oxford chọn ra Từ của năm dựa trên các từ phản ánh Xu hướng xã hội, văn hóa hoặc chính trị nổi bật. Việc này được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa kết quả bình chọn công khai cùng phân tích ngôn ngữ do các nhà ngôn ngữ học ở Oxford thực hiện.
Năm nay, "brain rot" đã đánh bại 5 đối thủ khác với 37.000 phiếu bầu, bao gồm demure (khiêm tốn), slop (lôi thôi hoặc người cẩu thả), dynamic pricing (định giá năng động), romantasy (kết hợp giữa lãng mạn và kỳ ảo), và lore (thông tin nền về ai đó).
Được Gen Z và thế hệ Alpha sử dụng phổ biến nhất trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, "brain rot" dùng để chỉ trạng thái mệt mỏi do ảnh hưởng của việc dopamine bị kích thích quá mức khi lướt mạng xã hội.
Ông Casper Grathwohl, chủ tịch Oxford Languages, cho biết: "Brain rot nói lên một trong những mối nguy hiểm được nhận thức của cuộc sống ảo và cách chúng ta sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình. Nó giống như một chương tiếp theo trong cuộc trò chuyện văn hóa về nhân loại và Công nghệ. Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người chấp nhận thuật ngữ này, ủng hộ nó trở thành từ của năm nay".
Bên cạnh Từ điển Oxford, vào ngày 1/11 vừa qua, từ điển Collins đã chọn "brat" - tên một album của nữ ca sĩ Charli XCX - là Từ của năm 2024. Theo đó, "brat" có nghĩa là "đứa trẻ hư", nay mang thêm ý nghĩa tượng trưng cho "thái độ sống tự tin, độc lập và hưởng thụ".
Vào ngày 20/11, Từ điển Cambridge đã công bố từ đại diện cho năm 2024 là manifest (biểu minh), nghĩa là sử dụng các phương pháp "mường tượng và tuyên ngôn với bản thân để giúp ta hình dung ra điều ta muốn đạt được, với niềm tin rằng nó sẽ giúp điều đó dễ xảy ra hơn".
Như vậy, thuật ngữ "brain rot - thối não" là lời cảnh tỉnh về cách con người sử dụng thời gian và tiếp nhận thông tin trong thời đại kỷ nguyên số. Đây là lúc chúng ta cần điều chỉnh lại lối sống; đồng thời tìm kiếm sự cân bằng giữa cuộc sống ảo và đời sống thực, để bảo vệ sức khỏe tinh thần và trí tuệ.