Lắng nghe tâm sự của sản phụ bị liệt nửa người sau khi sinh mổ, không thể cho con bú hay chăm sóc
15:39 21/01/2021
Sản phụ N.T.T.Th gặp biến chứng liệt nửa người sau khi sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản Mêkông di bác sĩ làm trái quy trình, chuyển từ gây mê sang gây tê trong quá trình thực hiện phẫu thuật.
Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao thông tin chia sẻ từ chị N.T.T.Th. (29 tuổi, quê ở Lâm Đồng) bị liệt nửa người sau khi sinh mổ tại bệnh viện Phụ sản Mêkông. Theo đó, vào ngày 02/11/2020, khi tiến hành nhập viện, sản phụ có chỉ định mổ bắt con do thai lớn và bản thân chị cũng bị tiểu đường thai kì, dị ứng thuốc tê cũng như có khung xương chậu bị hẹp. Sau khi hoàn tất các thủ tục, chị Th. được đưa đi nhận phòng lưu trú đồng thời tiếp tục thông báo với nữ hộ sinh khám cho mình về những nội dung trên, nữ hộ sinh cũng đã có dán biểu tượng lưu ý việc dị ứng thuốc tê cho thai phụ. Ngoài ra, thông tin này lại một lần nữa được chị Th. trình bày tại phòng tiền phẫu trước khi bước vào ca mổ.
Bệnh viện Phụ sản Mêkông
Tuy nhiên, theo chồng sản phụ, mặc dù đã được lưu ý về những vấn đề trên rất nhiều lần nhưng bác sĩ H. – người trực tiếp tham gia quá trình mổ bắt con cho chị Th. – vẫn tự ý đổi từ phương án gây mê sang gây tê mà không được sự đồng ý của bệnh nhân cũng như không hề thông báo trước với người nhà. Sự việc này sau đó đã khiến vợ anh H. bị liệt nửa người. Trả lời các câu hỏi của báo giới, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Phụ sản Mêkông là BS. Lê Minh Nguyệt cho rằng đây là một sự cố ngoài ý muốn, bên phía bệnh viện sẽ nhận hết mọi sai sót dẫn đến tình trạng này cũng như cam kết không bỏ rơi bệnh nhân, cố gắng phối hợp với các đơn vị khác để tìm hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Mới đây, một ngày sau khi nhận được những phản hồi từ phía bệnh viện thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, sản phụ Th. đã có những tâm sự với một trang báo mạng. Cụ thể, sản phụ cho biết sau tất cả, sức khỏe của bản thân đã tốt hơn, tâm lý cũng ổn định hơn nhờ sự quan tâm, động viên của tất cả mọi người dành cho mình.
Mong bệnh viện chịu trách nhiệm thực tế chứ không chỉ trên giấy tờ
Sản phụ N.T.T.Th. bị liệt nửa người do sự tắc trách của bệnh viện
Cố gắng ngồi dậy để có thể ôm vào lòng cô con gái hơn 2 tháng tuổi mới được người thân ẵm lại gần, chị Th. đã có những chia sẻ thật lòng về việc bản thân cho rằng bệnh viện Phụ sản Mêkông vẫn chưa thật sự thẳng thắn với những tuyên bố của mình: “Từ qua đến giờ bệnh viện vẫn chưa đến để gặp hay thăm em cả, em cũng không nhận bất cứ phản hồi, liên lạc nào. Chỉ riêng cái đơn tóm tắt bệnh án em đi xin, họ kêu ngày 19 đã có rồi nhưng không đưa đến. Em chỉ muốn bệnh viện trả hồ sơ mà không biết làm cách nào, phải đắn đo lắm em mới đưa những hình ảnh xấu nhất của mình lên mạng để mọi người thấy.”
Về thông tin bệnh viện cung cấp cho báo chí, hồ sơ bệnh án đã được đưa đến nhà của chị Th. nhưng chị không nhận. Tuy nhiên, chị Th cho biết lúc bệnh viện đến, họ đã có những lời nói khiến chị cũng như gia đình cảm thấy vô cùng bức xúc nên chị mới không đồng ý đón tiếp họ chứ không phải chị không muốn nhận lại hồ sợ. Chị cảm thấy những lời nói thừa nhận trách nhiệm hay sẽ nỗ lực hỗ trợ bệnh nhân chỉ là những lời nói suông, được đưa ra để xoa dịu dư luận: “Em suy nghĩ ai cũng có sai lầm cả, rủi ro cũng là điều không ai mong muốn cả, nhưng đến tận bây giờ bác sĩ H. vẫn chưa xin lỗi em hay gia đình em, chỉ có bệnh viện làm điều đó thôi. Ngay cả chuyện đánh giá hàng tuần việc tập vật lý, bệnh viện cũng không gửi cho em luôn. Họ cứ bảo không bỏ bệnh nhân nhưng em cảm thấy là họ đang lơ là bệnh nhân. Việc mua dụng cụ tập hay gì đó, những tin nhắn đều cứ bảo chờ ban lãnh đạo... Em thấy mất niềm tin.”
Ngoài ra, vấn đề tập vật lý trị liệu của chị cũng không được bên phía Bệnh viện Phụ sản Mêkông thể hiện sự quan tâm đúng mức khi thời gian vàng để phục hồi là trong khoảng 6 tháng đầu nhưng hiện tại, chị Th. vẫn cảm thấy vô cùng bức xúc trước thái độ có phần hờ hững của cơ quan này: “Lúc em xuất viện họ nói em tiến triển tốt, nhưng hôm qua họ trả lời báo chí lại nói rằng không biết em phục hồi như thế nào..., em chỉ mong sao mình có thể phục hồi được, bên bệnh viện trả hồ sơ bệnh án để em điều trị bệnh trầm cảm. Đồng thời họ cần phải cho em bản cam kết chi tiết rõ ràng trong việc em tập vật lý trị liệu.”
Sinh con ra mà không thể bồng bế chăm sóc, nỗi đau của bà mẹ luôn canh cánh trong lòng cảm giác có lỗi với con
Chị Th. đau lòng khi không thể tự tay chăm sóc con gái 2 tháng tuổi
Vốn là một người phụ nữ chăm chỉ, biết việc nhưng giờ đây, chỉ vì sự tắc trách của một cá nhân là bác sĩ H. nói riêng cũng như Bệnh viện Phụ sản Mêkông nói chung, chị Th. gần như đã mất tất cả. Bị liệt nửa người, lại gặp vấn đề về vị giác khi chẳng còn cảm nhận được các hương vị chua cay mặn ngọt, chị Th. không thể tự chăm sóc bản thân chứ đừng nói gì đến vỗ về con cái, hoàn cảnh khiến chị luôn cảm thấy đau đớn, dằn vặt: “Bé là con đầu của vợ chồng em, mong rất lâu rồi 2 năm vợ chồng mới có được. Nên lúc chọn bệnh viện đi sinh em tìm hiểu rất kỹ, thấy mọi người đánh giá đây là bệnh viện lớn, chất lượng tốt nên em mới đăng ký vào. Nhưng không ngờ lại xảy ra chuyện như vậy với em...”
Chị Th. bật khóc: “Nhiều lúc em thèm con quá, em dậy rồi kê cái gối xung quanh, đặt tay lên rồi bế con. Em phải nhờ người bỏ bé vô, khi nào mệt thì em la lên cho mọi người ôm con đi, em không có giữ bé được. Em chỉ sợ nhất là việc em cố gắng tập bị mất cảm giác nửa người, em sợ mình té đè vào con. Em cảm thấy có lỗi với con, sinh con ra mà không thể tự tay chăm sóc con, không thể cho con bú, không ôm ấp được con, em đau lòng lắm...”
Kết thúc buổi phỏng vấn, chị Th. thổ lộ nguyện ước lớn nhất ngay lúc này chỉ là mong sao chính mình sẽ luôn giữ được tâm trạng thoải mái, tinh thần vui vẻ cũng như không còn bị những cơn mất ngủ hàng loạt làm phiền để tránh ảnh hưởng đến con cũng như có sự phụ hồi tốt nhất để lo cho bé cũng như chăm sóc gia đình: “Qua sự việc em cảm ơn mọi người rất nhiều, dù không quen biết nhưng tạo cho em niềm tin, động lực để em tiếp tục cố gắng, có một tia hi vọng để sức khỏe mình tốt hơn. Em cảm thấy không còn cô đơn nữa, mong rằng bệnh viện nói được làm được chứ không phải trên giấy tờ, trên báo chí.”