Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ việc phân loại rác tại nguồn

Phân loại rác tại nguồn - một việc làm đơn giản nhưng đem lại lợi ích lớn.

Dù đã được nhắc đến và triển khai thí điểm khá lâu tại nhiều đô thị lớn, nhưng phân loại rác thải vẫn chỉ dừng lại ở việc thí điểm, mang tính phong trào, nhỏ lẻ.

 

Phân loại và xử lý rác tại nguồn mang lại rất nhiều lợi ích, cụ thể:

- Lượng rác sau phân loại giảm đi rõ rệt:

Phân loại rác thải tại nguồn giúp giảm chu kỳ thu gom (7 - 10 ngày mới phải thu gom một lần), giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, tăng hiệu quả vận chuyển.

- Giảm thiểu lượng rác phải xử lý, tăng lượng rác có thể tái chế:

Sau khi phân loại, các công ty rác thải chủ yếu chỉ phải xử lý rác thải vô cơ không thể tái chế. Rác hữu cơ có thể phân hủy sau 1 thời gian có thể khai thác mùn làm phân bón. Đối với rác vô cơ có thể tái sử dụng hoặc tái chế thành đồ dùng cho sản xuất đời sống.

 

Thu gom rác thải tái chế

 

Điều này góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

- Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.

Hướng dẫn phân loại rác thải: Rác vô cơ, Rác hữu cơ, Rác tái chế

 

Thực trạng

 

Theo thống kê, hiện nay, trung bình mỗi ngày TP. Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Theo các chuyên gia, với đà hiện nay, mỗi năm, số rác thải của TP. Hà Nội tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Lượng rác tại Hà Nội hiện nay được chôn lấp là chủ yếu, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí quỹ đất.

 

Ngoài ra, tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng hơn 9 nghìn tấn rác sinh hoạt. Đà Nẵng là khoảng hơn 1,2 nghìn tấn. Đến năm 2030, Việt Nam dự tính có tới 54 triệu tấn rác thải sinh hoạt cần phải xử lý. 

 

Hiện tại, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mới được thực hiện thí điểm ở một số khu vực thuộc đô thị lớn, còn lại, phần lớn rác thải chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp. Do không được phân loại, rác vô cơ-hữu cơ, rác thải, rác tái chế trộn lẫn nên hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Các điểm xử lý rác này tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh. Chẳng hạn, bãi rác Nam Sơn tại Hà Nội, dù đã mở rộng nhiều lần với diện tích lên tới 120ha, nhưng  luôn trong tình trạng quá tải, vượt so với thiết kế khoảng 1,69 triệu tấn. Điều này gây nhiều bức xúc cho người dân sống gần khu vực bãi rác.

 

Hiện nay, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định rõ việc phân loại rác tại nguồn cụ thể tại khoản 1 điều 75 và đến ngày 1/1/2025, phân loại rác là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.

 

Triển khai phân loại rác vô cơ, hữu cơ


Thời gian gần đây, số lượng cá nhân, hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nhà có xu hướng tăng lên. Những người yêu môi trường tạo ra các hội nhóm trên mạng xã hội cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kiến thức về môi trường, phân loại rác thải sinh hoạt. Những chương trình như Đổi rác lấy quà, Ngày hội tái chế… tạo thói quen phân loại rác, được tổ chức thường xuyên hơn và nhận được nhiều sự quan tâm, hưởng ứng của người dân. Các nhà sản xuất cũng đã quan tâm hơn tới môi trường. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã triển khai những chương trình thu hồi sản phẩm thải của doanh nghiệp bằng cách khuyến khích người dân thu gom, đổi bao bì giảm giá sản phẩm hay tặng những phần quà ý nghĩa như cây xanh, bình nhựa,...

Tuy nhiên những hành động này vẫn chỉ mang tính phong trào, nhỏ lẻ, chưa thực sự tiếp cận và tác động đến phần đông dân cư.