Vận chuyển chiếc thảm Ba Tư trị giá hàng chục nghìn USD từ Iran về Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hiền Giang (Giang Iran), người sáng lập Ngôi Nhà Ba Tư, đang sở hữu tấm thảm cho biết: "Đây là một trong những chiếc thảm Ba Tư dệt thủ công đắt nhất Việt Nam thời điểm hiện tại, cả thế giới chỉ có một chiếc duy nhất".
Lấy chủ đề chính là Thời trang, họa tiết trung tâm của tấm thảm là biểu tượng của Versace, một hãng thời trang cao cấp của Ý. Thảm có kích thước 2x3m2, được làm thủ công hoàn toàn từ chất liệu tơ tằm quý hiếm.
Cấu trúc giống như lăng kính tam giác của sợi tơ, cho phép tấm thảm dệt lên có khúc xạ ánh sáng, khi đứng ở các góc khác nhau, sẽ nhìn thấy các màu sắc khác nhau.
Bên cạnh đó, tơ tằm là chất liệu thân thiện với môi trường, an toàn cho người dùng. Do vậy, độ bền của tấm thảm Versace được đánh giá có thể lên tới hàng trăm năm nếu chỉ sử dụng trải sàn thông thường, ở độ ẩm phù hợp.
Việc kiểm soát sợi tự nhiên rất khó trong quá trình dệt, hai nghệ nhân nổi tiếng người Iran đã mất hơn 37.000 giờ làm việc, tương đương khoảng 4 năm 2 tháng mới hoàn thiện được tấm thảm này.
Cứ mỗi cm, nghệ nhân phải dệt trên 50 mũi, cùng lúc đó phải tạo ra các họa tiết độc đáo trên đó. Thảm Versace sử dụng hơn 10 màu sắc khác nhau để tạo ra một tổng thể hài hòa. Các đường nét được hoàn thiện tinh xảo đến từng sợi tơ, độ mượt, bóng của tấm thảm được ví như mái tóc của một cô gái.
"Một trong những vẻ đẹp, cũng là yếu tố làm nên giá trị của tấm thảm Versace là chúng phản ánh được tâm trí của người thợ dệt. Chẳng hạn như khi thợ dệt đang ngồi ở sân sau nhà mình, họ vô tình thấy chi tiết nào đẹp có thể ngẫu hứng dệt lên thảm. Người dệt thậm chí có thể dệt theo trí tưởng tượng riêng, hoàn toàn sáng tạo", bà Giang cho biết.
Sau hơn 37.000 giờ làm việc của hai nghệ nhân, có một hội đồng thẩm định đến để đánh giá chất lượng thảm và chất lượng lao động của thợ dệt. Từ đánh giá đó, họ quyết định giá thành của tấm thảm, quá trình này được diễn ra nghiêm ngặt.
Thảm Versace hiện đang bán tại thị trường Việt Nam với mức giá khoảng 1,8 tỷ đồng. Trước đó, công ty bà Giang từng bán một chiếc thảm Ba Tư thủ công khác cho một đại gia ở Cầu Giấy (Hà Nội) với giá hơn 4 tỷ đồng/chiếc.
Mỗi chiếc thảm sẽ bán kèm một cuốn "hộ chiếu thảm", trong đó ghi đầy đủ thông tin về thảm như: Nghệ nhân dệt, chất liệu, địa phương dệt, mật độ dệt (độ dày của những mũi dệt), thương hiệu thảm, kích thước... Ngoài ra, hộ chiếu còn có các con dấu, chữ ký kiểm định chất lượng.
Thảm thủ công Ba Tư bên cạnh chức năng chính để trải sàn, trang trí và làm ấm cho căn nhà, còn có giá trị về nghệ thuật. Sản phẩm này có thể coi là đại diện cho nền văn hóa Iran, đồng thời cũng là cách để nhiều đại gia phô trương tài sản, quyền lực và sự chịu chơi của mình.
"Những "tay chơi" sẵn sàng chi hàng tỷ đồng để mua một tấm thảm thủ công Ba Tư không chỉ là những người nhiều tiền, họ còn là những người hiểu rất rõ về văn hóa Iran, hiểu biết và thẩm định được giá trị thực sự của tấm thảm", bà Giang nói.
Những tấm thảm tiền tỷ này thường được sử dụng trong những căn villa, chung cư cao cấp hoặc các siêu biệt thự. Khi mua một tấm thảm Ba Tư cũng giống như bạn đang mua một tác phẩm điêu khắc hoặc một bức tranh của các danh họa nổi tiếng.
Thảm Ba Tư đã có niên đại ít nhất 2.500 năm trước, dưới triều đại của Đế chế Ba Tư. Trong suốt quãng thời gian tồn tại, chúng phát triển thành một loại hình nghệ thuật, phản ánh nền văn hóa, lịch sử nước này.
Thảm Ba Tư hiện nay có nhiều loại như: Thảm công nghiệp, bán công nghiệp, thảm thủ công (loại đắt đỏ nhất) và bán thủ công… Ngoài ra còn có cách phân biệt khác dựa trên chất liệu, hoa văn, kỹ thuật dệt… Mức giá trung bình dao động từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng một chiếc thảm.
Ảnh: Thanh Thúy