Với ông Khoánh (51 tuổi), ông ngoại của bé Hào và bé An thì gầm giường vừa là nơi tránh nắng, vừa để tránh mưa. Hằng ngày, khi mặt trời khuất dạng, ông Khoánh thổi tắt ngọn đèn dầu rồi cùng hai đứa trẻ chui vào gầm giường đi ngủ trong tiếng ồn ào xung quanh.
Bé Hào kể hồi trước nó chưa biết chui vào gầm giường để nằm. Những ngày mưa, căn nhà xiêu vẹo, rách nát dột khắp nơi, chẳng có nơi nào để tránh mưa, cả nhà đành ngồi ôm gối dưới đất. Hai năm về trước, mưa to gió lớn, tấm tôn to từ đâu tạt sang, suýt chút ném cắt vào người ông ngoại nó. Sau lần ấy, ông Khoánh mới nghĩ đến cách chui xuống gầm giường, để nhỡ có gì xảy ra còn còn cái giường “gánh cho mình”. Nhà không có điện, mùa hè nóng như rang, hai đứa trẻ “phát hiện” chui vào gầm giường cũng rất mát. Cứ như thế, gầm giường trở thành nơi trú ẩn hạnh phúc nhất của ông lão và những đứa trẻ.
Nhà ông Khoánh có cả thảy 6 người, hai vợ chồng ông, mẹ ông (bà Tư 81 tuổi), con trai (Kim Văn Bửu, 25 tuổi) và hai đứa cháu ngoại là An và Hào. Cả 6 người sống trong ngôi nhà nhỏ bên dòng Kinh Mới – Thơm Rơm, ấp Thạnh Trung, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ. Gọi là “ngôi nhà” nhưng cả mái và tường đều gá lại bằng những tấm tôn đã thủng lỗ chỗ. Sống giữa thành phố nhưng nhà ông Khoánh không có điện, xưa đến nay chỉ thắp đèn dầu, bởi vì “họ bảo nếu muốn vô điện thì phải nộp 3 triệu. Tui không có tiền nên thôi”, ông Khoánh giải thích.
An thích nhất buổi trưa ông ngoại không phải đi làm mướn, bởi vì như thế nó sẽ được ôm ông ngoại ngủ. Mọi người trêu thằng An bện hơi ông ngoại, thiếu ông nó khó ngủ. Ông Khoánh chăm An từ lúc đỏ hỏn đến giờ, tám 8 về trước mẹ nó bế nó tới nhà ông, bỏ lại nó trên chiếc võng ngoài cửa và đi biệt tích đến bây giờ. Lúc đó bé An mới được một tháng tuổi, cha mẹ cãi nhau, người cha đổ nước sôi vào bụng thằng bé, khiến vết phỏng theo nó đến tận bây giờ.
Mẹ cu An là con gái đầu của ông bà Khoánh, đi làm thuê xa nhà từ lúc mười mấy tuổi. Cả nhà chẳng ai biết cô sống ở đâu, làm gì, chỉ nghe nói có hai đứa con. Cu An bị bỏ lại chiếc cửa nhà ông bà ngoại, còn cu Hào vừa lọt lòng đã được đưa cho bà dì nuôi. Hai đứa trẻ lớn lên mà chẳng biết đến giọt sữa mẹ. Ban đầu, ông Khoánh chỉ nghĩ cha mẹ bỏ con cho mình nuôi vài bữa, nào ngờ thời gian trôi đi, đến bây giờ vẫn bặt vô âm tín.
Từ ngày có thêm An, bà ngoại phải đi bán rau, làm mướn còn ông thì đi đạp xe lôi. Có tiền ông bà lại mua sữa đặc về pha cho An uống, nhưng rồi ông bà cũng không đủ tiền, đành nuôi An bằng nước cơm pha đường. Khi cu An được hai tháng đã phải ăn bột. Thi thoảng, An mà ho sốt, phải đi viện, ông Khoánh lại chạy xe đêm để lấy tiền thuốc thang cho cháu.
Hào may mắn hơn An, ít nhất còn chút ký ức về mẹ, An còn chưa bao giờ thấy mặt cha mẹ. Hào nhớ mẹ nó có mái tóc đen, bởi vì có lần nó đi chơi với bạn ở Long Xuyên, thấy có người giống mẹ nó, nó chạy lại hỏi “Dì có phải mẹ còn không?”. Người phụ nữ hờ hững đáp “Ờ” rồi lại nói “Sao mày gặp tao mà mày không nhớ hả?”. Cu Hào bảo “Mẹ ơi về nhà với con” nhưng người phụ nữ bảo đang bận đi làm nên để lại máy điện thoại cho nó rồi đi. Đến tận bây giờ, khi đã 12 tuổi, Hào vẫn chưa gặp lại mẹ lần nào nữa.
Với An và hào thì ông bà ngoại chính là cha, là mẹ. Mỗi khi ông ngoại đi chăn vịt về, đau nhức khắp người, hai đứa trẻ lại thay nhau đấm bóp cho ông. “Ngoại đừng có chết nha ngoại. Ngoại ráng sống để nuôi con nghe. Khi nào con lớn lên, con nuôi lại ngoại”, Hào tỉ tê.
Mỗi lần như thế, khóe mắt ông Khoánh lại nhòe nước. “Tôi chỉ mong trời cho tôi có sức khỏe để đi làm nuôi các cháu”. Hai ông bà không sợ bệnh, không sợ nghèo, đi chăn vịt thuê cũng đủ để qua bữa. Giờ ông bà chỉ ước có công việc để trả nợ cho chủ vịt 2,5 triệu đồng đã vay để đưa hai thằng bé đi chữa bệnh và mua thức ăn, mà mãi chưa trả nổi.
Ông Khoánh thở dài: “Lo nhất là mấy thằng cháu tôi không có tương lai chứ tôi ngần này tuổi rồi thì cũng không sợ gì”.
Hàng ngày, cả nhà ăn cơm với muối. Sáng nào ông Khoánh cũng nấu một nồi cơm bằng gạo từ thiện, cả nhà lại ngồi quay quanh nồi cơm với lọ muối ớt. Nếu thấy khô quá thì chan nước vào thay canh. Nửa nồi cơm còn lại để ăn bữa chiều tầm 4, 5 giờ. Đến tôi thì nhịn, đến 7 giờ là đi ngủ. Hào ước ao được ăn mì tôm mà hiếm khi nào được.
Những ngày gạo hết, vợ chồng ông Khoánh lại đi mượn tạm hàng xóm. Hôm nào không mượn được thì nấu cháo trắng với muối. Nhưng có cháo trắng còn hơn phải ăn cháo chuối – đặc sản chỉ riêng nhà ông Khoánh mới có. Sau nhà có bụi chuối, hết gạo ông lại lấy chuối nạo ra, nấu thành cháo ăn trừ bữa. “Ở đây có nhà còn lấy gạo cho heo ăn, nhà tôi người cũng không có gạo”, “có lúc 3 tháng ròng liên tục ăn cháo chuối”, ông Khoánh ngậm ngùi cho gia cảnh nhà mình.
Ba người lớn đi làm được bao nhiêu lại mua thức ăn, dầu đốt đèn với nuôi hai thằng nhỏ hết. Năm vừa rồi ông bà Khoánh dư ra được mấy trăm nghìn đồng nên hai đứa trẻ được đi học mấy tháng, mỗi tuần đóng 100.000 đồng mỗi đứa.
Năm ngoái ông Khoánh đi xin học cho hai cháu ở trường tiểu học gần nhà, nhưng phải đóng mỗi đứa 800.000 đồng, ông Khoánh không có nên lại lủi thủi dắt hai đứa về. Người ta bảo với ông phải làm giấy tờ để đi xin nhưng ông không biết chữ nên đành chịu.
Hai thằng nhỏ đến cơm còn chẳng đủ ăn thì ước mơ đi học của chúng thật xa vời. Cu An thích ra trường tiểu học chơi nhưng mỗi lần ra lại bị mấy đứa trẻ ở trường trêu là “thằng nghèo khổ”. Nó ước được đến trường để biết đọc, biết viết, sau này về đọc cho ông bà ngoại nghe. Rồi lớn lên sẽ đi làm, kiếm tiền nuôi ông bà.
Còn cu Hào trường học “đẹp và vui hết cỡ”, các bạn chơi đủ trò chơi. Sau này nó nhất định phải đi học để còn được đi làm ở công ty, kiếm tiền để ông bà đỡ phải đi giữ vịt.
Chị Hai Quẵng (36 tuổi) người cùng ấp với ông bà Khoánh cho hay, vợ chồng ông Khoánh sức khỏe yếu, làm chẳng được bao nhiêu bây giờ phải nuôi hai đứa nhỏ nên cực lắm: “Hai đứa nhỏ thiếu thốn nên ốm nhách”.
Vừa rồi, ông Khoánh bị đụng xe, gãy chân đi bệnh viện mà giờ vẫn chưa khỏi nên chẳng đi làm được đều đặn.
Anh Võ Văn Tấn – Bí thư Đoàn xã Trung Hưng cho biết, gia đình ông Khoánh từ nhiều năm nay nằm trong danh sách hộ “cận nghèo”, hằng tháng đều được hỗ trợ theo tiêu chuẩn. Nhưng gia đình không có ruộng đất, không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập thất thường. Ngôi nhà mà gia đình ông Khoánh đang ở cũng là “nhà tình thương” được chính quyền hỗ trợ cách đây chục năm, hiện tại đã xuống cấp.
“Hai đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lại cho ông bà ngoại nên không có giấy tờ. Hằng năm, xã đều vận động ông bà làm giấy tờ cho hai đứa nhỏ đi học và được miễn học phí, nhưng kinh tế gia đình không lo nổi các khoản khác nên đến giờ sấp nhỏ vẫn thất học”.
Được đến trường không chỉ là ước mơ của An và Hào mà còn là niềm hy vọng của ông Khoánh. Ông sợ đời tụi nhỏ lớn lên cũng không biết chữ như thế hệ ông bà nó, rồi tương lai chúng sẽ đi về đâu? Đời ông đã khổ, đời tụi nhỏ không biết có khá lên không?