Đó là trường hợp của một bé gái khoảng 15 tuổi, được cha và dì ruột đưa đến Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) 2 tuần trước. Tại khoa
Khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Từ Dũ (Ảnh: Hoàng Lê).
"Sau này không biết sẽ thế nào"
Ngay khi nhận được yêu cầu trên của gia đình, các bác sĩ giải thích, rằng thai đã quá lớn, không thể phá vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ "nhí". Dù vậy, người cha vẫn gây áp lực với cả bác sĩ lẫn con gái, quyết liệt đòi phải lập tức chấm dứt thai kỳ.
Bác sĩ Phạm Quang Nhật, Phó trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cho phóng viên biết, ngay khi nhận tin từ nhân viên về sự việc trên vào thời điểm nghỉ trưa, ông lập tức quay trở lại khoa, đồng thời thông báo đến Ban Giám đốc bệnh viện.
"Chúng tôi cố gắng giải thích cho gia đình rõ, nếu phá thai ở tuần tuổi trên là vi phạm quy định pháp luật lẫn gây rất nhiều nguy cơ cho cháu bé. Chúng tôi cũng tìm cách động viên, hướng dẫn cách xử lý sau khi bé sinh, nói với người cha nếu không nuôi được có thể tìm sự hỗ trợ từ các mái ấm. Sau thời gian suy nghĩ, ông bố bước đầu chấp nhận cho con sinh, nhưng sau này không biết sẽ thế nào" - bác sĩ Nhật nói.
Theo bác sĩ Nhật, trường hợp trên là điển hình của định kiến xã hội mà thai phụ tuổi vị thành niên phải gánh chịu. Lẽ ra ở hoàn cảnh như vậy, người thân cận trong nhà phải làm điểm tựa, để thai phụ có được sự hỗ trợ về mặt tinh thần, nhưng nhiều trường hợp gia đình lại là gánh nặng.
Thống kê từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 250.000-300.000 ca nạo phá thai được báo cáo chính thức. Khoảng 20-30% trường hợp phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60-70% là sinh viên, học viên, hầu hết từ 15-19 tuổi. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam có tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên cao tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời là 1 trong 5 nước có tỷ suất nạo phá thai cao nhất thế giới.
Riêng tại Bệnh viện Từ Dũ, năm 2022, tổng số trẻ vị thành niên đến xin bỏ thai ngoài ý muốn là 708 trường hợp. Trong đó, 223 trường hợp phá bỏ với tuổi thai từ 16-22 tuần, 25 trường hợp phải nhập viện làm thủ thuật. Quý đầu năm 2023, trung bình có 44 ca thai phụ vị thành niên đến đây bỏ thai mỗi tháng.
Hậu quả khôn lường nếu tự đi phá thai ở phòng khám
Bác sĩ Nhật cho biết, những bi kịch xuất phát từ việc phá thai ở tuổi vị thành niên là chuyện "như cơm bữa" mà khoa Kế hoạch hóa gia đình phải đối mặt. Có trường hợp người gây áp lực phá thai là "tác giả" bào thai - tức bạn trai của cô bé, có trường hợp là gia đình.
Thông thường, thai phụ "nhí" sẽ mang tâm lý sợ hãi, dẫn đến việc che giấu thông tin. Thậm chí, có những trường hợp trẻ kêu người quen biết bên ngoài giả làm cha mẹ để đưa đi bệnh viện phá thai. Do đó, các nhân viên y tế luôn phải kiểm tra, đối soát chứng minh nhân dân, giấy khai sinh… để xác định người giám hộ hợp pháp.
Cũng theo bác sĩ Nhật, nếu trẻ vì áp lực tâm lý, sợ cha mẹ biết chuyện mà tự đến các phòng khám trôi nổi bên ngoài phá thai thay vì vào bệnh viện, hậu quả sẽ khôn lường. Ông vẫn nhớ sự việc xảy ra cách đây vài năm, khi một cô gái trẻ đi phá thai tại phòng khám tư ở Bình Dương, người thực hiện là một nữ hộ sinh.
Trong quá trình gắp thai ra ngoài, nữ hộ sinh trên làm thủng cả tử cung và gắp luôn cả niệu quản của bệnh nhân ra ngoài. Hoảng hốt, người này mang cả thai phụ và phần cơ thể gắp nhầm đến Bệnh viện Từ Dũ cầu cứu. Dù các bác sĩ cố gắng giữ được sinh mệnh của bệnh nhân sau ca mổ kéo dài hơn 6 tiếng, cô gái cũng ảnh hưởng nặng nề về khả năng có con trong tương lai.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), cả khi tiếp tục giữ thai sinh con hay quyết định phá thai đều để lại những nguy cơ lớn về sức khỏe cho thai phụ tuổi vị thành niên. Trẻ cũng dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý, do chưa sẵn sàng mang thai và làm mẹ. Những ảnh hưởng này có thể nặng nề và kéo dài.
Do đó, đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho rằng, cần thực hiện đầu tư một cách có chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái vị thành niên, bảo vệ các quyền con người cho các em.
Các chương trình giáo dục giới tính toàn diện cần kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và dịch vụ phòng chống HIV. Cần đảm bảo rằng các dịch vụ này được cung cấp tới trẻ vị thành niên một cách tế nhị, đảm bảo bí mật, không mang tính phán xét và không phân biệt đối xử.
Cần ngăn ngừa tảo hôn bằng cách tăng cường tuyên truyền, giáo dục để các bé gái kết hôn theo độ tuổi pháp luật quy định, đảm bảo các em được đi học. Đồng thời, có thể tạo ra các mô hình cho trẻ em gái gặp gỡ nhau và gặp gỡ các cán bộ tư vấn.
Với trẻ vị thành niên, bác sĩ Nhật khuyến cáo, khi nghi ngờ mang thai không nên lo lắng, sợ hãi giấu kín một mình, vì rất dễ dẫn đến hành động dại dột. Hãy mạnh dạn chia sẻ cảm xúc với người mà mình tin tưởng, như bạn trai, cha mẹ, người thân, thầy cô giáo, để không cảm thấy cô đơn khi vượt qua thời điểm khó khăn.
Nếu thấy khó chia sẻ, hãy gọi đến tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được giúp đỡ.