Bí ẩn ngôi chùa sừng sững giữa sông Trường Giang suốt 700 năm, lũ lớn kỷ lục không thể xô đổ

Quan Âm Các hiên ngang trụ vững giữa sông Trường Giang (Trung Quốc) hàng trăm năm dù phải đối mặt với nhiều trận lũ kỷ lục.

Quan Âm Các (còn gọi đền Long Bàn) là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng thuộc địa phận thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ghi chép tại Bảo tàng Ngạc Châu cho biết, tiền thân của Quan Âm Các là một ngôi chùa thờ Bồ Tát giữa lòng sông Trường Giang nhưng sớm bị những trận lũ lụt chảy xiết cuốn trôi.

Đến thời nhà Nguyên khoảng năm 1345, ngôi chùa được xây dựng lại và tu sửa, chính thức lấy tên là Quan Âm Các. Đặc biệt, “Vạn lý Trường Giang Đệ nhất Các” này là ngôi chùa duy nhất được xây dựng trên sông Trường Giang dài gần 6.300km.

bi an ngoi chua sung sung giua song truong giang suot 700 nam lu lon ky luc khong the xo do

Quan Âm Các sừng sững giữa lòng sông Trường Giang hơn 700 năm, bất chấp mưa lũ. 

Càng đáng ngạc nhiên hơn, hàng năm những trận lũ lụt kinh hoàng trên sông Trường Giang đã nhấn chìm và cuốn trôi nhiều nhà cửa, công trình xây dựng. Theo số liệu thống kê, trận lụt khủng khiếp trong vùng xảy ra vào năm 1998 từng khiến 4.000 người thiệt mạng, ngập lụt hơn 20 triệu ha ruộng vườn. Có những trận ngập lụt kỷ lục xảy ra năm 1911 đã cướp đi tính mạng của khoảng 100.000 người.

Thế nhưng, sau hơn 700 năm, Quan Âm Các vẫn hiên ngang đứng sừng sững giữa sông. Vì lý do này, người dân Ngạc Châu coi Quan Âm Các là biểu tượng cho sự kiên cường, cũng là minh chứng rõ nét cho thấy trình độ xây dựng bậc thầy của cổ nhân ngày xưa.

Ngôi chùa này cao 2 tầng, có nhiều cửa nhỏ được sơn màu trắng và phần mái phủ đầy rêu phong. Tổng diện tích chùa vào khoảng 300m2 với chiều dài 24m, chiều rộng 10m và chiều cao 14m.

Từ kết cấu cân đối, kiến trúc tinh tế đến hành lang uốn khúc và kiểu dáng mái hiên đôi đều là những nét đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc dân gian Giang Nam, là sự tích hợp của tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo.

bi an ngoi chua sung sung giua song truong giang suot 700 nam lu lon ky luc khong the xo do2

Ngôi chùa có 2 tầng với tổng diện tích khoảng 300m2.

Khi nhìn từ trên cao xuống, Quan Âm Các dường như ở trong tư thế “chênh vênh” giữa sông nhưng thực chất phần móng của chùa vô cùng vững chắc. Đây chính là bí mật giúp ngôi chùa cổ tồn tại qua nhiều thập kỷ, bất chấp dòng nước lũ chảy xiết liên tục cuồn cuộn dâng cao hàng năm.

Cụ thể, phần móng của Quan Âm Các chính là khối đá Long Bàn, có cấu trúc hình vòng cung. Đặc điểm này của khối đá ngâm vừa giúp giảm lực nước tác động lên ngôi chùa, đồng thời điều tiết dòng chảy của sông Trường Giang.

Ngoài ra, bức tường đá phía ngoài Quan Âm Các được xây dựng một cách tinh giản, toàn bộ đều có hình tam giác. Khi nước lũ ập đến, bức tường phía ngoài này sẽ ghìm lại trọng lực của dòng nước cuồn cuộn nên khu vực phía sau bức tường chịu trọng lực nhỏ hơn rất nhiều.

Ngày 14/7/2020, mực nước sông Trường Giang dâng cao khiến Quan Âm Các bị ngập tới tầng 2, chỉ còn lộ bức tường trắng ngói xanh. Do được xây theo thế rồng cuộn nên khi nước lũ dâng cao, di tích này nhìn giống như một con rồng hung mãnh đang phun nước.

"Đây không phải là lần đầu tiên Quan Âm Các trải qua trận lụt lớn", Giám đốc Bảo tàng Ngạc Châu Tần Song Lâm khẳng định trong trận lũ nghiêm trọng năm 2020.

bi an ngoi chua sung sung giua song truong giang suot 700 nam lu lon ky luc khong the xo do1

Phần chân móng Quan Âm Các lộ ra vào mùa khô.

Không chỉ được xem là “công trình kiên cường nhất thế giới”, tại Ngạc Châu, nhiều người dân còn ví Quán Âm Các như một máy dò mực nước. Người già ở đây có thể dựa vào mực nước tại chùa để dự đoán mức độ nguy hiểm khi mưa lũ xảy ra.

Năm 2006, Quán Âm Các được công bố là di sản văn hóa trọng điểm quốc gia, được nhà nước bảo vệ. Chùa còn là công trình được nhiều kiến trúc sư hiện này tìm đến, nghiên cứu và học hỏi do có kiến trúc độc đáo và trường tồn theo năm tháng.

Mặc dù ngôi chùa này hiện không mở cửa đón khách tham quan nhưng nhiều người vẫn  tò mò tìm tới Ngạc Châu để có thể tận mắt chiêm ngưỡng và khám phá công trình độc đáo này.

Đinh Kim (T/h)