Sau khi thống nhất thiên hạ, Tần Thủy Hoàng (259–210 TCN) không ngừng tăng thuế và nô dịch, cho xây Vạn Lý Trường Thành và cung điện, lăng tẩm, tăng cường phòng thủ biên giới. Để xây dựng cung A Phòng và lăng Ly Sơn, Tần Thủy Hoàng huy động hơn 700 triệu lượt nhân công, hao tiền tốn của, bị muôn dân phản đối.
Năm 209 TCN, Tần Thủy Hoàng vi hành, mang theo con trai và các cận thần đi cùng. Tháng 7 năm đó, trên đường hồi cung, đoàn vi hành đi qua sa mạc. Do thể trạng yếu, không chịu được nắng nóng, Tần Thủy Hoàng lâm trọng bệnh. Tuy nhiên, đây có phải lý do khiến vua qua đời không thì chưa rõ.
Một vài học giả nghi ngờ Tần Thủy Hoàng đã bị ám sát, và đối tượng nghi vấn nhiều nhất là thái giám Triệu Cao (258 – 207 TCN), người mà Tần Thủy Hoàng luôn mang theo bên người. Cha mẹ Triệu Cao bị bắt trong cuộc chiến thống nhất Trung Nguyên của nhà Tần, sau đó cha ông ta bị hành hình, mẹ bị bắt làm nô tì.
Tần Thủy Hoàng thấy Triệu Cao thân thể khỏe mạnh, am hiểu luật lệ, liền cất nhắc làm tổng quản chuyên quản kiệu xe và con dấu, giấy mực trong cung. Vua còn lệnh Triệu Cao dạy luật cho Hồ Hợi, con trai thứ 18 của Tần Thủy Hoàng. Chuyến vi hành này của Tần Thủy Hoàng chắc chắn không thể thiếu Triệu Cao.
Tần Thủy Hoàng vi hành còn mang theo quan Thượng khanh Mông Dự. Mông Dự là em ruột, lại thân thiết với vua, nhưng khi vua lâm trọng bệnh, Mông Dự lại bị điều đi. Các học giả cho rằng Triệu Cao đã tìm cách điều Mông Dự đi nhằm loại bớt cận thần quanh vua để dễ bề mưu sát.
Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, Triệu Cao thuyết phục Hồ Hợi uy hiếp Tả thừa tướng Lý Tư, làm giả di chúc, đưa Hồ Hợi lên ngôi. Đồng thời, ba kẻ này cấu kết mượn danh vua chỉ trích con trưởng Phụ Tô bất hiếu, Mông Dự bất trung, khiến họ tự sát.
Từ những biểu hiện và hành động sau khi vua băng hà của Triệu Cao, các học giả có cơ sở để nghi ngờ y mưu đồ giết vua.
HỒNG PHÚC (Nguồn: GMW)