Chuyện lạ có thật về người đàn ông nhịn ăn suốt 382 ngày

Ngân Hà
Bắt đầu việc nhịn ăn vào tháng 6/1965, Angus Barbieri không ăn gì ngoài vitamin và đồ uống không calo trong hơn một năm. Đây cũng được ghi nhận là thời gian nhịn ăn lâu nhất trong lịch sử và điều này đã giúp anh giảm được hơn 125kg.

Chú thích ảnh

Cách giảm cân bằng việc nhịn ăn hoàn toàn trong hơn 1 năm của Angus Barbieri được xem là trường hợp hiếm trong lịch sử.

Khi mới ở tuổi 27, Angus Barbieri sống ở Scotland đã nặng đến hơn 200kg. Vì vậy, tháng 6/1965, anh bước vào Bệnh viện Hoàng gia Dundee và nói với bác sĩ rằng mình muốn nhịn ăn.

Ban đầu, Angus dự định không nhịn ăn quá quá 40 ngày. Đây cũng là thời gian nhịn ăn dài nhất được khuyến nghị về mặt y tế. Nhưng cơ thể của anh đã điều chỉnh tốt một cách đáng ngạc nhiên và Angus nói với các bác sĩ rằng mình muốn tiếp tục nhịn ăn. Cuối cùng, trong hơn một năm trời, thanh niên này đã hoàn toàn không ăn gì và giảm được hơn 125kg.

Nhưng Angus Barbieri đã thực hiện được điều khó tin ấy bằng cách nào?

Bước khởi đầu của thanh niên thừa cân

Angus Barbieri sinh ra ở Scotland vào cuối những năm 1930, thông tin về người này không có nhiều, ngoài việc Angus làm việc tại cửa hàng bán cá và khoai tây chiên của cha mình.

Ở độ tuổi trẻ trung, năng động nhất thì lại mắc chứng nghiện ăn đến mức tê liệt và mệt mỏi vì thừa cân, Angus quyết định phải hành động mạnh hơn để đạt được mục tiêu cân nặng là khoảng hơn 80kg.

Ban đầu, các bác sĩ chỉ định cho anh nhịn ăn trong thời gian ngắn và trong khoảng thời gian đó, Angus Barbieri sẽ không ăn bất kỳ thức ăn đặc nào. Nhưng sau khoảng thời gian ngắn ngủi này, anh cảm thấy vẫn muốn tiếp tục nên bác sĩ đã cho phép anh tiếp tục nhịn ăn dưới sự giám sát y tế.

Angus Barbieri được kê đơn uống các loại vitamin tổng hợp, bao gồm kali, natri và men để bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt. Bên cạnh các chất bổ sung đó, anh chỉ sống nhờ vào đồ uống ít calo hoặc không chứa calo như: cà phê đen, trà và nước khoáng có ga.

Phần lớn thời gian Augus sẽ tự nhịn ăn ở nhà, nhưng vẫn thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra, đôi khi ở lại để các bác sĩ có thể theo dõi tiến triển của việc giảm cân và kiểm tra nồng độ trong máu. Điều đáng kinh ngạc là dù với thực đơn vô cùng khắt khe như vậy, thì ngoài việc lượng đường trong máu thấp hơn, dường như không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với cơ thể của Augus. Cũng vì không ăn thức ăn đặc nên anh ấy chỉ cần đi vệ sinh 40 đến 50 ngày một lần.

Kết quả của việc nhịn ăn

Tháng 7/1966, sau 1 năm 17 ngày hoàn toàn không ăn thức ăn, Angus Barbieri đã đạt được cân nặng mục tiêu là hơn 80kg. Anh đã giảm được 125kg với tốc độ trung bình là gần 1-2kg mỗi ngày, tương đương khoảng gần 10kg/tháng.

Thời điểm bắt đầu ăn trở lại, Augus đã ăn sáng bằng một quả trứng luộc cùng một lát bánh mì phết bơ, và chỉ thế cũng đã đủ khiến thanh niên này thấy no. Anh nói với các phóng viên rằng mình đã quên mất mùi vị của thức ăn.

Đó thực sự là một sự thay đổi đáng kinh ngạc. Những người xung quanh dường như còn không thể nhận ra Augus sau khi anh nhịn ăn và giảm cân. Phải hai người bằng Augus lúc giảm cân xong mới có thể mặc vừa những bộ đồ trước đây của anh. Kể từ thời điểm đó, Augus vẫn duy trì được cân nặng và dáng người gọn sau giảm cân. Đến tận lúc qua đời vào năm 1990, Augus chỉ tăng lại hơn 7kg.

Năm 1971, Angus Barbieri được Sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận vì đã hoàn thành cuộc chạy bộ nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, Guinness đã quyết định không công nhận các kỷ lục liên quan đến việc nhịn ăn vì không khuyến khích hành vi không an toàn này. Theo CNN, vào năm 2003, nhà ảo thuật người Mỹ David Blaine đã bị Guinness ngó lơ vì liên quan đến việc nhịn ăn trong 44 ngày.

Chú thích ảnh Angus Barbieri mặc thử trang phục của mình lúc còn thừa cân. 

Thông tin khoa học đằng sau phương pháp nhịn ăn hiệu quả của Angus Barbieri

Trong thời gian nhịn ăn, cơ thể của Angus Barbieri chuyển sang sử dụng chất béo dự trữ để lấy năng lượng thông qua một quá trình gọi là quá trình “tự thực” (autophagy). Theo Medical News Today, “tự thực” là một quá trình tự nhiên của cơ thể, trong đó các tế bào phân tách và tái tạo, như một cách “làm sạch” các phân tử thừa hoặc rối loạn chức năng trong cơ thể.

Quá trình “tự thực” có thể được kích hoạt bằng cách nhịn ăn. Trong thời gian nhịn ăn, các tế bào trong cơ thể bị căng thẳng, buộc chúng phải hoạt động hiệu quả hơn. Để làm được điều này, các tế bào có thể loại bỏ những phần không cần thiết hoặc bị hư hỏng. Trong trường hợp của Angus, bản chất khắc nghiệt của việc nhịn ăn khiến các tế bào phải chịu áp lực vô cùng lớn, dẫn đến “tự thực”.

Các nghiên cứu gần đây về “tự thực” cho thấy nó có thể có tác động tích cực đến các tình trạng sức khỏe khác, như cải thiện chức năng gan, giảm tổn thương gan do rượu hoặc ma túy và giảm bệnh Wilson (rối loạn chuyển hoá đồng). Nó cũng có thể giúp ích cho chức năng miễn dịch bằng cách làm sạch độc tố.

Tuy nhiên, "tự thực" không phải là không có rủi ro. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, mặc dù quá trình này có thể ngăn chặn tế bào ung thư phát triển, nhưng cũng có thể thúc đẩy hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến các tế bào trong não và tim.

Trong trường hợp của Angus Barbieri, việc nhịn ăn không có nhiều tác động quá xấu đến cơ thể. Nhưng các các trường hợp nhịn ăn khác được thực hiện cùng thời điểm thì không được may mắn như vậy. Những bệnh nhân nhịn ăn trong thời gian dài thường bị suy tim, một số người đã tử vong vì đói.

Mặc dù câu chuyện của Angus Barbieri chắc chắn rất truyền cảm hứng, nhưng các chuyên gia y tế vẫn không khuyên mọi người nhịn ăn lâu hơn 40 ngày. Quá trình nhịn ăn của Angus được thực hiện dưới sự kiểm soát của Bệnh viện Hoàng gia Dundee. Angus đã làm được mà không có tác dụng phụ là điều cực kỳ hi hữu, khó có khả năng thành tích này sẽ được lặp lại lần nữa.

Trần Trang