Báo chí và mạng xã hội 2 ngày nay dày đặc thông tin về vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường Võ Chí Công (Hà Nội). Theo ghi nhận, 18 người đi trên 17 xe máy đã bị một ô tô tông bất ngờ ngay giữa ngã tư.
Ảnh cắt từ camera giám sát giao thông tại thời điểm vài giây trước khi chiếc xe ô tô hất văng 18 người tại đường Võ Chí Công
Ngã tư bất thường
Người đàn ông lái ô tô khai đã đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh và gần như tuyệt đại đa số các ý kiến bình luận về vụ việc chỉ xoay quanh nguyên nhân vì sao tài xế đạp nhầm chân ga, mà quên mất rằng, hành vi của những người đi xe máy cũng là một phần nguyên nhân của vụ tai nạn nghiêm trọng đó.
Xem thật kỹ các góc quay camera về vụ tai nạn, chúng ta sẽ thấy trong số 18 người đi xe máy gặp nạn, nhiều người trong số họ đã chấp hành luật giao thông theo cách rất "lạ". Họ đỗ vượt quá vạch dừng, thậm chí ùn ùn rồ ga vượt giao lộ khi đèn chưa xanh.
Giá như họ tuân thủ Luật GTĐB, dù rằng sẽ chậm lại vài giây, có thể sẽ không bỏ lỡ bữa cơm chiều bên gia đình ngày hôm đó.
Vấn nạn xe máy đi vào hẳn trong phạm vi nút giao để dừng chờ đèn đỏ, chặn cả làn dành cho người đi bộ chẳng phải đến bây giờ mới xuất hiện. Nó tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua bất chấp các chiến dịch tuyên truyền về văn hóa giao thông hay các đợt cao điểm xử phạt vi phạm.
Khoảng 20 năm trước, những năm 2003-2004, Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội ra quân xử phạt rất mạnh tay hành vi vượt qua vạch dừng xe để chờ đèn đỏ. Báo chí thời đó cũng đăng khá nhiều loạt bài với nhiều hình ảnh ấn tượng về những hàng xe tăm tắp xếp hàng dừng chờ đèn đỏ ngay ngắn trước vạch dừng.
Những tưởng rằng, với nỗ lực này, ý thức chấp hành Luật GTĐB của người đi xe máy sẽ có một bước tiến, thế nhưng, mọi chuyện rồi cũng chỉ dừng lại ở đó.
Hết đợt ra quân, xe máy lại tự do, thích dừng đâu thì dừng. Bẵng đi 2 chục năm, cái chuyện vượt qua vạch dừng vào trong phạm vi ngã tư để chờ đèn đỏ, vượt đèn đỏ đã trở thành chuyện không lạ, trở thành “đặc quyền” của xe máy.
Để rồi đến mức, bức ảnh 2 người đàn ông dừng xe ngay ngắn trước đèn đỏ giữa một đêm đông năm 2019 trở thành chuyện "lạ". Bức ảnh nhanh chóng trở thành đề tài gây bão mạng, thậm chí lên cả báo. Đâu đó có một vài người đặt câu hỏi: “Từ bao giờ cái chuyện bình thường lại thành chuyện "lạ".
Bức ảnh gây bão mạng năm 2019
Lại thêm 5 năm nữa, tình hình chưa khả quan hơn, thậm chí việc đi lại lộn xộn bất tuân quy tắc của xe máy lại như một căn bệnh ngày càng lan rộng. Muốn chứng kiến cảnh xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay tràn sang phần đường đối diện xin mời ra các trục đường lớn như: Phạm Hùng, Cầu Giấy, Trường Chinh, Võ Chí Công hay ngay khu trung tâm như ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh.
Không thể phủ nhận việc đi sớm vài giây hay vượt đèn đỏ khi thấy “văng vắng” là phản xạ thường trực của không ít người đi xe máy.
Phải phạt nguội xe máy, khó cũng phải làm
Nhiều người sẽ hỏi CSGT ở đâu? Thực tế, họ vẫn đang làm công việc của mình. Họ cũng vẫn thực hiện việc xử lý vi phạm theo chức năng nhiệm vụ. Tuy vậy, hãy thử nhìn vào thực tế hàng trăm chiếc xe ùn ùn lấn lên từng chút một, không một lực lượng nào có thể xử lý cho xuể. Ấy là chưa kể chỉ cần tập trung xử lý vi phạm, chỉ cần sao nhãng đôi chút việc hướng dẫn, điều tiết, nguy cơ xảy ra ùn tắc là rất lớn.
Vậy nên, điều cốt yếu hiện nay là phải áp dụng phạt nguội với xe máy. Giải pháp đã khiến những người lái xe ô tô tuân thủ rất tốt luật giao thông.
Chế tài, quy trình xử lý phạt nguội đã được quy định trong Luật Xử lý Vi phạm hành chính 2020. Một chiếc ô tô vượt đèn đỏ, lấn làn sẽ rất nhanh chóng nhận được "phiếu phạt nguội" gửi đến tận nhà, nhưng điều đó gần như chẳng bao giờ xảy ra khi một chiếc xe máy vi phạm luật giao thông.
Cả nước đang thực hiện chuyển đổi số, toàn bộ vi phạm được cập nhật trên hệ thống, nếu CSGT phát hiện chiếc xe từng vi phạm, người điều khiển có thể sẽ bị xử lý với mức tái phạm và nộp phạt hai lần liên tiếp.
Tất nhiên, việc triển khai phạt nguội sẽ còn nhiều khó khăn, ví dụ như việc gửi thông báo phạt nguội tới chính chủ xe máy sẽ khó khăn hơn so với ô tô, tỷ lệ trốn tránh việc thi hành quyết định xử phạt có thể sẽ cao. Nhưng cứ làm đi đã, khó cũng phải làm. Việc đảm bảo ATGT chưa bao giờ là việc dễ dàng cả.
Luật ban hành không phải để người dân nhờn luật. Trách nhiệm thực thi là cả ở hai phía: cả người dân và cơ quan chức năng.
Theo báo Giao thông