Cô gái Mường lấy hai bằng thạc sĩ trong 18 tháng

Giành học bổng du học Indonesia, Đặng Thị Ngọc Lan không ngờ chuyến đi 18 tháng lại giúp cô có hai tấm bằng thạc sĩ cùng lúc.

Ngọc Lan, 26 tuổi, trở về Việt Nam hồi tháng 1, với bằng thạc sĩ về Quản lý phát triển bền vững tại Đại học Gadjah Mada, Indonesia và Đại học Agder, Na Uy. Đây là chương trình kết hợp giữa các môn kinh doanh với kiến thức và kinh nghiệm từ khoa học môi trường và kỹ thuật.

"Hành trình tôi trải qua như một giấc mơ. Tôi không ngờ chuyến đi mở ra những cơ hội học hỏi và trải nghiệm quý giá", Lan nói, cho hay từng phân vân giành học bổng đến Indonesia gần ba năm trước.

Chuyến du học giúp Lan có cơ hội được du lịch nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đặng Thị Ngọc Lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngọc Lan là thủ khoa đầu tiên của ngành Nghiên cứu phát triển quốc tế, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, hồi năm 2019 với điểm trung bình 3.74/4.0. Khi đó, vì không có ý định học tiếp, cô gái người Mường ở Ba Vì, Hà Nội, đi làm cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) về tài chính vi mô và phòng chống thiên tai.

Mọi việc thay đổi khi Lan tình cờ đọc được thông tin học bổng thạc sĩ Quản lý phát triển bền vững hồi tháng 3/2021. Đây là khoá đầu tiên của chương trình hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Na Uy và mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN), Đại học Gadjah Mada và Đại học Agder.

Theo Lan, hai lĩnh vực cô làm việc đều liên quan đến phát triển bền vững. Tài chính vi mô giúp thực hiện nhiều mục tiêu phát triển bền vững như xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, trong khi phòng chống thiên tai hướng đến giảm thiểu rủi ro cho những người dễ bị tổn thương. Nhận định ngành này sẽ rất quan trọng với doanh nghiệp, cơ hội việc làm tốt, Lan quyết định ứng tuyển.

Biết thông tin khi hạn nộp còn chưa đầy một tuần, Lan vẫn vừa đi làm vừa chuẩn bị giấy tờ, xin thư giới thiệu của giảng viên thời đại học, viết bài luận. Nhờ có sẵn chứng chỉ IELTS 7.0, Lan kịp nộp hồ sơ vào phút chót.

Một tháng sau, cô có tên trong danh sách 23 sinh viên Đông Nam Á nhận học bổng toàn phần, trị giá khoảng 17.000 USD. Nhưng Lan lại băn khoăn vì chưa biết về giáo dục Indonesia, tiền học bổng khiêm tốn và dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Bạn bè khuyên cô tìm hiểu thêm các học bổng khác, còn gia đình phản đối vì muốn cô tiếp tục công việc ổn định.

Tiến sĩ Lê Lêna, giảng viên khoa Quốc tế học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, là một trong số ít người khích lệ Lan đi học.

"Tôi khuyên Lan tham gia chương trình, vì cơ hội cũng từ đó mà có thêm. Nếu bạn ấy không thử sẽ không có các cơ hội khác nữa", cô Lêna nhớ lại.

Chương trình học ở Indonesia của Lan kéo dài hai năm nhưng được thiết kế tinh gọn để học viên có thể hoàn thành trong 18 tháng. Vì dịch bệnh nên học kỳ đầu tiên, Lan phải học trực tuyến. Kỳ này thông thường kéo dài 6 tháng với các môn học nền tảng về kinh doanh, tài chính, thống kê. Do chương trình được rút ngắn, Lan học trong hai tháng.

Thời điểm đó, Lan vẫn đi làm. Dự án ở cơ quan vào giai đoạn cuối nên cô phải tham gia nhiều hội thảo lớn, trong khi vẫn phải học ở lớp và làm bài tập.

"Nhiều hôm tôi làm bài tập đến 2h. Não lúc nào cũng căng ra. Tôi đã muốn bỏ cuộc vì quá căng thẳng", Lan kể.

Ở giai đoạn khó khăn ấy, cô giáo cũ vẫn luôn là người lắng nghe Lan chia sẻ. "Tôi động viên học trò rằng đang đi đúng hướng và cần bình tĩnh trong quá trình học", cô Lêna nói.

Lan (thứ hai hàng dưới từ phải sang) và các bạn cùng lớp tại Đại học Gadjah Mada, Indonesia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngọc Lan (thứ hai hàng dưới từ phải sang) và các bạn tại Đại học Gadjah Mada, Indonesia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 1/2022, Lan sang Indonesia học tại Đại học Gadjah Mada ở thành phố Yogyakarta. Đây đại học lâu đời và lớn nhất ở Indonesia với 55.000 sinh viên. Trong đó, trường Kinh tế và Kinh doanh, nơi Lan theo học, được tổ chức QS xếp vào nhóm 201-250 trường kinh doanh tốt nhất thế giới.

Suốt mấy tuần đầu, cô chật vật vì rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Không biết tiếng Indonesia, Lan mất 3-4 ngày đi khắp nơi xin giấy tờ, chữ ký của quan chức địa phương để thuê được nhà trọ.

Ở trên lớp, Lan cũng lúng túng khi giao tiếp. Lan cho hay dù đạt IELTS 7.0 nhưng kỹ năng Nói của cô chỉ được 6.0. Thời gian làm ở NGO, cô chủ yếu dùng tiếng Anh để viết báo cáo, email, ít giao tiếp hàng ngày.

"Tôi biết tiếng Anh nhưng lần đầu tiên bước vào môi trường học tập quốc tế, các bạn rất giỏi khiến tôi choáng, không dám nói vì sợ bị đánh giá phát âm chưa chuẩn", Lan chia sẻ.

Sau khi tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, cô dần mạnh dạn hơn. Lan phải đi học cả tuần, hoàn thành bài luận của các môn và bài tập nhóm. Trong đó, bài luận yêu cầu nhiều thông tin, căn cứ khoa học cho mỗi lập luận hay số liệu, buộc cô phải đọc nhiều tài liệu tiếng Anh.

Điều khiến Lan cảm thấy hứng thú là ngoài những tiết lý thuyết trên lớp, sinh viên được đi thực tế nhiều. Chẳng hạn, khi học về quản lý tài nguyên biển, cả lớp phải dậy từ sáng sớm, cùng thầy giáo leo lên những vách đá nhìn ra bờ biển, quan sát và phân tích sóng, hướng gió, địa hình, quy hoạch và tác động của chúng.

Lan cũng được đến một trung tâm bảo tồn loài Cú ở ngoại thành hay đến khu vực ven rừng quốc gia để tìm hiểu cuộc sống của người dân và cách họ làm nông nghiệp.

Sau 6 tháng học ở Indonesia, sinh viên phải viết đề xuất nghiên cứu để chuẩn bị cho kỳ thực tập và luận văn. Những sinh viên có đề xuất tốt được xem xét để chuyển sang học tiếp tại Đại học Agder, Na Uy.

Lan đã viết về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định tái vay vốn của khách hàng tài chính vi mô ở Việt Nam. Theo Lan, khi làm việc cho NGO đầu tiên, cô nhận ra người nghèo khó vay ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, và tổ chức tài chính vi mô mang lại cơ hội cho họ. Nhưng khi tỷ lệ tái vay của khách hàng giảm, tổ chức này cũng khó tồn tại và phát triển bền vững. Vì thế, Lan muốn tìm hiểu nguyên nhân nhằm giúp các tổ chức tài chính vi mô cải thiện tình hình. Hồi tháng 7/2022, Lan đã về Việt Nam một tháng để khảo sát và tập hợp số liệu.

Đề xuất được chấp nhận, giúp Lan tiếp tục nhận đài thọ để sang Na Uy học. Cô được tham gia các hội thảo, tập huấn và thực tập tại trường Kinh doanh của Đại học Agder. Luận văn tốt nghiệp dựa trên đề xuất nghiên cứu của Lan cuối cùng đạt loại giỏi ở Na Uy và xuất sắc tại Indonesia, giúp cô nhận được hai tấm bằng thạc sĩ.

Ngoài thời gian học, Lan đi ngắm cực quang, rồi sang Thụy Điển, Đan Mạch dự lễ hội hóa trang Halloween, sang Pháp xem tranh Mona Lisa ở bảo tàng Louvre, Paris.

"Nằm mơ tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình có thể thấy cực quang hay được đặt chân đến nhiều nước như vậy", Lan nói.

Lan đi ngắm cực quang ở Na Uy hồi tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngọc Lan đi ngắm cực quang ở Na Uy, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhìn lại hành trình du học, Lan nói không chỉ được học về chuyên môn mà còn mở rộng tầm mắt, cởi mở trong suy nghĩ để nhìn các vấn đề ở nhiều khía cạnh. Vì thế, cô cho rằng những ai muốn du học hãy tận dụng mọi cơ hội đến với mình.

Sắp tới, Lan sẽ làm việc ở một công ty sản xuất động cơ máy bay của Hàn Quốc. Lan nhận định công ty này chú trọng đến phát triển bền vững với nhiều dự án phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của cô.