Học viên ôm di ảnh nằm trong quan tài một lễ tang giả để bày tỏ nỗi lòng. Ảnh: AGENCE VU. |
Chính phủ Hàn Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các bác sĩ và người dân cả nước trong việc phải tăng cường các chính sách về sức khỏe tâm thần nhằm đẩy lùi tỷ lệ tự tử luôn ở mức cao nhất thế giới, theo SCMP.
Mỗi năm, hàng nghìn người tự kết liễu đời mình ở đất nước kim chi. Một vài vụ tự sát nhận về sự kỳ thị, bị đánh giá là bồng bột, yếu đuối, một vài người khác thì bị bàn tán, săm soi không ngừng về cái chết của họ.
Ai cũng là người dễ bị tổn thương
Tháng trước, Moonbin, thành viên của nhóm nhạc Astro, được phát hiện đã chết tại nhà riêng ở Seoul. Cảnh sát địa phương kết luận chàng trai 25 tuổi tự kết liễu đời mình. Hàng nghìn người hâm mộ đau buồn bày tỏ sự tiếc thương trước cái chết đột ngột của anh trên mạng xã hội.
"Tôi không thể tập trung vào công việc lúc này. Điều này thực sự quá đau lòng”, một người dùng Twitter viết.
Một số ngôi sao K-pop tự tử trong những năm gần đây khiến nhiều người kêu gọi pháp luật phải trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với những hành vi lạm dụng, quấy rối trên mạng và tăng cường quan tâm đến sức khỏe tâm thần của những người nổi tiếng.
Goo Hara , thành viên của ban nhạc Kara, được phát hiện đã chết vào tháng 11 năm 2019 ở tuổi 28. Một tháng sau đó, Sulli, 25 tuổi, thành viên của nhóm F(x) cũng tự sát tại nhà riêng sau một thời gian dài đấu tranh với bắt nạt trực tuyến.
Năm 2017, Jong Hyun, thành viên của Shinee, qua đời sau khi chiến đấu với căn bệnh trầm cảm.
Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, trung tâm hỗ trợ văn hóa đại chúng cho người làm nghệ thuật, báo cáo số lượng nghệ sĩ yêu cầu tư vấn tâm lý đã tăng từ 146 trường hợp vào năm 2020 lên 661 trường hợp vào năm 2022.
Lee Boung Chul, giám đốc chính sách bảo hiểm y tế tại Hiệp hội Thần kinh học Hàn Quốc, cho biết các nghệ sĩ K-pop thường bị cô lập khỏi mạng lưới hỗ trợ của chính phủ.
"Họ hoàn toàn cô đơn vì không thể ra ngoài giao tiếp và nhận được sự an ủi từ bất cứ ai, đó là một tình huống rất nguy hiểm”, ông Lee nói.
Tang lễ của Jong Hyun, thành viên nhóm Shinee. Nam ca sĩ chọn cách giải thoát sau một thời gian đối mặt với trầm cảm. Ảnh: Chung Sung Jun. |
Không chỉ những người nổi tiếng đang phải chịu đựng sự tổn thương. Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, trong năm 2021, cứ 100.000 người sẽ có 26 người tự tử, tăng 0,3 vụ so với một năm trước đó.
Tỷ lệ này đã giảm từ 33,8 năm 2009 xuống còn 23 năm 2017, nhưng đã tăng trở lại vào những năm sau đó, theo The Korea Times.
Chính phủ cần quyết liệt hơn
Các chuyên gia về an sinh xã hội tại Hàn Quốc cho rằng chính phủ nước này cần phải hành động nhiều hơn trước việc làn sóng tự tử vẫn đang còn gia tăng và trở nên ngày càng phổ biến ở nhóm người trẻ tuổi.
Các vụ việc xảy ra gần đây, điển hình là vụ tự tử của một nữ sinh ở Seoul được livestream trên Instagram là hồi chuông báo động đối với chính phủ, yêu cầu những người đứng đầu nước này cần phải có các hành động khẩn cấp.
Các vụ tự tử ở học sinh xảy ra liên tiếp cũng làm dấy lên mối lo ngại lớn về sức khỏe tâm thần của những người trẻ tuổi.
Một học sinh lớp ba được tìm thấy đã tự sát sau khi đâm chết một bạn cùng trường. Sau đó vài ngày, một cô bé 14 tuổi cũng đã tự kết liễu đời mình chỉ vì quá mệt mỏi.
Paik Jong Woo, giáo sư tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học Kyung Hee, cho biết tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng tại Hàn Quốc là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng các vụ tự tử. Ngoài ra, theo ông các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần của đất nước kim chi vẫn còn kém phát triển.
"Trước đây, khi Hàn Quốc vẫn còn là nước đang phát triển, tình hình kinh tế khó khăn nhưng vẫn còn các cộng đồng gia đình, bạn bè và hàng xóm, vì vậy họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ lẫn nhau. Hiện nay, Hàn Quốc có thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhưng lại không có mạng lưới an sinh xã hội đủ rộng và khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần", anh nhận xét.
Lee cũng cho biết nhiều người Hàn Quốc có xu hướng coi tự tử là một vấn đề cá nhân và không quan tâm đầy đủ đến việc điều trị sức khỏe tâm thần của chính mình.
Bên cạnh đó, do tự tử là vấn đề quá phổ biến tại đất nước này, hầu hết phản ứng của một người trước tin báo về các ca tự sát thường là không quá quan tâm, vì đây là "vấn đề cá nhân".
Theo ông Lee, đó chính là quan niệm cần phải được thay đổi.
Với nhiều người tại Hàn Quốc, việc một người khác tự tử được xem là "vấn đề cá nhân". Ảnh minh họa: KBR. |
Tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã công bố một kế hoạch nhằm giảm 30% tỷ lệ tự tử vào năm 2027.
Kế hoạch kéo dài 5 năm, bao gồm kiểm tra sức khỏe tâm thần thường xuyên, chuẩn bị dịch vụ tư vấn tốt hơn cho nạn nhân và cải thiện quy trình chăm sóc cho những người đã cố gắng tự tử.
Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc, do chính phủ tài trợ và điều hành, cũng sẽ tư vấn và hỗ trợ điều trị cho những người dễ bị tổn thương, đồng thời chính phủ Hàn Quốc sẽ bắt đầu tài trợ chi phí y tế từ năm nay.
"Chỉ riêng năm 2021, có khoảng 13.000 người đã tự kết liễu đời mình. Đó thật sự là điều rất đáng tiếc. Trách nhiệm đầu tiên của quốc gia chính là bảo vệ cuộc sống của người dân", ông Han Duck Soo, thủ tướng Hàn Quốc, phát biểu trong một hội nghị về phòng chống tự sát.
Lee, nhân viên Hiệp hội Tâm thần kinh Hàn Quốc, cho biết hiện tại đất nước này chỉ chi 1,6% tổng ngân sách chăm sóc sức khỏe cho tâm thần học, trong khi đó, tại các nước phát triển khác, họ đầu tư tới 10% mỗi năm.
Theo ông Paik, xã hội Hàn Quốc cần tạo ra một nền văn hóa hỗ trợ nhiều hơn.
"Các nhóm có nguy cơ tự sát cao, chẳng hạn như những người đang có ý định, sẽ cần được phát hiện, nhập viện và điều trị sớm hơn. Xã hội và đất nước cần có trách nhiệm giải cứu những người đang gặp nguy hiểm", ông nói thêm.