Đạp xích lô chở bia thuê để kiếm sống
Mỗi khi ngang qua hồ Giảng Võ tại Hà Nội, người đi đường ai cũng phải ngước nhìn tòa khách sạn được dát vàng từ trong ra ngoài có tên Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake, vừa là để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoàng gia của công trình, vừa là vì tò mò về chủ sở hữu của nó.
Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake tọa lạc ở khu đất "vàng" B7 Giảng Võ, là khách sạn dát vàng đầu tiên tại Hà Nội. Sau khoảng 18 tháng xây dựng với vốn đầu tư hơn 100 triệu USD, khách sạn được khánh thành vào tháng 7/2020. Chủ khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake là Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình Group) do ông Nguyễn Hữu Đường làm Chủ tịch HĐQT.
Ít ai biết, trước khi gặt hái thành công trong ngành bất động sản, vị chủ tịch của Hòa Bình Group từng kiếm sống bằng nghề chở bia bằng xích lô. Biệt danh Đường “bia” của ông cũng từ đây mà ra.
Do hoàn cảnh gia đình, ông chỉ học hết lớp 8 rồi bỏ dở để nhập ngũ. Ông từng có những năm tháng chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1979, ông Đường xuất ngũ với giấc mộng “phi thương bất phú”. Tập tành buôn bán, trở thành tay buôn chuyên từ Bắc ra Nam, con đường lái buôn của ông đều trót lọt cho đến lần thứ 10, số lượng lớn hàng buôn lậu của ông bị tịch thu toàn bộ và ông trở thành “kẻ trắng tay” trong nháy mắt. Giấc mơ đi buôn chấm dứt.
Thua keo này, bày keo khác, năm 1981, ông trở về học nghề lái xe. Để có tiền đi học và trang trải cuộc sống, mỗi ngày ông đều chở bia thuê bằng xích lô.
Thời điểm ấy, người ta trả cho ông 60 đồng, hôm nào nắng nóng bia đắt chở nhiều ông được trả tới 80 đồng, hơn cả lương tháng một kỹ sư khi ấy. Nhận ra đây là con đường kiếm tiền tốt, ông Đường quyết định từ bỏ học lái xe và xin làm nhân viên chính thức trong Hợp tác xã Bia.
Sau khi tích lũy được một số tiền, cuối năm 1986, ông rút vốn mua mảnh đất lập nên Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình mời nhiều anh em đồng đội, trong đó có 7 thương binh về làm việc nhằm tạo công ăn việc làm cho họ. Tổ hợp của ông giai đoạn đầu làm rất nhiều nghề từ nước đá, sản xuất nước ngọt, đóng bia cho đến làm nút chai cho nhà máy rượu…
Đến năm 1988, cái tên Đường “Bia” đã trở thành thương hiệu khi Tổ hợp của ông được chuyển thành nhà máy bia sau khi Nhà nước ra chính sách phát triển kinh tế. Nhà máy của ông thuận buồm xuôi gió mà trở nên phát đạt, một ngày nhà máy Bia kiếm được 2-3 cây vàng.
Sau thành công bước đầu của nhà máy Bia, năm 2002, ông Đường chuyển sang làm malt, đây cũng chính là cơ duyên đưa ông đến với bất động sản.
Ông kể, để tiết kiệm chi phí, ông quyết định tự làm nhà máy. Nhưng vì không có kinh nghiệm, đáng lẽ phải xây dựng nhà điều hành trước thì ông lại làm các silo trước. Khi 11 chuyên gia của Đức sang, họ không có nhà điều hành để lắp đặt thiết bị nên phải chờ.
Khi đó, mỗi ngày ông phải trả cho họ hơn 1.000 USD/ người. Nếu cứ để họ chờ lâu thì số tiền phải trả là hơn 100.000 USD/tháng. Cách duy nhất là đẩy nhanh tốc độ xây dựng.
“Tôi đốc thúc mọi người, chỉ trong vòng 9 ngày đã xây xong tòa nhà cao 9 tầng, tức mỗi ngày, chúng tôi làm xong một sàn đổ bê tông rộng 150m². Nhờ đợt đó, chúng tôi học hỏi được kinh nghiệm về cách xây nhà của người Đức: Chắc chắn, nhanh và tiết kiệm. Cứ thế về sau, chúng tôi tự làm hết.”, ông Đường nói.
Từ cơ duyên này, ông Đường dấn thân kinh doanh vào mảng bất động sản và trở thành “đại gia” bất động sản có tiếng ở đất Hà Thành. Tổ hợp nhà máy Bia được ông đổi tên thành Công ty TNHH Hòa Bình. Một loạt các dự án được triển khai và xây dựng thành công dưới cái tên của công ty ông như: Hòa Bình Green City (Hà Nội); Hòa Bình Green Apartment (Hà Nội); Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội); tòa tháp quốc tế Hòa Bình dự án đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng.
Chia sẻ về bí quyết thành công, ông Đường nói: “Những gì tôi có được ngày hôm nay phần lớn đến từ may mắn. Ngoài ra sự thông minh, nhanh nhạy, bản lĩnh của người đứng đầu và sự trung thực cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, lãnh đạo doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi cái mới”.
Hệ sinh thái Hòa Bình hàng nghìn tỷ
Tính đến tháng 4/2021, Công ty Hòa Bình do ông Nguyễn Hữu Đường làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc có quy mô vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng. Trong đó, ông Đường góp 524,48 tỷ đồng, tương đương 47,68% vốn điều lệ.
Tới tháng 10/2022, quy mô vốn của Hòa Bình Group được điều chỉnh còn 600 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông công ty không có sự thay đổi.
Sau khi ghi dấu với loạt công trình dát vàng, tháng 4/2022, ông Nguyễn Hữu Đường tuyên bố Hòa Bình Group sẽ chỉ tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với mục tiêu khởi công 10.000 căn ngay trong năm 2022.
Tháng 2/2022, đại gia Đường “bia” cùng các cộng sự đã góp vốn thành lập CTCP Đầu tư và Xây dựng nhà ở xã hội Hòa Bình (Hòa Bình Social House). Công ty này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Hữu Đường góp 700 tỷ đồng, sở hữu 70% vốn điều lệ.
Hiện Công ty Hòa Bình có 7 công ty thành viên gồm: CTCP xây dựng và sản xuất thép Hòa Bình (số 31 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội); CTCP Trung tâm Thương mại V+ Hòa Bình (số 505 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội); CTCP Bia và Nước giải khát Hòa Bình (số 1, đường TS3, Khu công nghiệp Tiên Sơn, Hoàn Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh); Công ty TNHH in ấn và sản xuất bao bì Thuận Phát (số 51 ngõ 376/12 đường Bưởi, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội); CTCP Quốc tế Inox Hòa Bình (Km 19+500, Yên Phú, Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên); CTCP Đường Man (số 1 đường TS15, Khu công nghiệp Tiên Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh); Công ty Liên doanh Rượu Việt - Pháp (số 202H Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội).
Vân Anh (T/h)