Đằng sau camera quay lén: Đừng để sự tò mò là đồng lõa cho hành vi quấy rối phụ nữ!

Nguyễn Trang
Việc phụ nữ lên tiếng là một tín hiệu tích cực khi thái độ của xã hội với phụ nữ đã dần thay đổi cũng như phụ nữ hiểu hơn về vị thế và tiếng nói của bản thân. Vậy còn cộng đồng người dùng trên mạng xã hội, chúng ta đã lên án đủ và ứng xử phù hợp?

Gõ thử từ khoá "camera quay lén" trên Google, tôi tìm được rất nhiều website với những sản phẩm phục vụ cho mục đích trên, từ đồng hồ cho đến kính mắt. Điểm chung của nhiều sản phẩm là khả năng giấu kín camera một cách tài tình, khiến nhiều người không hề nhận ra rằng, trong chiếc đồng hồ tưởng chừng như hết sức bình thường kia lại có gắn một camera ghi hình. Trước đây, ngay cả khi những sản phẩm công nghệ như vậy chưa phổ biến nhiều trên thị trường, các vụ việc quay lén trong toilet, trong phòng tắm ở các cơ sở tập gym… đã được nhiều người truyền tai nhau.

Đằng sau câu chuyện của Châu Bùi bị quay lén trong phòng thử đồ đang được mọi người chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, có 3 vấn đề chính cần được quan tâm: Việc quấy rối tình dục với phụ nữ vốn không mới nhưng ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, vấn đề quyền riêng tư và xâm phạm quyền riêng tư ở những không gian công cộng, và thái độ ứng xử của người dùng mạng xã hội trước những vụ việc phát tán hình ảnh nhạy cảm của người nổi tiếng trên mạng xã hội.

Để giải quyết vấn nạn quay lén trong phòng thay đồ, nhà vệ sinh cũng như nhiều câu chuyện quấy rối tình dục khác, nạn nhân cần lên tiếng (dù không dễ dàng) và cộng đồng cần lên án.

Châu Bùi không phải nạn nhân đầu tiên của những chiếc camera giấu kín, cũng không hẳn là nạn nhân cuối cùng, nhưng Châu Bùi là một trong những nạn nhân dám lên tiếng và hiểu được sức nặng trong tiếng nói của mình có thể cảnh báo mạnh mẽ tới cộng đồng.

Khi phụ nữ ngày càng có tiếng nói hơn trong xã hội cũng như không bị ràng buộc chặt vào những định kiến, việc lên tiếng trước những hành vi quấy rối đã trở nên phổ biến hơn. Không phải vì "phụ nữ không để ý" nên bị quay lén hay "là phụ nữ phải chấp nhận người ta nhòm ngó", phụ nữ bị quay lén vì nhiều nam giới thiếu đạo đức và vẫn coi phụ nữ như những đối tượng với mục đích chính là phục vụ nhu cầu tình dục trong họ.

Đằng sau camera quay lén: Đừng để sự tò mò là đồng lõa cho hành vi quấy rối phụ nữ! - Ảnh 1.

Quấy rối tình dục với phụ nữ là chủ đề bạn có thể bắt gặp vài tháng một lần trên báo chí. Quyền riêng tư và xâm phạm quyền riêng tư là một vùng xám trong những xã hội nơi giá trị cộng đồng được đề cao trên giá trị cá nhân, nơi không gian riêng tư hay không gian công cộng đôi khi bị lẫn lộn, nơi việc bố mẹ vào phòng con trẻ không gõ cửa cũng không phải điều gì quá to tát.

Việc phụ nữ lên tiếng là một tín hiệu tích cực khi thái độ của xã hội với phụ nữ đã dần thay đổi cũng như phụ nữ hiểu hơn về vị thế và tiếng nói của bản thân. Vậy còn cộng đồng người dùng trên mạng xã hội, chúng ta đã lên án đủ và ứng xử phù hợp?

Đằng sau camera quay lén: Đừng để sự tò mò là đồng lõa cho hành vi quấy rối phụ nữ! - Ảnh 2.

Tôi nhìn quanh Facebook và nhận ra, tất cả bạn bè đều phẫn nộ. Song song với câu chuyện của Châu Bùi, không ít người chia sẻ trải nghiệm cá nhân từng trải qua, kinh nghiệm làm sao để phát hiện những camera giấu kín như vậy, cách xử lý khi gặp các tình huống tương tự…. Nhưng đâu đó trong các bài chia sẻ viral trên mạng hay trên chính bài đăng của Châu Bùi, không ít bình luận theo dạng "xin link" xuất hiện, thậm chí những kẻ câu like còn trá hình "full video Châu Bùi bị quay lén". Những bình luận trên không hiếm gặp. Trong bất cứ vụ việc người nổi tiếng nào bị phát tán những hình ảnh nhạy cảm trên mạng, bên dưới bình luận lại đầy những nội dung kiểu tương tự.

"Xin link" và các nội dung tương tự như trở thành một ‘sub-culture’ trên Internet hay mạng xã hội, vốn trước đây chỉ nằm ở trong các cộng đồng nhỏ hơn hay những không gian mạng xã hội đặc thù như 4chan, Reddit.

Có lẽ, chúng ta không cần phải liệt kê ra hết ví dụ về những vụ việc thương tâm diễn ra khi nạn nhân của các vụ phát tán ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội chọn những cái kết đau thương nhất cho cuộc sống của mình. Mới đây, trong một bài báo trên New York Times chỉ trích Facebook vì thiếu biện pháp bảo vệ trẻ em trước hiểm hoạ của mạng xã hội, nhiều phụ huynh cũng lên tiếng tố cáo Facebook không tìm cách ngăn cản việc phát tán những bức ảnh nhạy cảm mà con họ là nạn nhân, dẫn đến nhiều vụ tự tử thương tâm. Sự hiếu kỳ và tò mò của mỗi người dùng Internet không chỉ để đổi lại một bức ảnh vài mb hay đoạn clip 144p, đôi khi nó đổi lại cả mạng sống của một con người thật.

Đằng sau camera quay lén: Đừng để sự tò mò là đồng lõa cho hành vi quấy rối phụ nữ! - Ảnh 3.

Đôi khi, nhiều người nói rằng họ chỉ "đùa cho vui" hay coi những bình luận của bản thân như một trào lưu hài hước trên mạng xã hội, thấy người khác làm và làm theo. "Troll culture" như một quả mìn gài trên mạng xã hội. Không phải lúc nào nó cũng phát nổ nhưng chúng ta không biết ai sẽ là người dẫm phải. Với những vụ việc có khả năng dẫn tới kết cục đau thương cho nạn nhân, tôi chấp nhận là một người không biết đùa, hơn là đổ thêm nước vào cốc để không biết sẽ tràn ly bất cứ lúc nào.

Không chỉ vậy, ranh giới giữa "đùa" và "thật" vừa mỏng manh, vừa mang tính chủ quan. Khi gõ bình luận "xin link", bạn coi đấy là đùa nhưng chủ sở hữu của những nội dung trên có thể coi đó là thật, một sự hưởng ứng từ khán giả trên mạng cho hành vi vô đạo đức của bản thân. Một nghệ sĩ cần khán giả hưởng ứng và những gã biến thái cũng cần những "khán giả" để hợp thức hoá hành vi quấy rối, để biết mình không cô đơn. Khi một người không có khả năng phân biệt hành vi của bản thân là "đúng" hay "sai", thái độ của khán giả sẽ quyết định nhận thức của họ. Đồng loã cho những hành vi quấy rối phụ nữ là bạn đang mở cánh cửa cho những kẻ quấy rối bước từ những căn phòng tối tăm - nơi chúng cắm mặt mỗi ngày vào màn hình máy tính, ra ngoài ánh sáng.

Đằng sau camera quay lén: Đừng để sự tò mò là đồng lõa cho hành vi quấy rối phụ nữ! - Ảnh 4.

Tệ hơn nữa, đồng loã với kẻ quấy rối mở ra một "ngành công nghiệp" của những kẻ chuyên phát tán hình ảnh nhạy cảm của người khác. Báo giới Hàn Quốc và thế giới từng gây rúng động khi phanh phui đường dây của những kẻ chuyên phát tán hình ảnh nhạy cảm phụ nữ trên mạng xã hội, trong các phòng chat bí ẩn với số thành viên lên đến hàng chục người. Chúng chia sẻ, buôn bán hình ảnh phụ nữ, nhiều trong số đó là trẻ vị thành niên. Không ai muốn những "phòng chat thứ N" như vậy xuất hiện ở Việt Nam.

Kiếm tiền trên nỗi đau của người khác là một điều đáng sợ, nhưng khi làm ngơ hay thậm chí tiếp tay cho những hoạt động như vậy, chúng ta cũng không hề "vô can".

Đằng sau camera quay lén: Đừng để sự tò mò là đồng lõa cho hành vi quấy rối phụ nữ! - Ảnh 5.

Minh Đức - Thiết kế: Huy Minh