Siêu bão Helene và siêu bão Milton - tàn phá nhiều khu vực ở phía đông nam Mỹ - đã mở đầu cho một giai đoạn bão nhiệt đới đặc biệt bận rộn.
Mùa bão Đại Tây Dương bắt đầu một cách đáng ngại. Vào ngày 2.7, bão Beryl đã trở thành siêu bão cấp 5 sớm nhất hình thành ở Đại Tây Dương theo các ghi chép từ năm 1920.
Nhiệt độ Đại Tây Dương ấm bất thường - kết hợp với sự thay đổi trong các kiểu thời tiết khu vực - được cho là tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành bão.
Trên khắp vùng phát triển chính của bão - một khu vực trải dài từ bờ biển phía tây châu Phi đến Caribe - nhiệt độ bề mặt biển cao hơn khoảng 1 độ C so với mức trung bình 1991-2020, theo phân tích của BBC về dữ liệu từ Cơ quan Khí hậu Châu Âu.
Nhiệt độ Đại Tây Dương đã cao hơn trong thập kỷ qua, chủ yếu là do biến đổi khí hậu và mô hình thời tiết tự nhiên được gọi là Dao động đa thập kỷ Đại Tây Dương.
Bắt đầu từ siêu bão Helene, 6 cơn bão nhiệt đới Đại Tây Dương đã hình thành liên tiếp.
Được thúc đẩy bởi vùng nước rất ấm - và giờ đây là điều kiện khí quyển thuận lợi hơn, những cơn bão này mạnh lên, với 5 cơn trở thành bão cuồng phong.
Bốn trong số 5 cơn bão này đã trải qua cái gọi là “tăng cường nhanh”, trong đó sức gió tối đa tăng ít nhất 56 km/h trong 24 giờ.
Dữ liệu lịch sử cho thấy trung bình chỉ có khoảng 1 trong 4 cơn bão tăng cường nhanh.
Tăng cường nhanh có thể đặc biệt nguy hiểm, vì sức gió tăng nhanh này có thể khiến cộng đồng có ít thời gian hơn để chuẩn bị.
Bão Milton mạnh hơn 144 km/h trong 24 giờ và là một trong những cơn bão tăng cấp nhanh nhất từng được ghi nhận, theo phân tích dữ liệu của BBC từ Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC).
Các nhà khoa học tại World Weather Attribution phát hiện ra rằng gió và mưa từ cả siêu bão Helene và siêu bão Milton đều trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.
"Một điều mà mùa bão này minh họa rõ ràng là tác động của biến đổi khí hậu đã hiện diện ngay bây giờ" - Andra Garner từ Đại học Rowan ở Mỹ giải thích.
Về phần còn lại của mùa bão 2024 ở Đại Tây Dương (kéo dài từ 1.6 đến 30.11), nhiệt độ bề mặt biển cao vẫn thuận lợi cho các cơn bão tiếp theo tăng cấp thành siêu bão.
Cũng có khả năng La Nina xuất hiện ở Thái Bình Dương - hình thái thời tiết thường thúc đẩy sự hình thành bão Đại Tây Dương vì nó ảnh hưởng đến các kiểu gió.
Nhưng các cơn bão tiếp theo sẽ còn phụ thuộc vào các điều kiện khí quyển khác, vốn không dễ dự đoán.
Dù thế nào đi nữa, mùa bão Đại Tây Dương năm nay đã nêu bật thực trạng nước biển ấm do biến đổi khí hậu đang làm tăng khả năng xảy ra các siêu bão mạnh nhất và điều này dự kiến sẽ tiếp tục khi thế giới ấm lên hơn nữa, theo Kevin Trenberth, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ.