Dự báo xác suất áp thấp thành bão gần Biển Đông đầu năm mới

Mặc dù có 3 áp thấp đáng chú ý gần Biển Đông, nhưng khả năng mạnh lên thành bão là rất thấp.
du-bao-xac-suat-ap-thap-thanh-bao-gan-bien-dong-dau-nam-moi1-1735620569.jpg
Áp thấp ít có khả năng mạnh lên thành bão vào đầu năm mới. Ảnh: PAGASA

Bản tin dự báo bão/áp thấp của Trung tâm Cảnh báo bão liên hợp Mỹ (JTWC) ngày 31.12 cho hay, mặc dù có ba khu vực thời tiết đáng chú ý, khả năng phát triển thành bão trước khi năm 2024 khép lại và đầu năm mới 2025 là rất thấp. Tuy nhiên, cả ba khu vực này vẫn mang đến nguy cơ mưa lớn và ảnh hưởng thời tiết phức tạp tại một số nước Đông Nam Á.

Khu vực A (ngoài khơi phía bắc Borneo): Một vùng áp thấp yếu dọc bờ biển phía bắc Borneo và bờ tây Palawan (Philippines) đang gây ra các cơn mưa rào và giông bão rải rác, nhưng không tổ chức rõ ràng. Gió trên cao đang dần trở nên bất lợi, làm giảm khả năng phát triển thêm của hệ thống này. Dù vậy, khu vực này dự báo sẽ mang đến mưa lớn cho các khu vực thuộc Brunei, Malaysia và Indonesia trong vài ngày tới.

Khả năng hình thành bão trong 7 ngày là thấp, chỉ 20%.

Khu vực B (phía đông nam Palau): Một vùng áp thấp khác vừa hình thành phía đông nam Palau, tạo ra diện mưa lớn và giông bão. Tuy nhiên, gió trên cao và độ ẩm tầng sâu sẽ sớm trở nên bất lợi, khiến quá trình phát triển của hệ thống này diễn ra rất chậm.

Mặc dù ít khả năng trở thành bão nhiệt đới, hệ thống này dự kiến sẽ gây mưa lớn tại nhiều khu vực của Philippines vào cuối tuần này.

Khả năng hình thành bão trong 7 ngày là thấp, chỉ 10%.

du-bao-xac-suat-ap-thap-thanh-bao-gan-bien-dong-dau-nam-moi2-1735620569.jpg
JTWC đang theo dõi 3 áp thấp đáng chú ý: Khu vực A, B và C. Ảnh: JTWC

Khu vực C (phía tây vịnh Manila, Philippines): Khu vực này có thể hình thành một vùng áp thấp mới, liên kết một phần với khu vực B, ở phía tây vịnh Manila và Mindoro vào cuối tuần. Tuy nhiên, gió mạnh trên cao và không khí lạnh từ bề mặt sẽ hạn chế sự phát triển của hệ thống khi nó di chuyển về phía tây nam trong suốt cuối tuần.

Khả năng hình thành bão trong 7 ngày là thấp, 10%.

JTWC khuyến cáo, dù không có bão hình thành, người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lớn, đặc biệt là ở Brunei, Malaysia, Indonesia, và Philippines, cần theo dõi các bản tin dự báo thời tiết từ cơ quan khí tượng địa phương để chuẩn bị ứng phó kịp thời.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam, vào hồi 1h ngày 31.2, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 5-8 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp có vị trí ở vào khoảng 6,0-8,0 độ vĩ bắc; 113,0-115,0 độ kinh đông.

Ở trạm Phú Quý có gió giật mạnh cấp 7; trạm Trường Sa có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; trạm Huyền Trân có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8.

du-bao-xac-suat-ap-thap-thanh-bao-gan-bien-dong-dau-nam-moi3-1735620569.jpg
Ảnh: NCHMF

Dự báo ngày và đêm 31.12, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển từ 3-5m.

Khu vực Giữa Biển Đông, vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và phía tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Sóng biển từ 2-4,5m.

Ngày và đêm 1.1.2025: khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6, riêng vùng biển phía đông bắc có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 2-4,5m; vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận và vùng biển phía tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) gió đông bắc đến bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2-4m.