Những video liên quan đến "góc khuất ngành học" tràn lan trên mạng. Ảnh: Thái An. |
Là học sinh THPT và đang trong giai đoạn chọn ngành, Thu Trang (học sinh lớp 11 ở Hà Nội) cho biết em thường xuyên tìm đọc các bài review về ngành học. Bài review càng tiêu cực, nữ sinh càng thích thú.
“Em đọc review về ngành cũng như đọc review sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, tức là em sẽ có xu hướng đọc những đánh giá 1 sao trước rồi mới đọc đánh giá 5 sao”, nữ sinh nói với Tri thức - Znews.
Không riêng Thu Trang, nhiều học sinh khác, thậm chí cả sinh viên cũng quan tâm đến các nội dung liên quan đến mặt tối, mặt tiêu cực về ngành học mà ít người biết.
Một mét vuông mười người nêu góc khuất ngành học
Khi tìm các từ khóa như “góc khuất ngành học”, “sự thật về ngành học”, người dùng dễ dàng tìm được hàng trăm bài đăng hay video có nội dung tương tự trên mạng xã hội. Càng gần đến thời điểm tuyển sinh, những nội dung này lại càng nở rộ.
Trên một diễn đàn Facebook dành cho sinh viên với 1,9 triệu thành viên, không hiếm chủ đề liên quan đến góc khuất ngành học. Một bài đăng liên quan đến “góc khuất ngành Kế Toán - Kiểm toán" đã thu hút tới gần 3.000 lượt thích cùng 1.600 bình luận.
Ở dưới phần bình luận, đa số nói rằng “học ngành này là dễ đi tù”, “dốt môn Toán thì đừng theo", “nghề vừa nghèo vừa bạc" mà không giải thích gì thêm…
Trong khi đó, một số ít bình luận tò mò về lý do, hoặc bày tỏ lo ngại về ngành này khi đọc được những bình luận trên.
TikTok cũng rất nhiều nội dung tương tự. Khi Tri thức - Znews tìm từ khóa “góc khuất ngành”, thanh tìm kiếm của mạng xã hội này ngay lập tức gợi ý 10 kết quả như góc khuất ngành ngân hàng, góc khuất ngành luật, góc khuất ngành khách sạn…
Khi bấm vào từng kết quả, người xem dễ dàng nhận được loạt video review trái chiều về ngành. Ví dụ, khi nói về góc khuất ngành Du lịch, các nhà sáng tạo nội dung đưa ra những vấn đề như “học du lịch rất cực, không được chill”, “thích du lịch không có nghĩa là nên học ngành du lịch”, “bị quấy rối”...
“Tôi chỉ muốn nói là sinh viên học ngành du lịch đều bỏ nghề hết, ít ai trụ lại với nghề lắm. Chuyện này cũng đúng thôi vì lương ba cọc ba đồng mà vất vả, ai được lương 10 triệu đồng/tháng là phải giỏi lắm mới được”, một người nêu quan điểm.
Ngành Marketing cũng nhận được loạt review chê tương tự. Cụ thể, trong một bài đăng, một TikToker đăng loạt bình luận sưu tập được từ Facebook, thông qua một bài viết về chủ đề “góc khuất ngành Marketing”.
Phần lớn bình luận mà TikToker này đưa lên đều có chung một quan điểm là ngành Marketing phải đa nhiệm, phải cập nhật liên tục, người học cũng dễ bị vỡ mộng vì gặp phải những chuyện tiêu cực như bị chơi xấu.
Trong loạt bình luận chê, một người bình luận theo hướng tích cực hơn. Cụ thể, người này viết: “Ngành nào cũng có góc khuất, đừng vì những bài như vậy mà bỏ ngành. Marketing cực vì chạy deadline hơi nhiều nhưng học rồi bạn sẽ thấy mở mang tầm mắt lắm”.
Các bài viết thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Ảnh: Ngọc Bích. |
Không quá tin lời review
Dù thích đọc review “xấu” về ngành học, Thu Trang lại không bị ảnh hưởng bởi những bài đăng và bình luận trên mạng. Nữ sinh nói bản thân thích đọc những nội dung tiêu cực là vì tò mò, còn bản thân em luôn hiểu rõ trải nghiệm học tập là của mỗi người, có người nghĩ tốt nhưng cũng sẽ có người cảm thấy không hài lòng về ngành.
Còn hơn một năm để quyết định chọn ngành, chọn trường, Thu Trang đã chọn được một số ngành phù hợp với mong muốn của bản thân, trong đó có ngành Marketing. Nữ sinh cho biết Marketing là ngành em nhận được nhiều review tiêu cực nhất, từ những bình luận nói ngành học vất vả, cho đến các video TikTok chê ngành vô dụng, dễ thất nghiệp.
“Chị gái em cũng học Marketing và hiện làm trong lĩnh vực đó nên em biết những điều mà dân mạng nói có phần đúng, nhưng cũng có phần không hoàn toàn đúng với mọi người. Nhìn chung với những nội dung như vậy, học sinh như em chỉ nên đọc để tham khảo thôi, em sẽ không vì vài bình luận khen chê mà từ bỏ ngành học mà em yêu thích. Em mong là các bạn học sinh khác cũng sẽ như vậy. Các bạn đọc review không sao, nhưng đừng tin quá”, nữ sinh nói.
Bàn về những bài viết "góc khuất ngành học", Thanh Bích (sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở Hà Nội), cho rằng cô cũng thường xem được loạt nội dung này trên mạng xã hội. Nữ sinh cho biết cũng may là cô không đọc được những bài viết này vào 3 năm trước - khi chuẩn bị đăng ký nguyện vọng. Nếu không, có lẽ cô không chọn ngành Kế toán - Kiểm toán để theo học như hiện tại.
“Ví dụ bài viết nói về 'góc khuất ngành Kế - Kiểm' kể trên, nếu đọc nhiều bình luận 'dễ đi tù', ai mà dám đăng ký ngành học ấy nữa. Chưa kể, với đứa học Toán chỉ ở mức tạm ổn như mình, nếu đọc bình luận trên sẽ đắn đo nhiều lắm", Bích chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Bích, đó chỉ là cách nhìn phiến diện của một bộ phận không hiểu đúng về ngành nghề. Nữ sinh cho rằng “dốt toán” vẫn có khả năng học ngành Kế - Kiểm, bởi kiến thức toán ở bậc THPT không áp dụng nhiều trong quá trình học ngành này. Tất nhiên, những bạn học giỏi, có tư tuy sẽ có lợi thế nắm bắt kiến thức nhanh hơn.
Còn việc “dễ đi tù", điều này dựa vào năng lực, nhân cách và nhiều yếu tố khác chứ không phải ai học hay làm ngành này cũng “dễ đi tù" như các bình luận về góc khuất.
Đưa ra ý kiến cá nhân, Bích cho rằng những góc khuất đúng về ngành Kế - Kiểm mà học sinh cần nghe phải liên quan đến mức lương sau khi ra trường, cơ hội nghề nghiệp, khối lượng công việc, yêu cầu công việc...
“Trên mạng xã hội, những content về góc khuất rất dễ thành xu hướng, phổ biến và nhận lượng tương tác cao. Điều này chắc chắn dẫn cái nhìn sai lệch của người ngoài đối với các ngành nghề. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến tâm lý các em học sinh đang trong giai đoạn tìm hiểu", Bích nhận định.
Ngọc Bích - Thái An