UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020.
Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - Phạm Xuân Tiến doanh nghiệp muốn được cung cấp sữa trong Chương trình Sữa học đường phải thông qua đấu thầu. Thời gian mua hồ sơ tham gia thầu bắt đầu từ ngày 11/9 đến 1/10.
Sau đó phải tiến hành chấm thầu thì mới có kết quả để chốt hãng sữa nào có năng lực, cung cấp đủ sữa cho tất cả các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội với khoảng 1,2 triệu hộp/ ngày.
Thực tế hiện nay sữa tươi TH true Milk, Vinamilk, Nutifood đang được nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đưa vào chương trình sữa học đường. Tuy nhiên sau sự cố 73 học sinh Trường mầm non Phú Lộc và Trường tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, Đồng Nai) có biểu hiện đau bụng, nôn ói sau khi sử dụng sữa Nutifood nằm trong “Chương trình Sữa học đường” khiến sản phẩm sữa này mất điểm.
Vì thế dù chưa chốt thời gian nộp hồ sơ cũng như chấm thầu nhưng nhìn vào thực tế doanh nghiệp sữa trong nước câu chuyện đấu thầu Sữa học đường tại Hà Nội dường như chỉ là chuyện của hai ông lớn TH true Milk và Vinamilk.
Nhìn vào thị trường sữa Việt Nam nếu tính chung các sản phẩm thì Vinamilk đang là doanh nghiệp nội số 1. Theo số liệu thống kê từ Nielsen 8/2017, Vinamilk chiếm 50% thị phần sữa, trong đó sữa đặc chiếm 80%, sữa chua các loại 80%, sữa bột 40%. Riêng sản phẩm sữa tươi Vinamilk 100% đứng đầu về cả sản lượng và doanh số bán ra trong phân khúc nhóm nhãn hiệu sữa tươi từ năm 2015 đến nay.
Tuy nhiên theo quy định trong Chương trình sữa học đường chính thức được Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 1340/QĐ-TTg. Trong đó Thủ tướng chỉ đạo ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, quy định về định mức và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo quy định sữa được sử dụng trong chương trình sữa học đường phải là sản phẩm sữa tươi, đạt tiêu chuẩn theo QCVN 5:1-2010. Sữa tươi theo quy chuẩn phải chiếm hơn 90% sữa tươi nguyên liệu (sữa được thu từ trang trại bò sữa).
Như vậy nếu so sánh sữa tươi thị trường sữa Việt thì dường như Vinamilk và TH True Milk đang ở thế cân bằng. Nếu Vinamilk chiếm thị phần sữa tươi ở diện rộng thì cách TH True Milk xây dựng thị trường rất đáng chú ý.
TH True Milk ngay khi ra mắt thị trường đã đi vào phân khúc riêng “sữa tươi sạch”. Thông điệp này được Tập đoàn TH đưa ra với thông điệp về giá trị cốt lõi: “Vì sức khỏe cộng đồng”. Trong thời gian dài từ 2015 – 2017 TH True Milk tập chung PR, Marketing để gắn “sữa tươi sạch” với sữa tươi TH True Milk. Nhờ đó sữa tươi TH True Milk có chỗ đứng, gia tăng thị phần.
Tuy nhiên nếu so sánh về giá TH True Milk đang gặp bất lợi hơn. Cụ thể, sữa tươi TH true Milk được nhà sản xuất giới thiệu nguyên chất, có đường, ít đường và các loại sữa hương vị dâu, socola, với hộp 180ml đồng giá bán 31.000đồng/1 lốc 4 hộp (7.750 đồng/hộp)
Cùng được nhà sản xuất giới thiệu sữa tươi nguyên chất, có đường, ít đường và các loại sữa hương vị dâu, socola...nhưng giá bán của sữa tươi Vinamilk loại hộp thể tích 180ml chỉ có giá 28.000đồng/1 lốc 4 hộp (7.000 đồng/hộp).
Về giá thành TH True Milk cao hơn gần 1.000 đồng so giá sữa được Hà Nội đưa ra trong chương trình Sữa học đường (6.800 đồng/hộp 180ml). Như vậy nếu chấp nhận tham gia sữa học đường TH True Milk buộc phải giảm giá, giảm lợi nhuận đó là chưa kể doanh nghiệp tham gia sữa học đương phải trợ giá 20 – 50%.
So với TH True Milk, sản phẩm sữa tươi Vinamilk có mặt thị trường từ lâu, lợi thế Vinamilk về thương hiệu quen thuộc, chiếm lĩnh thị phần lớn và giá thấp hơn. Tuy nhiên nếu tham gia chương trình Sữa học đường Vinamilk buộc phải giảm lợi nhuận vì cũng phải trợ giá 20 – 50% các sản phẩm sữa.
Dù giảm lợi nhuận nhưng đổi lại hãng sữa trúng thầu chương trình Sữa học đường sẽ có lượng khách hàng thường xuyên cố định trong khoảng thời gian đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định.