Genre: Trinh thám, Tâm Linh, Kinh dị
Director: Victor Vũ
Cast: Quốc Huy, Đinh Ngọc Diệp, Minh Anh, NSND Mỹ Uyên..
Rating: 7/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ Phim.
Dịp lễ 30/4 – 1/5 năm nay, phòng vé nội địa chứng kiến màn đọ sức của hai trong số những cái tên sừng sỏ của điện ảnh Việt. Đối đầu với một Lý Hải khai thác kiểu phim tâm lý gia đình đang thịnh hành, Victor Vũ chọn thể loại trinh thám vốn ít phổ biến, với tầm nhìn mang đến món ăn mới lạ cho thị trường. Tác phẩm của anh - Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu, vì thế, không chỉ là cuộc dạo chơi đầy mạo hiểm của nam đạo diễn, mà còn là phép thử đối với chính gu thưởng thức của khán giả.
Nói mạo hiểm là bởi, thời gian qua, điện ảnh Việt chứng kiến sự phân cực mạnh mẽ giữa những tác phẩm dễ tiếp cận như gia đình, kinh dị, hài và những thể loại khác. Nghĩa là, nếu nhà làm phim nào quyết định bước chân ra "khỏi vùng an toàn" về thể loại, khả năng đối diện với thất bại sẽ rất lớn, khi thị trường nội địa giờ đây hiếm khi ưu ái cho những kẻ cố khai phá những địa hạt sáng tạo mới.
Song thực chất, Victor Vũ đã không bước vào cuộc chơi này với sự liều lĩnh mù quáng. Ngược lại, anh có những toan tính rất thực tế, khi khéo léo đan cài các yếu tố đang thịnh hành như tâm linh, hài hước, để đứa con tinh thần của mình gần gũi hơn với khán giả.
Victor Vũ kể chuyện lên tay nhưng vẫn còn vụng về
Lấy bối cảnh Việt Nam thế kỷ 19, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu nối tiếp câu chuyện trong Người vợ cuối cùng, tác phẩm cổ trang ăn khách của Victor Vũ năm 2023. Chuyện phim mở ra khi Nga (Minh Anh) - cô cháu gái mà Hai Mẫn (Đinh Ngọc Diệp) yêu thương như con - mất tích một cách bí ẩn. Trong khi cả làng đều cho rằng cô đã bị ma da bắt đi, Hai Mẫn vẫn níu kéo hy vọng vì chưa thấy cái xác không đầu của Nga nổi lên trên nước, một tín hiệu của kẻ bị ma da ám hại.
Sau nhiều lần báo quan nhưng không được giải quyết, Hai Mẫn quyết định gửi thư cầu cứu thám tử Kiên. Khi bước vào điều tra, vị công sai không khỏi đau đầu vì vụ án có quá nhiều tình tiết phức tạp, chồng chéo. Chưa kể, anh còn phải đối mặt với thế lực ma quái mang tên ma da, thậm chí tính mạng cũng bị đe dọa.
![]() |
Nhân vật thám tử Kiên của Quôc Huy được khán giả yêu thích từ Người vợ cuối cùng (2023) |
Về câu chuyện, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu không có quá nhiều khác biệt so với kiểu phim whodunit cổ điển (truy tìm thủ phạm). Tác phẩm bày biện một nhóm nghi phạm mà bất cứ ai cũng có động cơ gây án; manh mối hợp lý được rải rác khắp nơi nhưng chưa chắc đúng; liên tục có những cú twist nhỏ chồng chéo lên nhau. Ở đó, thám tử Kiên sẽ là trung tâm của câu chuyện, xâu chuỗi sự kiện để tìm ra kẻ thủ ác cuối cùng.
Ma da trong phim không chỉ là yếu tố hù dọa đơn thuần, mà đóng vai trò như một công cụ làm nhiễu loạn quá trình điều tra, buộc thám tử Kiên phải mở rộng phạm vi suy luận. Với sự xuất hiện của thế lực vượt ngoài tầm hiểu biết, nhân vật không còn có thể chỉ dựa vào logic thuần túy, mà phải đối mặt và chấp nhận những khả năng "không thể giải thích được".
Để khiến một câu chuyện trinh thám không trở nên quá nặng nề với khán giả Việt, Victor Vũ đã chủ động đan cài thêm nhiều thể loại khác. Sự kết hợp giữa yếu tố hài hước và kinh dị tâm linh giúp giãn biên độ cảm xúc người xem: có lúc, nhịp phim được đẩy lên cao trào bằng những màn hù dọa bất ngờ; khi khác, lại được làm dịu nhờ những mảng miếng hài nhẹ nhàng, duyên dáng.
Với Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu, Victor Vũ thiết kế tuyến trinh thám theo hướng đơn giản, dễ tiếp cận với đại chúng, khi mỗi vấn đề đặt ra đều nhanh chóng được giải quyết trước khi dẫn đến vấn đề tiếp theo.
Để câu chuyện vẫn có được độ phức tạp cần thiết, vị đạo diễn đã cố gắng tạo thêm nhiều lớp thông tin nhiễu bằng những cú flashback (hồi tưởng). Song, điều này khiến nửa đầu phim đôi khi trở nên lan man, chệch choạc, khi nhiều chi tiết — vốn không đủ hấp dẫn — lại được diễn tả dông dài quá mức cần thiết và thiếu sự đa dạng trong cách diễn đạt.
Phải đến nửa sau, khi các tuyến thông tin được gom tụ về một mối và những cú twist lớn được tung ra, bộ phim mới thực sự bứt phá về nhịp điệu và sức hút. Những cú lật bài được xử lý khéo léo, vừa bất ngờ, vừa hợp lý trong tổng thể câu chuyện, đem đến một hồi cuối tương đối hấp dẫn, giàu tính Giải trí.
Kịch bản của Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu rõ ràng vẫn tồn đọng hạn chế, song vẫn có thể xem là một bước tiến trong việc kể chuyện của Victor Vũ. Với mật độ chi tiết dày đặc, việc sắp xếp các yếu tố sao cho dễ hiểu, không rối rắm là một thử thách không nhỏ. May mắn, Victor Vũ đã hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ này, tạo nên một câu chuyện mạch lạc, dễ theo dõi.
Hình ảnh ấn tượng, diễn xuất chưa đồng đều
Từ những đại cảnh hùng vĩ trong Người bất tử (2018), cho đến những bài trí đậm tính thẩm mỹ trong Mắt biếc (2019), Victor Vũ đó nay vẫn luôn nổi tiếng với những hình ảnh nịnh mắt, đánh mạnh vào thị giác người xem.
![]() |
Yếu tố kinh dị tâm linh khiến tác phẩm hợp thị hiếu hơn. |
Song đôi khi, việc tập trung quá nhiều vào phô diễn phần nhìn lại vô tình khiến những khung hình của nam đạo diễn thiếu đi tính kể chuyện cần thiết của một tác phẩm điện ảnh. Chẳng hạn như việc lạm dụng nhiều đại cảnh thiên nhiên, hay những trang phục mới mẻ, bắt mắt từng không phù hợp với hình ảnh của nhân vật nghèo khó trong Mắt biếc.
Song đến Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu, Victor Vũ đã đạt được sự cân bằng hợp lý giữa hai yếu tố trên. Thực chất, từ Người vợ cuối cùng, nam đạo diễn đã có những tiết chế nhất định trong việc xử lý hình ảnh, chú trọng hơn vào việc kể chuyện. Và tác phẩm lần này có thể coi là sự kế thừa và phát huy những gì anh đã làm hai năm trước đó.
Trong Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu, những khung hình không còn rực rỡ hay bắt mắt như các tác phẩm trước. Thay vào đó, đạo diễn sử dụng tone màu xanh lạnh, pha xám, tạo nên một không gian u ám, tang thương, phản ánh đúng bầu không khí của câu chuyện. Trang phục của các nhân vật nghèo khó cũng được làm cũ đi, phù hợp với xuất thân của họ.
Điểm đặc biệt trong ngôn ngữ điện ảnh của Victor Vũ chính là việc sử dụng những cú máy giả longtake (nhiều cú máy ghép lại, tựa như một cú máy dài). Trong thể loại trinh thám, nơi các góc nhìn được liên tục thay đổi qua lại, cách xử lý này giúp giữ nguyên mạch cảm xúc của người xem. Việc di chuyển giữa các tình tiết vụ án mà không bị gián đoạn bởi nhịp cắt giúp cảm xúc khán giả được duy trì, không bị đứt gãy.
Đồng thời, các cú máy giả longtake còn làm mờ đi những khác biệt không gian và thời gian, khiến cho tình tiết vụ án như thể đang hiện ra ngay trước mắt khán giả.
Bàn về diễn xuất, thực chất đây không phải là điểm mạnh của phim, khi dàn diễn viên có màn thể hiện không đồng đều. Quốc Huy trong vai thám tử Kiên vẫn gây ấn tượng trong những cảnh suy tư, phân tích vụ án, vốn đã được anh thể hiện tốt ở tác phẩm trước. Tuy nhiên, khi được trao nhiều cung bậc cảm xúc khác như sợ hãi, yêu đương, hay đối mặt với sai lầm, Quốc Huy chưa thể lột tả hết sự phức tạp của những trạng thái này.
Tương tự, Đinh Ngọc Diệp cũng được trao một vai diễn dài hơi hơn so với tác phẩm trước, song giống với bạn diễn của mình, nữ diễn viên chỉ dừng lại ở mức tròn vai. Diễn xuất của cô trong nhiều phân đoạn mang màu sắc kịch nghệ, xung đột tâm lý lại diễn ra khá gấp gáp, thiếu sự tự nhiên. Mối quan hệ tình cảm giữa Hai Mẫn và thám tử Kiên thiếu đi những phân đoạn khắc họa rõ ràng các góc nhìn, khiến tình huống trở nên vội vã, khó tạo được sự đồng cảm.
![]() |
Diễn xuất của Quốc Anh trong phim cũng không tạo được ấn tượng. |
Bù lại, diễn xuất của dàn nghệ sĩ gạo cội như NSND Mỹ Uyên hay Quốc Cường để lại ấn tượng tốt. Mỹ Uyên, với sự tinh tế , đã khắc họa rõ ràng những dã tâm của nhân vật mình đảm nhận. Tuy nhiên, một số phân đoạn của cô và Đinh Ngọc Diệp lại mang đậm màu sắc kịch sân khấu.
Dù vẫn còn một số điểm chưa hoàn hảo, song với chất lượng kể trên, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu vẫn là một trong những tác phẩm có chất lượng tốt nhất trong năm 2025. Thêm vào đó, những nỗ lực của Victor Vũ trong việc đưa những yếu tố mới lạ vào dòng chảy điện ảnh Việt, theo cách thức của một bộ phim thương mại, thực sự xứng đáng được ghi nhận.