Thủ tướng xót ruột với cảnh Công viên Thống Nhất 10 năm không có gì mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ông từng sống cạnh Công viên Thống Nhất khoảng 10 năm mà cảm thấy xót ruột vì không có gì mới, trong khi nơi đây phải thuê hàng trăm nhân lực để vận hành.

Sáng 6/5, kết luận cuộc làm việc với Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

“Những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Phân cấp, phân quyền là động lực phát triển

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, TP Hà Nội cần tập trung vào 3 động lực phát triển chính gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Việc huy động nguồn lực ngoài xã hội cần hiệu quả hơn nữa theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển.

Nhận định những khó khăn, thách thức còn kéo dài, Thủ tướng mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc phân cấp, phân quyền là tạo ra nguồn lực tốt hơn cho phát triển. (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải đi đầu trong việc khuyến khích và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Đồng thời khắc phục bằng được khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, ông rất tâm đắc với vấn đề Hà Nội đang làm, đó là phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm. Việc phân cấp, phân quyền phải đi cùng với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị của các cấp. “Phân cấp, phân quyền là tạo ra nguồn lực tốt hơn cho phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thành phố.

TP Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giảm thủ tục, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Nội đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành từ thủ công truyền thống sang môi trường điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến và bảo vệ môi trường.

Gỡ vướng 7 dự án đường sắt đô thị

Về giải pháp huy động nguồn lực, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường hợp tác công - tư. Trong đó có mô hình đầu tư công, nhưng quản lý tư. Theo Thủ tướng, các trường học, bệnh viện, công viên, bảo tàng có thể áp dụng được mô hình này.

Thủ tướng cho biết, ông từng sống cạnh Công viên Thống Nhất khoảng 10 năm mà cảm thấy xót ruột vì không có gì mới, trong khi nơi đây phải thuê hàng trăm nhân lực để vận hành.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, việc Hà Nội có sáng kiến cho phá tường rào ở Công viên Thống Nhất cũng không phải là giải pháp cơ bản. Theo ông, cách cơ bản ở đây là phải quản trị tư, nếu giao cho doanh nghiệp thì công viên sẽ thay đổi hoàn toàn.

Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Thủ đô thời gian tới.

“Mình đầu tư hàng chục tỷ cho công viên, thuê bao nhiêu người làm nhưng không tiến bộ. Nhưng giao cho tư nhân, họ đầu tư mấy trăm tỷ vào khai thác, mình không mất đồng nào mà còn được thu thuế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng đề nghị Hà Nội chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cơ bản đồng tình với kiến nghị của Hà Nội, đồng thời giao các Bộ trưởng trực tiếp giải quyết vấn đề thuộc thẩm quyền. Với những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì các Bộ trưởng phối hợp với Hà Nội đề xuất.

Về các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý các vướng mắc liên quan tới dự án; Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc về vốn; Bộ GTVT xử lý các vướng mắc liên quan tới hướng tuyến.

Thực hiện đồng bộ giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng và thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và xác định rõ trách nhiệm của Thủ đô, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế.

“Đặc biệt là hiện thực được khát vọng phát triển Thủ đô như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu đối với Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Thủ đô nhân dịp đến thăm, chúc Tết Quý Mão năm 2023 vừa qua”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói thêm.