Tìm giải pháp bền vững xử lý ô nhiễm không khí tại Việt Nam

Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đang ở mức đáng báo động, đòi hỏi hành động quyết liệt từ cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
tim-giai-phap-ben-vung-xu-ly-o-nhiem-khong-khi-tai-viet-nam1-1734072515.jpg
Ô nhiễm không khí từ giao thông đang đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Cao Thơm

Đe dọa sức khỏe cộng đồng

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TPHCM đang trở thành vấn đề nghiêm trọng. Theo PGS Hồ Quốc Bằng, Đại học Quốc gia TPHCM, giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm, với 74% lượng bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội và 18% tại TPHCM phát sinh từ hoạt động này.

Cùng với đó, các khí độc hại như NOx, CO và SO2 không chỉ làm suy thoái môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

GS. Yafang Cheng - Viện nghiên cứu Hóa học Max Planck (Đức) - nhấn mạnh rằng, các hạt aerosol từ giao thông là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 9 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí thường trầm trọng hơn vào mùa Đông khi tầng khí quyển thấp khiến các chất ô nhiễm không khuếch tán, tích tụ sát mặt đất. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, tim mạch và đột quỵ.

Kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát ô nhiễm giao thông

Thành phố Los Angeles từng là một trong những khu vực ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên, nhờ áp dụng Đạo luật Không khí Sạch từ năm 1970, Los Angeles đã kiểm soát hiệu quả khí thải từ giao thông. Các biện pháp như thay thế xe cũ, áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt và thúc đẩy xe điện đã giúp thành phố này cải thiện đáng kể chất lượng không khí.

Tương tự, Bắc Kinh - nơi từng đối mặt với mức độ ô nhiễm khủng khiếp - đã triển khai hệ thống cảnh báo đỏ về chất lượng không khí, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng xe điện và giảm phát thải từ công nghiệp. Kết quả, Bắc Kinh giảm được hơn 25% lượng bụi mịn PM2.5 chỉ trong một thập kỷ.

GS. Daniel Kammen - Đại học California, Berkeley - chia sẻ rằng, các thành phố như San Francisco không chỉ chuyển đổi sang giao thông xanh mà còn đặt mục tiêu không phát thải carbon. Các chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, kết hợp giao thông công cộng và hạ tầng xe điện, đã mang lại hiệu quả bền vững.

tim-giai-phap-ben-vung-xu-ly-o-nhiem-khong-khi-tai-viet-nam-1734072514.jpg
Tình trạng ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Ảnh: Ngọc Thùy

Giải pháp cần hành động ngay tại Việt Nam

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các biện pháp ngắn hạn và dài hạn. Đầu tiên, cần tăng cường kiểm tra khí thải phương tiện giao thông, loại bỏ các phương tiện không đạt tiêu chuẩn và khuyến khích sử dụng giao thông công cộng.

Thứ hai, cần đầu tư vào phát triển xe điện và hạ tầng trạm sạc trên cả nước. GS. Daniel Kammen nhấn mạnh rằng, xe điện là giải pháp hiệu quả nhưng chỉ thực sự phát huy tác dụng khi có mạng lưới hạ tầng đồng bộ. Các doanh nghiệp như VinFast đang tạo ra cơ hội lớn, nhưng sự hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế và trợ giá, sẽ quyết định mức độ phổ cập của xe điện tại Việt Nam.

Thứ ba, cần áp dụng các Công nghệ hiện đại như AI và vệ tinh để theo dõi, phân tích chất lượng không khí theo thời gian thực. Những công nghệ này không chỉ giúp giám sát mà còn hỗ trợ xây dựng các chính sách kiểm soát phát thải hiệu quả. Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.

Nếu không hành động quyết liệt, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng hơn trong tương lai. Các chuyên gia đồng thuận rằng, giảm ô nhiễm không khí cần sự phối hợp chặt chẽ từ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, với mục tiêu phát triển giao thông bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.