Tôi tiết kiệm được 800 triệu đồng sau 8 năm đi làm: 3 thứ này đã “cứu” ví tiền của tôi!

Tôi chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu tiết kiệm tiền, dù thu nhập có lúc chỉ “cao hơn ngọn cỏ”.

Tháng 9 tới đây là kỷ niệm tròn 8 năm tôi “đặt chân” vào thị trường lao động. Nhìn lại hành trình này của bản thân, tôi cảm thấy điều đáng tự hào nhất chính là khoản tiền tiết kiệm 800 triệu đồng.

Dù có những lúc thu nhập rất thấp, chỉ khoảng 6-7 triệu/tháng, dù có những khoảng thời gian chật vật lo lắng vì thất nghiệp, tôi cũng chưa bao giờ từ bỏ việc tiết kiệm. Ngay cả khi chỉ có thể “để dành” 500k/tháng, tôi vẫn tin rằng có tiết kiệm vẫn hơn là dùng số tiền ít ỏi đó mua thứ này thứ kia.

ava 57 Ảnh minh họa

Cứ như vậy đến giờ này, kết quả tôi nhận được gọi là trái ngọt có lẽ cũng chẳng sai. Với mọi người, có thể 800 triệu không phải một số tiền quá lớn, nhưng với tôi thì khác. Để tài khoản tiết kiệm hiện 9 chữ số, tôi đã phải rất nỗ lực, đôi khi là hà khắc với bản thân để không phá vỡ 3 nguyên tắc này.

1 - Làm nhiều việc nhưng chỉ chi tiêu đúng 1 nguồn thu nhập

Khi mới ra trường, lương khởi điểm của tôi chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng. Đó là con số đủ để trang trải chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại ở thành phố. Cố gắng lắm cũng chỉ dư được vài trăm ngàn, mà chỉ cần có 1 biến cổ nhỏ như xe máy hỏng ắc-quy là cũng bay sạch tiền tiết kiệm 3-4 tháng.

Điều đó quả thực khiến tôi bất an. Thú thực hồi đó còn trẻ, tôi cũng không thích làm việc quá nhiều nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài kiếm thêm việc để tăng thu nhập.

Ban đầu, đó là những công việc biên tập nội dung cho các trang web, viết bài PR, hay thậm chí là dịch thuật tài liệu tiếng Anh. Sau này, khi kỹ năng và kinh nghiệm được nâng cao, tôi có thêm các dự án tư vấn nội dung, viết kịch bản quảng cáo. Có những thời điểm, tôi làm việc gần 16 tiếng một ngày.

Số tiền tôi kiếm được hàng tháng vì thế cũng tăng gấp 2-3 lần so với con số thời mới chân ướt chân ráo đi làm. Nhưng tôi vẫn chỉ duy trì mức chi tiêu 6 triệu quay đầu cho cách chi phí trong cuộc sống, còn lương từ các công việc “tay trái”, tôi dùng để tiết kiệm hết, không tiêu dù chỉ 1 đồng.

2 - Tiết kiệm trước, chi tiêu sau

Hồi còn là sinh viên, tôi cũng đi dạy gia sư và chạy bàn trong quán cà phê nhưng chẳng tiết kiệm được đồng nào chỉ vì 1 lỗi sai chí mạng: Chi tiêu trước, tiết kiệm sau.

10779f4783699c2393082f1111614d1f Ảnh minh họa

Đến khi đi làm, đó là một trong những thói quen đầu tiên mà tôi quyết tâm thay đổi. Ngay khi lương về, việc đầu tiên tôi làm là trích ra 1 khoản để gửi tiết kiệm. Ban đầu, tôi bắt đầu với 10% thu nhập chính. Sau này, khi thu nhập tăng lên, tỷ lệ này cũng tăng theo, có khi lên đến 60% tổng thu nhập. Khoản tiền tiết kiệm này được tự động chuyển sang một tài khoản tiền gửi - “nơi” tiền chỉ có thể vào chứ không thể “ra” để tránh trường hợp rút tiền tiết kiệm trước hạn.

Việc tiết kiệm trước, chi tiêu sau không chỉ giúp tôi tích lũy tiền bạc một cách có kỷ luật mà còn thay đổi tư duy chi tiêu của tôi. Khi biết mình chỉ có một khoản nhất định để chi tiêu cho tháng đó, tôi buộc phải suy nghĩ kỹ hơn mỗi lần “mở ví”, ưu tiên những gì thực sự cần thiết và cắt giảm những thứ không quan trọng. Đây chính là cách tôi rèn luyện khả năng quản lý tài chính hiệu quả, không bị cuốn vào vòng xoáy tiêu tiền mua vui.

3 - Lúc buồn chán, tuyệt đối không đến những nơi gây tốn tiền

Buồn chán là lại mua sắm, lại “lượn lờ” trong siêu thị hoặc TTTM rồi mua cả mớ đồ, tốn bộn tiền… Có 1 khoảng thời gian ngắn, tôi cũng từng là nạn nhân của việc chi tiêu theo cảm xúc.

Sau đó, tôi nhận ra việc không kiểm soát được cảm xúc là rào cản lớn nhất trên hành trình tiết kiệm. Để giải thoát bản thân khỏi “hố đen” này, tôi buộc mình phải tìm kiếm những phương pháp giải tỏa khác lành mạnh và ít tốn kém hơn. Thay vì lao vào mua sắm, tôi bắt đầu với việc quăng điện thoại sang một bên và ra công viên chạy bộ. Dần dần, tôi có những thú vui lành mạnh và hoàn toàn không tốn 1 đồng: Dọn nhà, đọc sách, nghe podcast,...

Việc chặn đứng thói quen mua sắm khi buồn chán không chỉ giúp tôi tiết kiệm được tiền, mà còn giúp tôi học cách đối diện và giải quyết cảm xúc của bản thân một cách trưởng thành hơn.

Ngọc Linh